Thời tiết nắng nóng, nhiều dịch bệnh như sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp nguy hiểm, các bệnh lây truyền qua đường tiêu hoá… có nguy cơ quay trở lại và bùng phát thành dịch. Trước tình hình bệnh sởi diễn biến phức tạp, Sở Y tế đã có văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống và tiêm vét vắc xin sởi. Trung tâm YTDP tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện đã cử cán bộ thường trực phòng, chống dịch và cập nhật tình hình bệnh nhân sốt phát ban nghi sởi. Trung tâm YTDP tỉnh hướng dẫn Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tăng cường giám sát, chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng và trực tiếp trao đổi các biện pháp phòng, chống dịch với các địa phương có số người mắc cao như Trực Ninh, Giao Thủy, Xuân Trường và Thành phố Nam Định. Riêng tại Trường Mầm non Trực Đại A, xã Trực Đại (Trực Ninh), nơi có 6 bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng, Trung tâm YTDP tỉnh, Trung tâm Y tế huyện và Phòng GD và ĐT huyện đã phối hợp với UBND xã, Trạm Y tế xã tổ chức cách ly các trường hợp bị mắc bệnh và cho học sinh nghỉ học từ 26-4 đến 5-5-2014. Trung tâm Y tế đã cấp 25kg Cloramin B cho Trạm Y tế xã, trường mầm non và các gia đình có bệnh nhân để tiêu độc khử trùng. Các bài tuyên truyền phòng, chống bệnh tay chân miệng được phát trên đài truyền thanh xã mỗi ngày 2 lần và phát 1 tuần 3 lần trên Đài phát thanh huyện Trực Ninh. Trung tâm Y tế huyện cử cán bộ giám sát và giao ban hằng ngày với y tế thôn, đội để kịp thời nắm bắt tình hình và chỉ đạo công tác phòng, chống dịch. Trong công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết, cùng với việc mở lớp giám sát dịch tễ cho CTV phòng, chống sốt xuất huyết, Trung tâm YTDP tỉnh đã hướng dẫn Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tích cực triển khai các hoạt động như: Giám sát bệnh nhân tại 229 xã, phường, thị trấn và phát hiện véc-tơ truyền bệnh; tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nội dung về các biện pháp phòng, chống véc-tơ truyền bệnh sốt xuất huyết; tổ chức 15 đợt điều tra côn trùng tại 15 xã trọng điểm về sốt xuất huyết tại 7 huyện, thành phố.
Hội thảo báo chí về truyền thông trong công tác phòng, chống dịch bệnh do Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tổ chức tại Hải Phòng tháng 6-2014. |
Về phòng dịch, từ nay đến cuối năm 2014, ngành Y tế sẽ tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các dịch bệnh trên địa bàn nhằm mục tiêu giảm tỷ lệ mắc và chết do các bệnh truyền nhiễm gây dịch, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra, tập trung vào các dịch bệnh: sốt phát ban nghi sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, cúm A(H1N1), cúm A(H5N1), tả, MERS-Cov…; các bệnh thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng và các bệnh lây truyền từ động vật sang người. Về điều trị, tập trung phòng nhiễm khuẩn bệnh viện, lây nhiễm chéo, phân luồng, phân tuyến, cách ly trong điều trị; tăng cường công tác thu dung, điều trị bệnh nhân, rà soát, chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, trang thiết bị tại các bệnh viện, tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác chăm sóc và điều trị tại các đơn vị khám, chữa bệnh các tuyến; chuẩn hoá các phương pháp kỹ thuật cũng như hệ thống giám sát báo cáo và phòng, chống dịch bệnh từ tỉnh đến cơ sở. Trung tâm Truyền thông - GDSK tỉnh chủ động triển khai các hoạt động truyền thông, các hoạt động phối hợp phòng, chống dịch và chỉ đạo việc tăng cường các hoạt động truyền thông phòng, chống bệnh sốt xuất huyết tại các địa phương, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh thông tin về những khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, viêm não Nhật Bản. Để phòng, chống sốt xuất huyết, Trung tâm YTDP các tuyến triển khai áp dụng các biện pháp kiểm tra, hướng dẫn diệt muỗi, diệt bọ gậy tại các hộ gia đình thông qua mạng lưới CTV và tham mưu với chính quyền địa phương, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tích cực tham gia chiến dịch diệt loăng quăng, bọ gậy, phòng, chống sốt xuất huyết. Giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân, vi-rút và véc-tơ truyền bệnh. Chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc và dịch truyền tại các cơ sở điều trị như hóa chất, máy phun hóa chất, dụng cụ điều tra bọ gậy phục vụ công tác phòng, chống sốt xuất huyết, máy ly tâm, các test xét nghiệm... để sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết. Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ YTDP, cán bộ làm công tác điều trị và mạng lưới CTV về các nội dung hướng dẫn giám sát, phòng, chống dịch, hướng dẫn chẩn đoán điều trị, hướng dẫn quản lý mô hình CTV, về nội dung quản lý chương trình phòng, chống sốt xuất huyết.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, để phòng bệnh sốt xuất huyết, người dân cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hằng tuần thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên để muỗi không thể đẻ trứng như chai, lọ vỡ, lốp xe cũ, hốc tre, bẹ lá… Tích cực phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi gia đình có người bị sốt phải đưa ngay đến cơ sở y tế để được khám và điều trị, không tự ý điều trị tại nhà. Đối với bệnh tay chân miệng, cần vệ sinh cá nhân sạch sẽ, vệ sinh ăn uống, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho trẻ; thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà. Thường xuyên theo dõi sức khỏe trẻ để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác. Để phòng, chống bệnh sởi, chủ động đưa trẻ từ 9 đến 24 tháng tuổi đến các cơ sở tiêm chủng để được tiêm phòng vắc xin sởi theo kế hoạch. Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi. Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên áp dụng các biện pháp dự phòng chung như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ, đảm bảo các biện pháp về dinh dưỡng và các biện pháp dự phòng khác theo khuyến cáo của cơ quan y tế. Để phòng bệnh viêm não Nhật Bản, cần tiêm vắc xin phòng viêm não Nhật Bản cho trẻ em để tạo miễn dịch cho trẻ em. Chủ động phòng bệnh bằng cách mặc quần áo bảo hộ, dùng màn chống muỗi, hương xua muỗi và tránh các hoạt động ngoài trời vào buổi chiều khi không cần thiết, thả cá ăn bọ gậy nhằm hạn chế nơi muỗi đẻ trứng, thực hiện nhốt gia súc cách xa nhà ở./.
Bài và ảnh: Minh Thuận