Nam Định có hệ thống giao thông đường thủy rất đa dạng, tổng chiều dài 536km sông, kênh với 4 tuyến sông chính gồm: sông Hồng, sông Đào, sông Ninh Cơ, sông Đáy và 72km bờ biển; trong đó, có 4 cửa sông lớn đổ ra biển gồm cửa sông Ba Lạt, Lạch Giang, Hà Lạn và cửa Đáy và các bãi ngang. Có 2 tuyến sông giáp ranh gồm sông Hồng giáp tỉnh Thái Bình, sông Đáy giáp tỉnh Ninh Bình. Toàn tỉnh có 1 kênh giao thông chính là kênh Quần Liêu; 1 cảng sông Nam Định và 1 cảng biển Thịnh Long; 101 bến khách ngang sông và hơn 80 phương tiện chở khách qua sông. Hệ thống các cầu lớn vượt sông gồm: cầu Tân Đệ vượt sông Hồng, cầu Đò Quan, cầu Nam Định vượt sông Đào, cầu Lạc Quần và cầu phao Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ. Ngoài các điểm vượt sông, trên các tuyến đường thủy chỉ có phương tiện chở hàng hóa và khai thác, đánh bắt thủy sản hoạt động. Đặc thù này đặt ra nhiệm vụ quan trọng cho công tác bảo đảm ATGT tuyến đường thủy trong mùa mưa bão, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn biến nhanh, đã xảy ra siêu bão ở các nước trong khu vực; bão trái quy luật với cường độ và cấp bão lớn đã xảy ra ở tỉnh ta.
Cảnh sát đường thủy (Công an tỉnh) kiểm tra công tác bảo đảm an toàn giao thông của phương tiện vận tải thủy. |
Để đối phó với mọi tình huống của mưa bão, ngành GTVT đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án PCLB-TKCN bảo đảm ATGT trên tuyến đường thủy sát với nguy cơ xảy ra siêu bão. Công tác theo dõi tin áp thấp nhiệt đới gần bờ, bão lũ và siêu bão được thực hiện nghiêm túc; trong đó chú trọng theo dõi sát, cụ thể tình hình diễn biến của bão lũ, mực nước trên các tuyến sông để thông báo cho tất cả tàu thuyền đang hoạt động kịp thời vào nơi trú ẩn an toàn. Bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống. Ngay khi có thông tin dự báo có thể xảy ra siêu bão, ngành GTVT sẽ thông tin kịp thời cho các phương tiện vận tải đang hoạt động trên biển, trên sông biết vị trí, diễn biến của bão để chủ động phòng tránh. Thu hồi biển báo, phao tiêu trên các tuyến đường thủy; nghiêm cấm các phương tiện lưu thông qua khu vực siêu bão đổ bộ (trừ các phương tiện làm nhiệm vụ phòng, chống bão); yêu cầu dừng các hoạt động du lịch đường thủy nội địa; tổ chức kiểm tra công tác neo đậu tàu thuyền vào vị trí đủ sức tránh siêu bão. Thực hiện nghiêm việc đảm bảo giao thông đường thủy, chuẩn bị phương tiện, vật tư phối hợp cùng các ngành kịp thời khắc phục sự cố tại các khu vực đê, kè bị sạt lở trên các trục giao thông đường thủy chính; hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả và khôi phục hệ thống đê biển. Ngay từ đầu tháng 4-2014, Phòng Cảnh sát đường thủy (Công an tỉnh) đã chủ động tiến hành kiểm tra, rà soát toàn tuyến và xác định các trọng điểm giao thông đường thủy, tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh tiếp tục duy trì, kiện toàn đội xung kích của Công an tỉnh và nâng cao năng lực ứng phó PCLB-TKCN cho các thành viên như: tổ chức kiểm tra kỹ thuật bơi lội, cứu nạn; thường xuyên luyện tập, thực tập thuần thục, chủ động phương án sẵn sàng tham gia PCLB-TKCN ở khu vực biên giới biển và trên toàn hệ thống giao thông đường thủy khi có yêu cầu. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, không bằng cấp, chứng chỉ, chở quá tải trọng, phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, hết hạn lưu hành. Kiểm tra chặt chẽ các bến khách ngang sông, kiên quyết xử lý và đình chỉ lưu hành các phương tiện không đảm bảo an toàn. Thông qua công tác kiểm tra, tuần tra kiểm soát, phát hiện, kiến nghị với ngành chủ quản, chính quyền địa phương giải tỏa ngay các chướng ngại vật cản trở giao thông… Đồng thời, phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương nắm chắc số lượng người, tàu thuyền đang hoạt động trên biển, nhất là các tàu đang đánh bắt ở các vùng biển xa, để kêu gọi khi xảy ra bão, siêu bão. Phối hợp với Cty CP Quản lý, khai thác đường sông số 5 rà soát, thống kê, lập danh sách các phương tiện vận tải đường thủy phục vụ chính quyền và các cấp huy động, trưng tập, sử dụng khi cần thiết. Chủ động nắm bắt kịp thời chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh, của Công an tỉnh, các cục nghiệp vụ của Bộ Công an đảm bảo tốt chế độ thông tin liên lạc. Ngay khi có thông tin xuất hiện bão, các tàu tuần tra sẽ thông báo ngay cho tàu thuyền vận tải chủ động tìm nơi trú ẩn an toàn. Phối hợp với các ngành liên quan, cử các tổ tuần tra phối hợp lực lượng địa phương đến từng hộ dân ở khu vực ngoài đê, các lều chòi coi đầm bãi nuôi thủy sản để vận động, sơ tán tài sản và yêu cầu nhân dân về nơi tránh trú an toàn. Tại các trạm kiểm soát cố định ở các cửa sông, các tổ kiểm soát lưu động ở bãi ngang, các bến bãi neo đậu tàu, thuyền tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, thông báo cấm biển, không cho tàu ra khơi khi có tin siêu bão; đảm bảo huy động nhanh nhất lực lượng phương tiện tới địa bàn xung yếu khi có lệnh. Đồng thời, phối hợp thông báo, kêu gọi các tàu, thuyền của tỉnh và các tỉnh bạn đang đánh bắt trên vùng biển của tỉnh biết hướng đi của bão để phòng tránh; chủ động sắp xếp neo đậu tàu, thuyền vào nơi tránh, trú bão an toàn. Tại địa bàn trọng điểm, phối hợp với chính quyền địa phương triển khai tốt kế hoạch phòng chống, đối phó với siêu bão theo hướng giải quyết tốt các tình huống bất ngờ có thể xảy ra; sử dụng lực lượng, phương tiện thường trực trên các tuyến cùng với lực lượng của đội xung kích tổ chức thực hiện phương án di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi có lệnh.
Sau khi bão tan, nước rút, các ngành chức năng sẽ khẩn trương bố trí lực lượng xuống tuyến, địa bàn nắm tình hình thiệt hại do bão, lũ gây ra và tập trung giải quyết ách tắc trước mắt, không để phát sinh phức tạp. Ngành GTVT và ngành Công an bố trí lực lượng thường trực điều tiết giao thông tại các khu vực bị ngập, bến đò qua sông để hướng dẫn người dân, phương tiện qua lại, kiên quyết cấm mọi phương tiện đi qua vùng ngập lụt nhằm đảm bảo ATGT. Kiến nghị các ngành chức năng, các cấp tu bổ, sửa chữa kịp thời hệ thống phao tiêu báo hiệu, công trình… bị hư hỏng để tàu, thuyền đi lại dễ dàng, không để ùn tắc giao thông./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý