Tăng cường công tác khuyến ngư trong nuôi trồng thuỷ sản

07:05, 27/05/2014

Do được khuyến khích đầu tư, những năm qua, nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở tỉnh ta phát triển mạnh, sôi động cả ở vùng mặn lợ và vùng nuôi nước ngọt. Các đối tượng nuôi được đa dạng hóa có giá trị kinh tế cao và trở thành thế mạnh của tỉnh như: tôm, cá bống bớp, cua biển, cá song, cá diêu hồng.

Để nghề NTTS của tỉnh phát triển bền vững, việc đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật và công tác khuyến ngư đang được các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (KNKN) tỉnh đã tổ chức 25 lớp tập huấn cho 1.900 lượt người nuôi thủy sản của các huyện, thành phố về kỹ thuật NTTS nước ngọt và mặn lợ. Trong vùng nuôi nước ngọt, các lớp tập huấn đã phổ biến rộng rãi việc sử dụng thức ăn hỗn hợp tự chế biến, tận dụng sản phẩm nông nghiệp, quy mô hộ gia đình, sử dụng thức ăn công nghiệp, giảm thiểu sử dụng phân tươi, giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế sử dụng kháng sinh, thay thế bằng các chế phẩm sinh học. Đối với các vùng gia trại, trang trại kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm với NTTS, Trung tâm đã phối hợp với Phòng Chăn nuôi khuyến cáo áp dụng mô hình nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học hoặc sử dụng bể bi-ô-ga để xử lý chất thải, vừa tiết kiệm tái sử dụng làm nhiên liệu khí đốt vừa giảm ô nhiễm môi trường. Phổ biến kỹ thuật nuôi cá kết hợp cấy lúa theo hướng dẫn của Bộ NN và PTNT về việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hằng năm, kết hợp NTTS trên đất trồng lúa. Khuyến cáo và phổ biến kỹ thuật mở rộng nuôi một số đối tượng có giá trị kinh tế cao như cá diêu hồng, tôm càng xanh, lươn, ếch, chạch đồng kết hợp cua đồng, sử dụng thức ăn công nghiệp và thức ăn tự chế.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ngọt hóa tại xã Giao Thịnh (Giao Thủy).
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ngọt hóa tại xã Giao Thịnh (Giao Thủy).

Tại vùng NTTS mặn lợ, Trung tâm chú trọng khuyến cáo nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy hoạch. Ở những khu vực đủ điều kiện theo quy định Thông tư 45/2010/TT-BNNPTNT của Bộ NN và PTNT, nuôi cá bống bớp, cá vược, cá hồng mỹ, cua biển, cá song xen canh tôm sú bằng thức ăn công nghiệp, hạn chế sử dụng thức ăn tươi sống. Trung tâm KNKN tỉnh thực hiện các mô hình nuôi cá song thương phẩm và mô hình nuôi cua biển xen tôm sú quảng canh cải tiến ở Tây Nam Điền (Nghĩa Hưng)… Các mô hình đều sử dụng thức ăn công nghiệp, hóa chất, chế phẩm trong danh mục cho phép của Bộ NN và PTNT. Bên cạnh đó, Trung tâm tăng cường việc tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con nông dân, ngư dân tuân thủ lịch thời vụ trong NTTS; sử dụng các loại giống có chất lượng, đã qua kiểm dịch, sử dụng hiệu quả thức ăn công nghiệp, chế phẩm sinh học, áp dụng phương thức quản lý tiên tiến (GaqP, GlobalGAP, CoC, GMP) trong sản xuất giống và NTTS. Tại các địa phương, công tác khuyến ngư cũng được đẩy mạnh xã hội hóa chuyển dần sang dịch vụ khuyến ngư. Chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến hình thức sản xuất, các vấn đề về chính sách, giá cả, thị trường và môi trường. Cùng với công tác tuyên truyền, tập huấn, Trung tâm đã xây dựng nhiều mô hình trình diễn các công nghệ nuôi thích hợp đối với từng loại đối tượng mới và tổ chức nhân rộng ra các địa phương. Điển hình là mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ngọt hóa áp dụng thử nghiệm thành công năm 2013 tại ao nuôi của ông Đỗ Văn Khương, xã Giao Thịnh (Giao Thủy). Hiện mô hình đang được nhiều hộ nông dân tại vùng chuyển đổi của xã nhân rộng. Đến năm 2014, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng vùng ngọt hóa ở Giao Thịnh đã lên tới 30ha. Đây là mô hình nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu làm thay đổi môi trường nuôi khiến nhiều vùng nuôi nước ngọt bị xâm nhập mặn, vùng mặn lợ bị ngọt hóa. Mô hình được triển khai trong môi trường nước có độ mặn dưới 10%o đã thể hiện nhiều ưu điểm so với nuôi trong môi trường nước có độ mặn trên 10%o như: khi trời mưa nhiều, tôm không bị sốc do độ mặn hầu như không thay đổi. Tôm nuôi ít bị bệnh do môi trường, nhiễm khuẩn. Nuôi mật độ thấp thì lượng chất thải ít. Hệ số thức ăn thấp do đó lượng chất thải ít hơn giảm ô nhiễm môi trường. Thời gian nuôi tôm ngắn, giảm chi phí nhân công, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi trên một đơn vị diện tích so với nuôi cá truyền thống. Vụ sau có thể nuôi gối cá rô phi đơn tính để tăng thu nhập, cân bằng sinh thái, vệ sinh đáy ao chuẩn bị tốt cho vụ tiếp theo; nếu không nuôi cá rô phi thì thời gian cải tạo ao và phơi ao được kéo dài, tốt cho đáy ao. Mô hình này có thể được áp dụng sản xuất đại trà cho các khu vực nuôi có độ mặn thấp dưới 10%o đảm bảo được các tiêu chuẩn cần thiết trên địa bàn tỉnh và ở các tỉnh có điều kiện sinh thái tương tự, sử dụng hoàn toàn kỹ thuật và vật tư trong nước, đảm bảo khả năng áp dụng mở rộng sản xuất và phát triển theo xu hướng kinh tế hàng hóa. Thực hiện việc chuyển đổi theo Thông tư 47/2013/TT-BNNPTNT, năm 2014 Trung tâm KNKN tỉnh xây dựng mô hình trình diễn nuôi cá ruộng 1 vụ lúa xuân - 1 vụ cá với quy mô 1ha tại hộ ông Nguyễn Hữu Mạc, xóm An Ninh, xã Yên Chính (Ý Yên). Mô hình được thực hiện bằng giống lúa Nhị ưu 838, theo quy trình sau khi cấy lúa xong, đến tháng 4 tiến hành thả các loại cá truyền thống như: trôi Ấn Độ, chép, mè, đến tháng 6 khi lúa đỏ đuôi thả cá trắm cỏ. Khi lúa chín, gặt cắt ngang cây cao hơn mặt nước một chút, sau đó bón 1kg đạm và 1kg lân. Sau khi lúa chét lên đỏ đuôi dâng nước trong ruộng lấy thóc làm thức ăn cho cá. Xung quanh bờ kết hợp trồng cỏ để khi cá ăn hết lúa tái giá thì sử dụng làm thức ăn cho cá. Tháng 11, 12 có thể thu hoạch cá, năng suất cao hơn nhiều lần so với cấy lúa.

Các mô hình khuyến ngư đã giúp các hộ nuôi thuỷ sản nâng cao nhận thức về sản xuất hàng hóa, biến đổi khí hậu để có định hướng phù hợp trong tổ chức, triển khai sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Đây là cơ sở để nhân rộng các mô hình con nuôi mới, đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật thúc đẩy phát triển bền vững phong trào NTTS tỉnh ta./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com