Theo số liệu của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, nền nhiệt độ tại Nam Định từ đầu tháng 5 đến nay luôn duy trì ở mức cao, phổ biến là 34 đến 38oC, không khí oi nồng, khó chịu cả ban ngày lẫn ban đêm. Nhiệt độ tăng cao dẫn đến nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn toàn tỉnh cũng tăng đột biến với sản lượng hằng ngày đạt gần 5,1 triệu kWh, tăng 38% so với những ngày trước đó. Sản lượng điện tăng cao nhất là Thành phố Nam Định chiếm 35% tổng sản lượng toàn tỉnh; tiếp đó là huyện Nam Trực 12%, Ý Yên 11%, Hải Hậu 10%.
Đồng chí Trần Thái Dũng, Giám đốc Điện lực Thành phố Nam Định cho biết, sản lượng điện thương phẩm ở thành phố trong tháng 5 này đạt mức trên 42 triệu kWh, cao nhất từ trước đến nay bởi việc gia tăng sử dụng các thiết bị làm mát ở các hộ dân và các nhà máy, xí nghiệp. Trước nhu cầu sử dụng điện không ngừng tăng của các thành phần phụ tải, Điện lực thành phố đã tăng cường lực lượng kỹ thuật bám sát các địa bàn dân cư, đặc biệt vào thời điểm 9h-11h và 17h-21h hằng ngày nhằm theo dõi, xử lý kịp thời các tình huống bất thường, không để xảy ra quá tải cục bộ. Thành phố đã đầu tư kinh phí lớn tiến hành thay thế một số tuyến dây dẫn cũ tiết diện nhỏ, không đủ khả năng mang tải lớn tại các phường Trường Thi, Nguyễn Du, Bà Triệu và 5 xã ngoại thành Lộc An, Lộc Hoà, Mỹ Xá, Nam Vân, Nam Phong. Tất cả 364 trạm biến áp phân phối do ngành Điện quản lý và gần 400 trạm biến áp lẻ của các doanh nghiệp trong CCN An Xá và KCN Hoà Xá, Mỹ Trung đều được Điện lực Thành phố Nam Định phối hợp kiểm tra, bảo dưỡng thay dầu, các mạch điện đóng - ngắt định kỳ, bảo đảm vận hành an toàn, cung ứng điện ổn định đến gần 85.000 khách hàng trên địa bàn.
Sửa chữa hệ thống đường dây tải điện 110kV Trình Xuyên, cung ứng điện cho Thành phố Nam Định và huyện Vụ Bản. |
Ở huyện Nam Trực, thời gian qua Thị trấn Nam Giang có mức sử dụng điện tăng cao nhất với hơn 5.000 khách hàng dùng điện, sản lượng đạt 1,5 triệu kWh/tháng. Các xã Nam Thanh, Hồng Quang có nhiều làng nghề truyền thống phát triển sản lượng điện cũng tăng cao, đạt gần 1 triệu kWh trong tháng 5. Nhằm bảo đảm cho lưới điện vận hành an toàn, ổn định Điện lực Nam Trực đang tiến hành đầu tư thay thế hàng loạt tuyến dây dẫn hạ thế, nâng cấp các trạm biến áp quá tải bằng các nguồn kinh phí của dự án phân phối hiệu quả DEP, RD kết hợp với kinh phí đại tu, sửa chữa định kỳ của ngành Điện. Chính vì vậy 157km đường dây trung thế, hơn 400km đường dây hạ thế, 187 trạm biến áp phân phối, 2 trạm biến áp trung gian Cổ Giả, Cầu Vòi đều luôn vận hành tốt, đáp ứng nhu cầu cung ứng đủ điện trên địa bàn huyện.
Đối với các huyện Xuân Trường, Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Ý Yên... trước nhu cầu sử dụng điện tăng cao trong những ngày nắng nóng, ngành Điện cũng đã có những phương án hợp lý nhằm bảo toàn hệ thống phân phối và cung ứng điện tốt nhất phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của nhân dân. Tuy nhiên, do sự cố hệ thống điện đầu nguồn đã xảy ra tại trạm biến áp 500kV Hiệp Hoà (Bắc Giang) vào ngày 21-5-2014 và một số sự cố khác trên tuyến truyền tải điện quốc gia làm ảnh hưởng đến lưới điện tỉnh ta nên việc khắc phục để bảo đảm cung ứng đủ điện gặp nhiều khó khăn. Cty Điện lực Nam Định đề nghị khách hàng cần triệt để tiết kiệm điện, đặc biệt là trong những ngày nắng nóng này. Trước hết, đối với các cơ quan Nhà nước cần thực hiện nghiêm Chỉ thị 171 của Thủ tướng Chính phủ về tiết kiệm điện. Đối với hộ dân nên sử dụng các thiết bị điện trong gia đình một cách tiết kiệm và hiệu quả, như tắt các thiết bị điện khi không dùng, đặt điều hoà ở mức nhiệt độ phù hợp từ 25oC trở lên; sử dụng bóng đèn compact, đèn huỳnh quang T5, T8 và các thiết bị có dán nhãn tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, người dân nên sử dụng bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời thay thế cho bình đun nước nóng bằng điện. Đối với các doanh nghiệp nên bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế sử dụng các thiết bị có công suất điện lớn như máy nghiền, máy nén khí, máy rút thép vào giờ cao điểm 17h-21h hằng ngày, đồng thời không để các thiết bị điện hoạt động không tải. Từng bước thay thế các thiết bị cũ, lạc hậu, hiệu suất thấp bằng các thiết bị, công nghệ có hiệu suất cao và tiết kiệm điện. Tiến hành kiểm toán năng lượng đối với dây chuyền sản xuất đang vận hành, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp hợp lý nhằm tiết kiệm năng lượng như lắp đặt thêm các máy biến tần ở hệ thống máy nén, điều hoà công nghiệp, quạt gió, mô tơ có công suất lớn trong dây chuyền sản xuất. Các cơ quan, doanh nghiệp cần tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể cán bộ, CNV và người lao động về thực hành tiết kiệm điện, nâng cao nhận thức chi phí điện là một trong những chi phí đầu vào cần phải tiết kiệm để giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh, tăng lợi nhuận.
Nâng cao nhận thức trong cộng đồng về tiết kiệm điện, sử dụng điện hiệu quả góp phần giảm áp lực quá tải trong những tháng cao điểm nắng nóng, bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vì sự phát triển bền vững./.
Bài và ảnh: Xuân Thu