Quan tâm bảo vệ môi trường khu vực nông thôn

08:05, 05/05/2014

Những năm gần đây, công tác BVMT vùng nông thôn đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh.

Ngành NN và PTNT đã tập trung thực hiện có hiệu quả chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn theo hướng lồng ghép và thể hiện cụ thể công tác BVMT trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ xử lý chất thải; khuyến khích tái sử dụng phế thải nông nghiệp thông qua hệ sinh thái tự nhiên hoặc bằng công nghệ sinh học; tăng cường quản lý an toàn sinh học động, thực vật biến đổi gien và bảo tồn đa dạng sinh học. Chú trọng phòng ngừa và nâng cao năng lực kiểm soát ô nhiễm trong quá trình sản xuất; xác định và xử lý chất thải ngay tại nguồn phát thải. Trong chương trình xây dựng NTM, Sở NN và PTNT đã phối hợp với Sở KH và CN và các sở, ngành liên quan, các huyện, thành phố nghiên cứu, khảo nghiệm, tuyển chọn, ứng dụng thành công các tiến bộ KHCN mới vào sản xuất, góp phần BVMT, nâng cao chất lượng và giá trị sản xuất nông nghiệp như: các công nghệ canh tác, nuôi trồng theo hướng sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước; áp dụng các công nghệ sản xuất sạch đảm bảo VSATTP, công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu...

Thu gom rác thải tại địa phận xóm Nam Sơn, Thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng).
Thu gom rác thải tại địa phận xóm Nam Sơn, Thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng).

Từ kết quả các đề tài, dự án KHCN, các mô hình trình diễn, đã tuyển chọn đưa vào sản xuất hàng chục loại giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao phù hợp với điều kiện sản xuất của tỉnh; giới thiệu nhiều loại máy cơ giới phục vụ sản xuất và phát triển ngành nghề nông thôn. Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã duy trì, làm chủ nhiều công nghệ sản xuất các loại giống cho năng suất, chất lượng cao, có khả năng nâng cao hiệu quả BVMT như: công nghệ sản xuất dòng mẹ và nhiều tổ hợp lúa lai 2-3 dòng; công nghệ sản xuất giống khoai tây sạch bệnh bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào, sản xuất một số giống hải sản có giá trị kinh tế cao như: tôm sú, cua biển, ngao, cá bống bớp, cá song, cá vược, cá chim biển vây vàng…; công nghệ chăn nuôi chuồng kín, công nghệ cải tạo giống, thay dần các giống lợn tỷ lệ nạc thấp (35%) bằng các giống lợn có tỷ lệ nạc cao trên 60%... Toàn tỉnh có trên 7.716 máy làm đất, 2.464 công cụ gieo sạ hàng, 4.288 máy tuốt lúa, 230 máy gặt đập liên hợp, đã nâng tỷ lệ cơ giới hoá khâu làm đất đạt 100%, tuốt lúa đạt 100%, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp đạt 25%, sạ hàng đạt 25,3%; góp phần làm tăng hiệu quả sản xuất, cải thiện khả năng BVMT và điều kiện làm việc cho người nông dân. Chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ, phát triển chăn nuôi hàng hóa theo mô hình trang trại, gia trại tập trung quy mô vừa và nhỏ và thành lập các doanh nghiệp chăn nuôi theo công nghệ tiên tiến, giảm phát thải ô nhiễm, BVMT. Nuôi trồng thuỷ sản chuyển mạnh từ quảng canh sang nuôi thâm canh, bước đầu hình thành các vùng nuôi tập trung, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, nhất là công nghệ sinh học vào kiểm soát môi trường nuôi. Để nâng cao hiệu quả BVMT vùng nông thôn, từ năm 2013 tỉnh đã triển khai thực hiện Đề án tổng thể BVMT làng nghề đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, rà soát lại quy hoạch các CCN làng nghề và phân loại, đánh giá mức độ ô nhiễm và xây dựng kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề. Kiểm soát chặt chẽ việc hình thành, công nhận các làng nghề mới; rà soát làng nghề đã được công nhận bảo đảm các điều kiện về BVMT, đối với làng nghề đã được công nhận chưa đáp ứng được yêu cầu về BVMT lập kế hoạch khắc phục với lộ trình cụ thể để tổ chức thực hiện đạt kết quả. Lập danh sách những làng nghề cần có lộ trình chuyển đổi ngành nghề sản xuất hoặc di dời, xây dựng để tổ chức thực hiện. Không hình thành mới các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao hoặc có công đoạn sản xuất gây ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sạch, công nghệ xử lý chất thải cho các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ theo hướng vận hành đơn giản, ổn định, tiết kiệm chi phí và xử lý ô nhiễm môi trường đạt hiệu quả. Đẩy mạnh đổi mới công nghệ sản xuất, nghiên cứu, ứng dụng nguyên liệu thiết bị, công nghệ, mô hình, phương thức sản xuất thân thiện với môi trường. Triển khai thu phí BVMT đối với nước thải, khí thải, chất thải rắn đối với khu vực làng nghề theo quy định. Từ nay đến năm 2015, tập trung xử lý triệt để ô nhiễm tại 4 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng ở huyện Nam Trực: cơ khí đúc Bình Yên, xã Nam Thanh; tái chế nhựa Vô Hoạn, xã Nam Mỹ; cơ khí Vân Chàng, Thị trấn Nam Giang; làm miến làng Phượng, xã Nam Dương theo hướng không còn hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư; xây dựng cơ chế thu phí xử lý đảm bảo vận hành bền vững hệ thống; môi trường các khu vực bị ô nhiễm trong làng nghề được xử lý đạt quy chuẩn quốc gia đối với môi trường xung quanh. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động BVMT; nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ các dịch vụ thu gom chất thải rắn ở nông thôn, xây dựng và nhân rộng các mô hình xã hội hóa công tác quản lý chất thải rắn ở nông thôn; ban hành cơ chế hỗ trợ xây dựng bãi chôn lấp, xử lý rác thải. Đến nay, trên toàn tỉnh đã duy trì tốt hoạt động thu gom rác thải, có sự tham gia của 168 xã, thị trấn trong tỉnh. Một số xã đã đầu tư thử nghiệm xử lý rác thải bằng lò đốt rác, máy nghiền rác để giảm thiểu diện tích chôn lấp rác và ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, các địa phương còn tích cực triển khai các dự án cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, dự án nông nghiệp các-bon thấp hỗ trợ các hộ nông dân xây dựng công trình xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm bi-ô-ga... Năm 2013, tỷ lệ dân số nông thôn dùng nước sạch và hợp vệ sinh đạt 92%. Tỷ lệ hộ gia đình có đủ 3 công trình vệ sinh theo chuẩn tăng từ 63% năm 2010 lên 85% năm 2013.

Thời gian tới, để công tác BVMT khu vực nông thôn được thực hiện một cách đồng bộ, UBND tỉnh đã yêu cầu các ngành chức năng khẩn trương xây dựng và triển khai Đề án tổng thể BVMT khu vực nông thôn đến năm 2020. Trong đó, tập trung quản lý chặt chẽ các nguồn thải từ hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản; tiêu hủy gia súc, gia cầm bị dịch bệnh theo đúng quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường; thực hiện sản xuất nông nghiệp sạch. Đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012-2015. Các ngành và địa phương phối hợp đẩy nhanh việc quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn, các khu chăn nuôi, giết mổ tập trung với hệ thống thu gom và xử lý chất thải; chuyển dần các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư. Đẩy mạnh công tác vận động cộng đồng thực hiện phong trào xanh, sạch, đẹp, vệ sinh môi trường. Các địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn phải tiến hành quy hoạch tổng thể phát triển nuôi trồng thủy sản với hệ thống tưới, tiêu nước riêng biệt để bảo đảm an toàn môi trường cho cả vùng nuôi và xung quanh./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com