Vài chục năm trước, trên con phố nào ở các đô thị cũng dễ dàng bắt gặp một số nghề mà ngày nay chỉ còn nhìn thấy… qua phim, ảnh như: hàn dép, gò hàn bếp trấu, nhuộm vải… Cùng với sự phát triển của đô thị, một số nghề kiếm sống của dân thị thành đã bị “lỗi thời”, số khác vẫn còn phù hợp hoặc xuất hiện những ngành nghề kinh doanh mới. Tuy nhiên, hiện nay trong lòng các đô thị hiện đại vẫn không thiếu những người dân thành phố đang mưu sinh bằng những nghề “lặt vặt” có từ lâu đời…
Ông Nguyễn Thành An, đường Mạc Thị Bưởi (TP Nam Định) có ngót 40 năm làm nghề vá săm xe đạp. Trong 40 năm, ông có tới 5 lần thay đổi vị trí ngồi vá xe, từ đường Cột Cờ, chuyển xuống Bến Ngự, lên Quang Trung (khu vực Bến xe Nam Định cũ), xuống đường Điện Biên và giờ cố định ở Mạc Thị Bưởi. “Lăn lộn” với nghề để nuôi một bà vợ ốm đau quanh năm và 2 anh con giai, cái bơm đối với ông An “quan trọng lắm”. Ông kể về những kỷ niệm cơm áo gắn với cái bơm: “Những năm 1990 là quãng thời gian tôi “làm ăn” được nhất. Khi đó rất nhiều khách, ai ai cũng đi xe đạp. Kinh tế khó khăn, thay một cái xăm xe đối với nhiều người cũng là một vấn đề không nhỏ. Có những cái săm tôi mở ra thấy chằng chịt miếng vá, có chỗ chồng nhau tới 3, 4 miếng vá. Lốp xe thì mòn vẹt, mỏng tang vẫn có người đi. Xe cộ chả có đâu mà được chắc chắn, một cái xe đạp Thống Nhất mới đáng quý như gia tài. Không những vá xe tôi sang tận Thái Bình học ông bạn cách chữa xe đạp. Chỉ với cái bơm, hộp phụ tùng kia tôi chèo chống đủ kiểu để lo cho cả gia đình qua ngày”. Vài năm trở lại đây, khi xe máy đã thành phương tiện đi lại thông dụng, khách hàng của ông An ít hẳn. Có khi cả ngày ông cũng chỉ bơm được vài bánh xe, vá được cái săm, cái lốp của các bà đi chợ, những học sinh cấp hai. “Học sinh cấp 3 bây giờ, nhiều nhà sắm xe đạp điện cho con đi học nên khách hàng của tôi ngày càng giảm đi. Chủ yếu chỉ còn “cánh” đi chợ. Những “ca” khó hơn như thay săm, thay lốp người ta cũng ít khi tìm đến chúng tôi. Họ phải vào tiệm sửa xe, nơi có đầy đủ đồ nghề để thay thế. Thành ra công việc làm ăn không ăn thua. Có ngày, thu nhập chỉ được khoảng 20 nghìn đồng. Để bươn chải, ngoài bơm xe đạp, khi có những khách hàng xe máy “sà” vào, tôi còn bơm xe máy. 4 năm nay tôi dành dụm, chắt chiu, mua được cái xe máy để kết hợp chạy “cuốc” xe ôm khi có khách cần. Tình hình này, tôi đang tính phải mở thêm quán nước chè, kết hợp nhiều thứ với nhau mới mong có đồng ra, đồng vào”, ông An cười khà khà.
Quán nước của bà Nguyễn Thị Tư ở vườn hoa Điện Biên (TP Nam Định) lúc nào cũng đông khách. |
Chiều chiều, cứ khoảng 3 giờ, trước cổng Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp Nam Định, xe bò bía của chị Mai Thị Lan, phường Trần Tế Xương (TP Nam Định) đã bắt đầu có khách. Khoảng 5 giờ trở đi, khách hàng đông dần. Người mua hầu hết là những nữ sinh viên, mấy bà “sồn sồn” bán hoa quả, cá mắm ở khu vực chợ Mỹ Tho… Bò bía là món ăn vặt của người miền Nam mới du nhập ra vài năm nay. Chị Lan học cách làm bò bía từ một người bạn. Mỗi ngày với các nguyên liệu như lạp xưởng, dừa, cà rốt cắt sợi, tép khô, bánh tráng mỏng, trứng tráng, xà lách, rau thơm, nước mắm chấm pha sẵn… xếp gọn gàng trong một tủ kính nhỏ chằng buộc chắc chắn trên chiếc xe đạp cũ. Vậy là chị có thể rong ruổi khắp các con phố để bán hàng. Thi thoảng, trong con ngõ yên ắng nào đó vang tiếng rao “bò bía đi, ai bò bía...”. Vài đứa trẻ ló ra khỏi cổng gọi, “bò bía ơi”, chị nhanh nhẹn dừng xe. Cứ vậy, nhẫn nại, hàng của chị chả mấy khi ế. Để chuẩn bị cho một ngày bán hàng từ 5h sáng, chị Lan lóc cóc đạp xe từ nhà xuống tận chợ Phạm Ngũ Lão để mua nguyên liệu rau tươi mà giá lại “mềm” hơn. Mỗi xe bò bía chị Lan đầu tư 200-300.000 đồng tiền hàng, làm được khoảng vài trăm cuộn bò bía. Một cuộn giá 2-4 nghìn đồng. Khách hàng của chị đa phần mua theo suất, mỗi suất chị Lan bày khoảng 6-10 cuộn. Như vậy, trừ chi phí mỗi ngày xe bò bía của chị thu về khoảng 100.000-150.000 đồng. “Bán bò bía không vất vả lắm, chỉ cần tỉ mỉ và phải dậy sớm đi chợ (việc này với phụ nữ là thường). So với công lao động phổ thông, nghề này “nhàn” hơn đầu tư ra có thu luôn, phù hợp với điều kiện ít vốn của mình”, chị Lan vui vẻ nói. Thấm thoắt, chị đã có 8 năm gắn bó với xe bò bía. 8 năm trời, ngày nắng cũng như mưa, chị ít khi bỏ một chuyến bò bía. “Ngày nào không đi bán hàng được, buồn chân, buồn tay lắm. Với lại, mỗi ngày đi bán hàng là mỗi ngày được gặp gỡ nhiều người, tôi cũng thấy vui vẻ, cuộc sống đỡ vất vả hơn”, chị chia sẻ.
Cụ bà Nguyễn Thị Tư năm nay 73 tuổi thì có tới 21 năm ngồi bán trà đá ở vườn hoa Điện Biên. Vốn là công nhân Nhà máy Dệt Nam Định, năm 1993, bà Tư về nghỉ chế độ mất sức. Xoay xở qua đủ nghề, từ đi chợ bán rau quả đến bán hàng xén vẫn chật vật, cuối cùng bà Tư chuyển nghề… bán nước chè. Bẵng đi đến nay cũng đã qua 21 năm bà gắn bó với quán nước chè. Nói là quán cho nó sang chứ kỳ thực “cơ ngơi” kiếm sống của bà quá đơn giản. Mấy cái ghế nhựa, phích nước nóng, vài gói kẹo lạc, mấy gói quẩy, ít phong kẹo cao su… thế là thành quán. Chọn những chỗ râm mát dưới bóng cây, những quán trà đá vỉa hè vì thế thường lọt thỏm trong thành phố. “Sang trọng” hơn như quán bà Tư thì sắm được thêm cái ô, phòng mưa gió. “Khi mới về mất sức, cả nhà 5, 6 miệng ăn đều trông chờ vào tôi. Nhà đã nghèo, tôi nghĩ mãi biết lấy đâu ra vốn mà đầu tư làm ăn. Chạy chợ cũng chỉ được “bữa đực, bữa cái”, hơn nữa các mặt hàng rau, quả lại thường xuyên bị ế, tôi suy nghĩ chán thấy chỉ mở quán nước chè là hợp. Với 400 nghìn đồng tiền vốn ban đầu, tôi mua bàn ghế, sắm sửa thêm ít bánh kẹo để bán. Sau này, khi đã kha khá lên một chút, tôi đóng được cái xe hàng, đẩy đi đẩy lại rất tiện”. 7h sáng, đông cũng như hè, bà Tư đẩy xe hàng ra ngồi ở chỗ quen thuộc. Buổi trưa bà Tư không về nhà ăn cơm, mà mua cơm “bụi” ăn. Mắc thêm chiếc võng, bà Tư nghỉ trưa ngay tại công viên bán nước cho đến tối. Mùa hè, 9-10 giờ tối bà mới dọn hàng, mùa đông 7 giờ tối bà đã thu dọn quán xong xuôi. “Vào những ngày mùa hè, ban ngày tôi bán ở cổng công viên, buổi tối thì đẩy quán vào giữa, chọn những chỗ có nhiều trò chơi để bày hàng nước. Khách hàng của tôi chủ yếu là những người đi bộ trong công viên, bọn nhỏ đến chơi những trò như xích đu, cầu trượt, chạy nhảy chán, nóng nực sà vào mua chai nước ngọt để uống, cánh xe ôm… Bây giờ thì có thêm cả những anh văn phòng trong giờ giải lao ra làm cốc trà, hút thêm điếu thuốc”… Quán trà của bà Tư, vì vậy lúc nào cũng đông khách, “làng nhàng” mỗi ngày sau khi trừ chi phí bà cũng cất đi được dăm bảy chục ngàn. Vào mùa hè, những ngày nắng nóng cao điểm, bà có thể thu lãi khoảng 150.000 đồng/ngày. “Chịu khó đi bán hàng tôi có thêm đồng ra đồng vào, phụ với con cái. Tuổi già ngồi không càng nhanh già, nó mụ mị đầu óc; đi lại, bán hàng, vận động như vậy còn có ích”, bà Tư phân bua.
Trong cuộc sống bề bộn của thị thành, những nghề bán buôn “lặt vặt” như bơm, vá xe đạp, trà đá, bò bía… vẫn là “cần câu cơm” của nhiều gia đình. Những quán cóc vỉa hè, những người đi bán dạo, những người đi hát rong, những “nghệ sĩ biểu diễn đường phố”… đang góp phần làm phong phú thêm đời sống đô thị… Nghĩ như vậy rồi thấy, sự tồn tại của những công việc “lặt vặt” ngoài ý nghĩa kinh tế còn tạo ra phong cách sinh hoạt gần gũi, thân thiện./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân