Người Nam Định ở Điện Biên

07:05, 07/05/2014

Trong chuyến đi công tác lên Thành phố Điện Biên Phủ mới đây, chúng tôi có dịp gặp gỡ những người con quê hương Nam Định hiện đang sinh sống và làm việc tại tỉnh Điện Biên. Mỗi người, ở nhiều độ tuổi, cương vị, nhiệm vụ khác nhau nhưng đều tích cực tham gia vào công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, giữ gìn an ninh và bảo vệ vững chắc tuyến biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc.

Chúng tôi đến Thành phố Điện Biên Phủ trong không khí sôi động chuẩn bị kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Nơi đây, 60 năm trước đã ghi dấu một chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Những cỗ pháo, xe tăng, hầm quân sự, chiến hào, hầm chỉ huy của Tướng Đờ Cát-xtơ-ri... vẫn còn đó, song Thành phố Điện Biên Phủ nay đã trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, du lịch của tỉnh Điện Biên, hằng năm thu hút hàng vạn lượt khách du lịch trong và ngoài nước. Theo lời giới thiệu của ông Nguyễn Văn Hợi, Phó Ban liên lạc Hội đồng hương Nam Định tại Điện Biên, chúng tôi đến thăm Trường Tiểu học Nậm Ngám, xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông. Trường hiện đang có 3 cô giáo quê Nam Định theo gia đình lên sinh sống, lập nghiệp. Cô giáo Trần Thị Lý, 25 tuổi, quê xã Xuân Trung (Xuân Trường) đã lên đây dạy học được 4 năm. Trong câu chuyện, cô Lý nhớ lại: Từ nhỏ, cô rất thích học môn Lịch sử, nhất là phần nói về Chiến thắng Điện Biên Phủ và mong có một lần được lên tỉnh Điện Biên. Năm 2009, tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm Hà Nam, cô “khăn gói” lên Điện Biên xin việc làm, thực hiện ước mơ từ nhỏ và được Sở GD và ĐT tỉnh Điện Biên phân công về Trường Tiểu học Nậm Ngám. Cô Lý kể, hồi mới lên đây, ở vùng đồi núi heo hút, xa trung tâm tỉnh, huyện, tiếng địa phương không thạo, nhớ nhà, nhớ gia đình, bạn bè da diết nhưng khao khát cống hiến của tuổi trẻ và tình yêu thương các học trò người dân tộc H’Mông, Thái, Khơ Mú đã giúp cô vượt qua khó khăn… Dạy cùng trường với cô Lý còn có 3 cô giáo khác cũng quê ở Nam Định, là cô Lê Thị Thanh Nga (SN 1982), quê xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc) lên Điện Biên từ năm 2004; cô Dương Thị Thoa (SN 1974), quê thôn An Nhân, xã Yên Lương (Ý Yên) theo gia đình lên Điện Biên từ khi còn nhỏ. Cô Thoa kể, năm 1993, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ đều là công nhân Nhà máy Thủy điện Thác Bay (Điện Biên) nên cô học ở Trường Trung cấp Sư phạm Điện Biên để gần nhà, tiện việc giúp đỡ bố mẹ. Sau khi tốt nghiệp, cô được phân công về dạy ở Trường Tiểu học Nậm Ngám từ đó đến nay. Lớp học của các cô chỉ có 15-20 học sinh con em đồng bào dân tộc. Dù dạy lớp 2 nhưng những học sinh của cô có nhiều độ tuổi, có em 8 tuổi, có em 15 tuổi. Cô Thoa tâm sự, đã xác định lên vùng cao phải thông suốt tư tưởng vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ vì đồng bào vùng cao mình còn nhiều khó khăn... Việc vận động đưa học sinh đến lớp đã khó nhưng khó hơn là giữ được học sinh theo học, bởi chỉ vì lý do vào vụ sản xuất hoặc các em phải theo bố mẹ vào rừng hay là nỗi nhớ nhà... là các em sẵn sàng bỏ trường, bỏ lớp...

Thành phố Điện Biên Phủ hôm nay.
Thành phố Điện Biên Phủ hôm nay.

Rời Trường Tiểu học Nậm Ngám, chúng tôi đến với Đồn Biên phòng Mường Lói. Đồn nằm trên địa bàn 2 xã Mường Lói và Phu Luông thuộc huyện Điện Biên. Hiện Đồn có 10 cán bộ, chiến sĩ quê Nam Định, trong đó có Thượng úy Phan Văn Toản, Đồn phó nghiệp vụ; Thiếu tá Trần Văn Thịnh, Đội phó Đội Vận động quần chúng, quê xã Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng); Trung úy Trần Văn Khanh, Đội trưởng Đội Kiểm soát Hành chính, quê xã Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng); Thượng úy Mai Trần Hoàn, Đội trưởng cắm xã, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phu Luông, quê xã Hải Trung (Hải Hậu)… Những cán bộ, chiến sĩ quê Nam Định tại Đồn đều có thâm niên công tác ở vùng biên giới Điện Biên, người nhiều nhất đã vài chục năm gắn bó với bà con vùng biên giới. Thượng úy Phan Văn Toản cho biết, địa bàn Đồn đứng chân là một trong những xã biên giới khó khăn nhất của tỉnh Điện Biên. Trước đây do tập tục lạc hậu cộng với những khó khăn trong kinh tế và đặc biệt là do trình độ văn hóa thấp, thiếu hiểu biết về pháp luật nên nhiều người dân trong xã sử dụng thuốc phiện, ma túy, thậm chí còn lén lút trồng cây phuốc phiện hay tiếp tay cho bọn buôn bán ma túy... Thực hiện toàn diện công tác biên phòng trong tình hình mới, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị một mặt làm tốt công tác trấn áp tội phạm, bảo vệ chủ quyền biên giới Tổ quốc, mặt khác tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng cơ sở chính trị, triển khai các mô hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị luôn phối hợp với địa phương vận động nhân dân xoá bỏ tình trạng du canh, du cư, thâm canh, tăng vụ, phát triển sản xuất tham gia xây dựng và bảo vệ biên giới. Cùng với điều kiện khó khăn về địa hình, khu vực biên giới còn tiềm ẩn nhiều nhân tố phức tạp, đặc biệt là hoạt động của các loại tội phạm là những khó khăn, thách thức không nhỏ đối với nhiệm vụ giữ gìn an ninh, bảo vệ chủ quyền biên giới của lực lượng BĐBP tỉnh. Trước tình hình đó, với quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ chỉ huy đơn vị đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan tổ chức tuần tra, kiểm soát bảo vệ biên giới; kịp thời phát hiện, xử lý các vụ việc vi phạm, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia; kiên quyết tấn công tội phạm, sẵn sàng đối mặt với khó khăn, gian khổ, nguy hiểm, kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ, bình tĩnh, tỉnh táo, linh hoạt khi xử lý tình huống. Qua đó, đã đấu tranh có hiệu quả hàng trăm chuyên án về an ninh trật tự, góp phần ngăn chặn và làm thất bại mọi hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Mấy năm trở lại đây, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Lói, cuộc sống của bà con nơi đây ngày càng đổi thay. Không chỉ ở Đồn Biên phòng Mường Lói, trong lực lượng biên phòng của tỉnh Điện Biên hiện có gần 80 cán bộ, chiến sĩ quê hương Nam Định đang hằng ngày, hằng đêm tham gia giữ gìn an ninh trật tự biên giới vùng Tây Bắc.

Trở về Thành phố Điện Biên Phủ, chúng tôi gặp anh Bùi Văn Đông, quê gốc ở xóm Bến, xã Liên Bảo (Vụ Bản), một doanh nhân thành đạt của tỉnh Điện Biên. Tâm sự với chúng tôi, anh Đông cho biết: Xác định ở đâu cũng là quê hương, quan trọng là mình đóng góp gì cho xã hội, cho đất nước. Năm 2010, được sự giúp đỡ của địa phương, anh đã thành lập Cty CP Xây dựng và Thương mại Ngọc Ánh với ngành nghề chính là xây dựng công trình và vận tải hàng hoá. Năm 2013, doanh thu của Cty ước đạt 10 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 1 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 75 lao động với mức thu nhập trung bình từ 3,5-5 triệu đồng/người/tháng. Trong số những doanh nhân tiêu biểu của tỉnh Điện Biên còn có anh Lương Thanh Trúc, quê gốc ở xã Nam Thắng (Nam Trực), hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Cty CP Bia và kinh doanh tổng hợp tỉnh Điện Biên chúng tôi đã có dịp nói đến trong Báo Nam Định Xuân Giáp Ngọ.

Những người con quê hương Nam Định đang học tập, công tác, lập thân, lập nghiệp ở Điện Biên, hiện có nhiều người là cán bộ các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, các huyện, thành phố; nhiều người là chủ doanh nghiệp, thương nhân năng động. Có người mới đến, có người sinh ra và lớn lên ở Điện Biên, những người con quê hương Nam Định vẫn mang trong mình bản sắc văn hoá truyền thống của quê hương Nam Định. Ngoài việc động viên, giúp đỡ và chia sẻ lẫn nhau những buồn, vui trong cuộc sống và công tác để cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, các anh, chị còn góp phần không nhỏ vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, kiến thiết, xây dựng tỉnh Điện Biên ngày càng giàu mạnh./.

Thanh Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com