Từ kinh nghiệm công tác thông tin liên lạc trong mùa mưa bão những năm trước, năm nay UBND tỉnh yêu cầu ngành TT và TT phải chủ động tất cả các phương án để bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ công tác PCLB-TKCN, đặc biệt chú ý chuẩn bị đối phó với nguy cơ bão lớn, kéo dài, trái quy luật và kể cả siêu bão. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Sở TT và TT đã thống nhất chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ giữa Ban Chỉ huy PCLB-TKCN ngành với các đơn vị, doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng huy động mọi lực lượng, phương tiện về bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin trên địa bàn để đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác PCLB-TKCN từ tỉnh đến cơ sở; đặc biệt ưu tiên đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN các cấp, các ngành, các địa phương.
Theo đó, các cơ quan, đơn vị trong ngành tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung các văn bản quy phạm pháp luật và kế hoạch chỉ đạo về PCLB-TKCN đến toàn thể cán bộ, nhân viên. Sở TT và TT phối hợp với BĐBP tỉnh, Sở NN và PTNT tổ chức hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện cho bà con ngư dân trên địa bàn các huyện ven biển, góp phần nâng cao hiệu quả thông tin phòng, chống thiên tai trên biển. Đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền về công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành trong công tác PCLB-TKCN. Phân công cán bộ trực điều hành hệ thống thiết bị phục vụ các hội nghị trực tuyến triển khai công tác PCLB-TKCN của tỉnh khi có tin bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng trực tiếp tới tỉnh ta; đảm bảo việc trao đổi thông tin thông suốt trong công tác chỉ đạo, báo cáo tình hình PCLB-TKCN trên địa bàn qua hệ thống mạng máy tính, đường link kết nối từ Trung ương, tỉnh đến các đơn vị trực thuộc. Trong trường hợp mất kết nối phải thực hiện sao lưu, chuyển tải thông tin, dữ liệu qua các thiết bị lưu trữ và phương tiện khác. Yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp bưu chính, viễn thông xây dựng phương án PCLB-TKCN cụ thể của đơn vị, kế hoạch phối hợp với các đơn vị có liên quan, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác PCLB-TKCN trong mọi tình huống. Trong đó, yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp phải nắm đầy đủ danh sách Ban Chỉ huy PCLB-TKCN của các huyện, thành phố để làm đầu mối liên hệ trong việc phối hợp với địa phương; tích cực phối hợp với chính quyền để nâng cao năng lực bảo đảm thông tin liên lạc trên từng địa bàn. Yêu cầu lãnh đạo các doanh nghiệp chỉ đạo kịp thời, linh hoạt, chủ động triển khai phương án PCLB của đơn vị mình, đảm bảo thông tin liên lạc đến trụ sở UBND các xã, trung tâm chỉ huy PCLB-TKCN ở các điếm canh đê, đặc biệt là các khu vực xung yếu, trọng điểm như các tuyến đê sông, đê biển bằng hệ thống viễn thông cố định mặt đất; duy trì tối đa hệ thống viễn thông di động mặt đất. Bưu điện tỉnh phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng phương án tổ chức khai thác mạng bưu chính, chuyển phát phục vụ công tác PCLB-TKCN và các nhiệm vụ công ích khác đảm bảo hiệu quả, đáp ứng kịp thời các yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Chi nhánh Viettel Nam Định ngầm hoá mạng viễn thông, góp phần bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt trong mùa mưa bão. |
Các doanh nghiệp viễn thông tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa nhà trạm, phòng máy, ngầm hóa mạng ngoại vi; tăng cường công tác kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống trang thiết bị mạng lưới viễn thông; tăng cường năng lực mạng thông tin di dộng phục vụ công tác PCLB-TKCN. Ưu tiên đầu tư phát triển mạng lưới và đảm bảo thông tin liên lạc cho các huyện ven biển (Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thuỷ) phục vụ công tác PCLB-TKCN. Chủ động chuẩn bị tốt công tác bảo đảm vật tư, vật liệu phục vụ hoạt động của mạng lưới bưu chính, viễn thông trong điều kiện bão lụt. Hiện nay, các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp thông tin di động đảm bảo đủ số lượng máy phát điện cần sử dụng cho tất cả các trạm thu phát sóng thông tin di dộng (BTS) ven biển; 5 xe lưu động thông tin di động GSM; trong đó: Chi nhánh Viettel Nam Định 3 xe, Chi nhánh Mobifone Nam Định 1 xe, VNPT Nam Định 1 xe; 2 xe ô tô thông tin lưu động, trong đó Viễn thông Nam Định 1 xe; Chi nhánh Viettel Nam Định 1 xe. Viễn thông Nam Định được trang bị 2 bộ vô tuyến điện sóng ngắn (máy Codan sử dụng băng tần HF, UHF, VHF) chuyên dùng và 2 bộ viễn thông di động vệ tinh (Inmarsat) cầm tay phục vụ công tác PCLB-TKCN. Các doanh nghiệp viễn thông, thông tin di động căn cứ tình hình để dự phòng đủ số lượng bảo quản tốt các loại máy điện thoại, các loại sim, card… sẵn sàng sử dụng cho việc thông tin liên lạc khi có tình huống cần thiết. Về phương án phân công nhiệm vụ, trong điều kiện bình thường, trước, trong và sau khi bão, lụt xảy ra, thông tin từ UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh đến Ban Chỉ huy PCLB-TKCN các huyện, thành phố được đảm bảo chủ yếu bằng mạng viễn thông di động mặt đất công cộng, cố định mặt đất công cộng, mạng bưu chính công cộng, thông tin liên lạc khi di chuyển ra ngoài trụ sở nêu trên được đảm bảo chủ yếu bằng việc sử dụng dịch vụ của mạng viễn thông di động mặt đất công cộng. Tại các khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp, thông tin liên lạc từ Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương đến trụ sở Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh được đảm bảo chủ yếu bằng hệ thống viễn thông vô tuyến điện sóng ngắn chuyên dùng; từ trụ sở Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh và huyện, địa bàn xảy ra thiên tai được đảm bảo duy trì tối đa hệ thống viễn thông di động mặt đất, viễn thông cố định mặt đất. Thông tin liên lạc khi di chuyển ra ngoài trụ sở của Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh với Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương được đảm bảo chủ yếu bằng việc sử dụng hệ thống Inmarsat, vô tuyến sóng ngắn. Thông tin liên lạc cho đoàn công tác của Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh và huyện xảy ra thiên tai được đảm bảo bằng việc sử dụng hệ thống viễn thông trên xe ô tô thông tin chuyên dùng. Bưu điện tỉnh đảm bảo lộ trình các chuyến thư, công văn không bị gián đoạn. Dự phòng tổ chức các tuyến đường thư vòng trong trường hợp đường thư bị tắc, ngập và phương tiện dự phòng để lưu thoát, bảo đảm an toàn về người, bưu phẩm, không để xảy ra mất mát, ứ đọng. Các đơn vị thuộc Bưu điện tỉnh phối hợp với Bưu chính Viettel Nam Định bố trí lực lượng ứng cứu, sẵn sàng phục vụ theo cấp báo động; có đội xung kích để chuyển công văn, mệnh lệnh hoả tốc khi thông tin liên lạc bằng điện thoại không thực hiện được. Đối với Viễn thông Nam Định, trong tình huống bão, lũ gây thiệt hại, không liên lạc được bằng hệ thống viễn thông di động mặt đất thì sử dụng hệ thống viễn thông vô tuyến điện sóng ngắn phục vụ Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh để liên lạc với Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương tại Trung tâm Viễn thông tỉnh và dự phòng 1 máy tại Viễn thông Nam Định. Đưa vào sử dụng xe thông tin lưu động và 2 bộ thiết bị Inmarsat; 1 máy vô tuyến sóng ngắn Codan phục vụ thông tin liên lạc cho đoàn công tác của Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh và huyện xảy ra thiên tai. Di chuyển trạm BTS lưu động ứng cứu thông tin phục vụ cho công tác PCLB-TKCN ở địa bàn có thiên tai theo điều động của Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh, ngành. Các chi nhánh viễn thông khác có trách nhiệm tập trung nguồn nhân lực và hạ tầng thiết bị hỗ trợ Viễn thông Nam Định thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an toàn thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh và chính quyền địa phương các cấp. Các doanh nghiệp phải sẵn sàng để ngay sau khi bão tan, có thể triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả khôi phục thông tin liên lạc: dựng lại các cột bị đổ gãy; căng chỉnh lại các dây feeder anten bị hư hỏng; gia cố cột, móng co, nhà trạm. Củng cố mạng lưới cáp quang, cáp đồng, tổ chức các đội tối ưu đo kiểm, bảo dưỡng mạng lưới. Phối hợp với các sở, ngành, địa phương khôi phục lại mạng lưới, hạ tầng kỹ thuật.
Với sự chủ động chuẩn bị các phương án, điều kiện phục vụ công tác PCLB-TKCN trong mùa mưa bão, ngành TT và TT quyết tâm hạn chế thiệt hại về cơ sở vật chất kỹ thuật thông tin, viễn thông; bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản do bão gây ra trên địa bàn tỉnh./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý