Thị trường trái cây ở Thành phố Nam Định phong phú, đa dạng, từ quả “vườn nhà” roi, đu đủ, chuối… đến các loại hoa quả có xuất xứ nước ngoài như: táo Mỹ, nho Mỹ, xoài Thái, lê New Zealand, cam Úc… Tuy nhiên chất lượng của các loại quả, nhất là các loại quả mác ngoại đang là vấn đề “nóng” được người tiêu dùng quan tâm.
Chị Minh nhà ở phố Mạc Thị Bưởi (TP Nam Định) cho biết, vừa qua con chị bị ốm, do con còn đang bú mẹ, cơ thể yếu nên trong suốt quá trình chăm con, chị đã chủ động ăn uống kiêng khem. Tuy nhiên, trong một lần uống nước cam, chị đã phải nhập viện cấp cứu vào lúc 2h đêm trong tình trạng bị trụy mạch, tiêu chảy cấp. Chị cho biết, sau khi uống nước cam chừng 20 phút, cơ thể chị có dấu hiệu nôn nao, nôn và đi ngoài. Sau khi được điều trị, chưa tin nguyên nhân phải nhập viện là do trái cam mình uống nên chị cẩn thận cất hai quả cam còn lại (loại cam sành màu xanh, có giá 70 nghìn đồng/kg); sau hai tháng trái cam vẫn còn xanh tươi; đến tháng thứ ba mới chuyển sang màu vàng xanh, khi bổ ra, màu sắc của tép cam vẫn vàng ươm rất bắt mắt. Qua tìm hiểu, chị mới biết, do đang ở thời điểm không chính vụ, cam sành có giá cao nên tiểu thương đã dùng một loại hóa chất để ngâm cho quả được tươi lâu!?
Tràn lan trái cây không rõ nguồn gốc xuất xứ bày bán trên thị trường (ảnh chụp tại khu bán lẻ hoa quả chợ Mỹ Tho, TP Nam Định). |
Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại quả, nhất là các quả có giá cao đều được ngâm tẩm hóa chất để có hình thức tươi ngon, lâu hỏng. Ngay cả với loại chuối, mít, loại quả được trồng nhiều ở vùng nông thôn hiện nay cũng được ủ hóa chất, hoặc bơm hóa chất vào cuống để quả chín nhanh, có màu sắc tươi đều. Đến chợ Mỹ Tho, chợ đầu mối hoa quả cung cấp cho thị trường trong tỉnh, từ tờ mờ sáng đã có hàng chục xe tải chất đầy các loại hoa quả đến giao hàng. Người bán, người mua tấp nập tràn ra cả góc đường Hưng Yên, đường Trần Hưng Đạo. Trong vai người mới lần đầu mua trái cây về bán, tỉ tê với những tiểu thương ở đây mới thấy, việc “phù phép” cho trái cây được tươi ngon thật dễ; từ việc giữ cho hoa quả được tươi lâu, cách làm quả nhanh chín. Chị Hiền, một tiểu thương bán hoa quả ở chợ Lý Thường Kiệt cho biết: “Phần lớn các loại hoa quả được nhập về bán ở chợ đều là hàng Trung Quốc, trước khi được nhập vào nước ta đã qua quá trình “bảo quản”, nhiều mặt hàng sau đó lại tiếp tục được các thương lái “phù phép”. Còn những người bán lẻ như chúng tôi, chỉ những loại quả có giá trị cao mới tiếp tục được “bảo quản” thêm. Nói thật, chính những người buôn hoa quả, lại không dám ăn những mặt hàng mình bán, trừ những loại quả tươi lâu tự nhiên như bưởi Năm roi, bưởi da xanh…”. Theo một số tiểu thương, nếu cần kích thích cho quả nhanh chín, lâu hỏng mà vẫn giữ được màu sắc tươi ngon hàng tháng trời thì chỉ cần dùng một trong các loại: thuốc F9, đất đèn, chất chống thối, bột sắt, thuốc diệt cỏ 2,4D chống vi sinh vật thâm nhập, chất Ethephon (là hóa chất dùng để kích thích mủ cao su)… Phần lớn các hóa chất này có xuất xứ từ Trung Quốc, rất độc hại. Các loại chuối, xoài, mít, sầu riêng, đu đủ… được phun, ngâm hóa chất cho mau chín, chín đều và giữ được rất lâu, kể cả thời tiết nắng nóng liên tục. Đối với các loại quả “cây nhà lá vườn” như chuối cũng được cắt cả buồng, sau đó hòa một loại hóa chất của Trung Quốc vào nước, phun đều lên buồng chuối rồi ủ kín, khoảng hai ngày sau chuối chín vàng đều. Các loại quả đu đủ, mít được bơm hóa chất vào cuống rồi đem ủ, chỉ sau một ngày là chín; hồng xiêm xanh, vừa ủ hóa chất cho nhanh chín, vừa được các tiểu thương dùng bột sắt, màu công nghiệp (dùng để sản xuất polymer, thuốc nhuộm tóc, cao su, mực in…) để nhuộm cho quả có màu vàng tự nhiên, giống với màu của quả hồng xiêm già chín cây. Các loại nho, táo, lê… được ngâm tẩm hóa chất nhiều nhất. Từ nơi trồng đến người cung cấp đầu mối, các tiểu thương đều tiến hành “phù phép” cho quả. Để mua các loại hóa chất độc hại phun cho hoa quả không hề khó, chỉ cần đến các cửa hàng bán hóa chất bảo vệ thực vật thì loại gì cũng có. Chị Hiền cũng tiết lộ thêm, với các tiểu thương, mùa chính vụ của các loại quả thì các chị lại càng dễ bán, bởi việc “đánh lận con đen”, người tiêu dùng cứ nghĩ những loại quả đang chính vụ sẽ có nhiều nên ít bị ngâm hóa chất. Hiện nay đang vào mùa xoài nên khắp nơi, từ nông thôn đến thành thị đều bày bán tràn ngập loại quả này. Tuy nhiên, người tiêu dùng thường nhầm lẫn giữa xoài Trung Quốc với xoài của miền Nam. Thực tế, loại xoài trong nước trồng cũng có nhưng số lượng ít hơn và giá đắt hơn loại xoài xanh của Trung Quốc đang được nhập ồ ạt vào nước ta. Vì vậy, khi tiểu thương nhập loại xoài này về với giá rẻ, sau đó phun hóa chất để quả chín có màu vàng xen lẫn màu xanh giống với loại xoài chín cây. Với những loại xoài quả nhỏ, sẽ được loại ra để bán với mác “made in Việt Nam”; còn những loại quả to được phân tiếp để bán theo giá của xoài tượng, xoài Thái, xoài Úc…, tùy từng khách hàng mà xoài được “dán mác” khác nhau. Bên cạnh đó, các loại quả cũng được phân ra từng loại ngay tại chợ đầu mối, từ loại xanh, chín, thậm chí cả quả dập nát cũng được tiểu thương thu mua; sau đó, những loại quả đẹp được bán lẻ, những quả xấu, giập nát được bán cho các nhà hàng làm sinh tố, hoa quả dầm.
Nhu cầu tiêu thụ trái cây của người tiêu dùng là rất lớn. Tuy nhiên với thị trường trái cây “ngậm” đầy hóa chất như hiện nay, hãy là người tiêu dùng thông thái để tránh những hậu quả khôn lường./.
Bài và ảnh: Thảo Linh