Theo kịch bản nước biển dâng do Bộ TN và MT công bố, ở mức dâng 12cm, tỉnh ta bị ngập khoảng 15.000ha vùng ngoài đê biển, đê sông. Tại 3 huyện ven biển (Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng), nước biển dâng sẽ làm mất đi một vùng đất thấp trong các khu rừng ngập mặn ven biển và tác động đến các công trình xây dựng, trong đó có hệ thống đê điều, giao thông, cảng cá, nhà cửa của người dân ven biển, ven sông. Cùng với đó, tình trạng “mặn tiến” vào nội đồng theo mạch nước ngầm khoảng 20km và theo các cửa sông 30km vào năm 2020 sẽ tác động trực tiếp đến việc sử dụng các loại đất và mọi hoạt động kinh tế và sinh hoạt của người dân trong vùng, làm giảm năng suất, sản lượng các loại giống cây trồng; khó thu hút đầu tư trong lĩnh vực công thương nghiệp; xây dựng kết cấu hạ tầng ngày càng tốn kém; biến động về phân bố dân cư, đô thị và các trung tâm, cơ sở kinh tế sẽ diễn ra sự dịch chuyển trong nội vùng và ra ngoài vùng gây áp lực cho sử dụng đất phi nông nghiệp. Những biến động về môi trường tự nhiên và kinh tế - xã hội kể trên sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của tỉnh nếu không có kế hoạch ứng phó kịp thời phù hợp...
ĐVTN dọn vệ sinh môi trường tại bãi biển Thịnh Long, góp phần bảo vệ môi trường biển. |
Tỉnh ta đã thành lập Ban chỉ đạo ứng phó với BĐKH tỉnh; các ngành chức năng đã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về nội dung, giải pháp và lộ trình nước biển dâng và kế hoạch ứng phó để cùng tham gia thực hiện, tự thích nghi; phổ biến kinh nghiệm và kiến thức về ứng phó với tình huống nước biển dâng. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, hiện đại hoá công tác quan trắc, đo đạc môi trường, khí tượng thuỷ văn, từng bước xây dựng hệ thống giám sát môi trường và xây dựng hệ thống cảnh báo thiên tai, thời tiết. Sở TN và MT đã từng bước chi tiết hóa kịch bản, đánh giá tác động BĐKH tỉnh, xây dựng bản đồ nguy cơ ảnh hưởng đến từng xã để lập cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạch định chính sách và hoạt động ứng phó, xây dựng kế hoạch hành động một cách hệ thống, đồng bộ, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm và phân kỳ thực hiện với bước đi thích hợp; rà soát bổ sung các vấn đề thích ứng với BĐKH vào các quy hoạch ngành, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015. Trong năm 2014, Sở TN và MT tập trung cập nhật kịch bản BĐKH và bổ sung kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của tỉnh giai đoạn 2011-2020 trình UBND tỉnh phê duyệt; hướng dẫn, đôn đốc các sở, ngành, địa phương bổ sung, hoàn thiện kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của sở, ngành, địa phương giai đoạn 2011-2020; lập và triển khai thực hiện kế hoạch ứng phó BĐKH và nước biển dâng của tỉnh năm 2014. Tăng cường kiểm tra công tác khai thác, sử dụng tài nguyên biển và vùng bờ, công tác BVMT của các cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm ở khu vực ven biển. Phối hợp với UBND huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng thực hiện dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia “phục hồi tài nguyên, hệ sinh thái bị suy thoái vùng ven bờ tỉnh Nam Định bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển huyện Giao Thủy và huyện Nghĩa Hưng”. Ngành NN và PTNT tập trung thực hiện các chương trình, dự án củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển, đê sông. Chủ động xây dựng các công trình cấp nước, các thiết bị trữ nước sạch cho các hộ dân, tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng nguồn nước khoa học, tiết kiệm và hợp lý, đặc biệt là các hộ dân vùng biển. Ngành TN và MT đã từng bước quy hoạch và quản lý nguồn nước ngầm và nước mặt, bảo vệ môi trường nước, chủ động phòng, chống, giảm thiểu tác động tiêu cực tới tài nguyên nước. Huyện Giao Thủy đang phối hợp với tổ chức Oxfam và Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) thực hiện dự án “Xây dựng quan hệ đối tác nhằm tăng cường khả năng thích ứng với BĐKH của các cộng đồng ven biển Việt Nam” với tổng kinh phí gần 400.000 đô la Úc nhằm hỗ trợ sinh kế cho trên 15.000 người nghèo tại 5 xã ven biển của huyện. 5 xã vùng đệm Vườn Quốc gia Xuân Thủy gồm: Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân và Giao Hải tăng cường phối hợp với các tổ chức xã hội trong và ngoài nước thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý tài nguyên, môi trường. Riêng từ đầu năm 2014 đến nay, công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường rừng đã duy trì tốt hoạt động phối hợp tuần tra kiểm soát tài nguyên thiên nhiên giữa cán bộ Vườn Quốc gia Xuân Thủy với lực lượng Kiểm lâm, Biên phòng và chính quyền các xã vùng đệm; tập trung phục hồi và quản lý tốt dải rừng phi lao ngoài Cồn Lu; đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án “Cộng đồng quản lý tài nguyên rừng ngập mặn”. Tiếp tục hoàn thiện mô hình du lịch sinh thái cộng đồng ở Giao Xuân và xây dựng các sinh kế mới thay thế bền vững thông qua dự án “Thích ứng với BĐKH và phòng ngừa rủi ro cho cộng đồng ven biển ở khu vực” do MCD hỗ trợ; triển khai dự án: “Xóa bỏ rào cản trong công tác quản lý bảo tồn thiên nhiên ở Vườn Quốc gia Xuân Thủy của UNDP/GFF” do Tổng cục Môi trường thực hiện; dự án “Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học ở Vườn Quốc gia Xuân Thủy” do Tổ chức hợp tác phát triển quốc tế (JICA) của Nhật Bản tài trợ; triển khai dự án “Thích ứng với BĐKH cho khu vực rừng và đồng bằng” của Tổ chức Winrock (Hoa Kỳ) do Bộ NN và PTNT chủ trì thực hiện trên địa bàn Vườn Quốc gia Xuân Thủy; duy trì thực hiện các dự án và các chương trình hợp tác với tình nguyện viên quốc tế và các sở, ban, ngành liên quan; xây dựng và được Quỹ Rừng ngập mặn cho tương lai (MFF) và Hiệp hội quốc tế Bảo vệ thiên nhiên xem xét lựa chọn vào vòng 2 để phê duyệt dự án “Xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm của địa phương sử dụng lô gô của Vườn Quốc gia Xuân Thủy đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền”. Các hoạt động được triển khai tích cực đã phát huy hiệu quả thực tế, người dân các địa phương đã thể hiện rõ tinh thần, trách nhiệm tự bảo vệ mình trước nguy cơ nước biển dâng. Thay vì thụ động trông chờ sự giúp đỡ của các tổ chức, không ít hộ dân đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, ứng dụng kỹ thuật trồng trọt phù hợp, thích nghi với nước biển dâng. Người dân xã Giao An đã tích cực, tự giác tham gia nhiều hoạt động trong chương trình quản lý tài nguyên thiên nhiên vùng triều và BVMT trên địa bàn do UBND xã Giao An phối hợp với Vườn Quốc gia Xuân Thủy và các bên liên quan triển khai. Đặc biệt, trong những năm qua, với sự tài trợ của Dự án chương trình Liên minh đất ngập nước quốc tế (WAP) cộng đồng người dân xã Giao An đã thực hiện hiệu quả quy trình phân loại, thu gom và xử lý rác thải… Khoảng 2 năm gần đây, các hộ nông dân tại các xã Giao Xuân, Giao Tiến đã sử dụng giống lúa RVT phù hợp với chất đất nhiễm mặn, giúp tăng năng suất cao hơn từ 50 đến 60 kg/sào so với các giống lúa cũ. Nhiều hộ dân vùng ngập mặn đã áp dụng mô hình nuôi lợn thân thiện với môi trường, nền chuồng bằng sử dụng đệm lót sinh học, làm từ các chất xơ, mùn cưa, bột ngô, bã sắn… tạo vi sinh phân giải toàn bộ nước tiểu và phân thay cho nền bê tông, do đó giảm đáng kể mùi hôi thối của chất thải, hạn chế bệnh tật. Bên cạnh đó, protein vi sinh vật tạo ra trong mùn cưa của đệm lót sẽ trở thành thức ăn sinh thái cho lợn, giúp tiết kiệm 10% chi phí thức ăn và 80% nước do không phải tắm cho lợn, rửa chuồng mà chỉ cho lợn uống nước bằng vòi nước tự động.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục huy động các nguồn kinh phí, tập trung thực hiện "Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn 2020". Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực: Tài nguyên nước, nông nghiệp, y tế và sức khỏe, năng lượng, xử lý chất thải, tăng cường cơ chế, chính sách, năng lực quản lý, dự báo, cảnh báo thiên tai, xây dựng đô thị và phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn...
Bài và ảnh: Thanh Thúy