Trong khi sự nghiệp giáo dục đang được các ngành, các địa phương và toàn xã hội quan tâm chăm lo để phát triển toàn diện thì vẫn còn một vấn đề “khó nói” thuộc về “hậu trường” của các cơ sở giáo dục nhưng cũng không kém phần quan trọng, đó là nhà vệ sinh (NVS) trường học - Đây là vấn đề khá “tế nhị” nhưng lại gây băn khoăn, trăn trở, bức xúc cho không ít giáo viên và học sinh tại các trường học trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Chị Mai có con học ở Trường Tiểu học N. (Nam Trực) cho biết, trong thời gian học ở trường con chị thường xuyên “nhịn” đi tiểu vì NVS ở trường quá bẩn. Theo quy định cứ 100 học sinh có một NVS, trong khi đó trường nơi con chị học mỗi lớp có khoảng 40 học sinh; một dãy nhà khoảng 5-6 lớp mới có 1 nhà vệ sinh. Như vậy quy định trên chưa đi vào thực tiễn. Không chỉ các trường vùng nông thôn, ngay tại các trường trên địa bàn Thành phố Nam Định, việc xây dựng NVS đạt tiêu chuẩn, giữ gìn vệ sinh trong NVS và việc xây dựng thêm NVS cũng chưa được quan tâm đúng mức. Chị Thu có con học Trường Tiểu học K. (TP Nam Định) cho biết: Không chỉ riêng con chị mà nhiều bạn trong lớp thường “nhịn” đi tiểu ở NVS của trường; khi bất đắc dĩ phải vào NVS, các em đành cố gắng nín thở. NVS bẩn không chỉ do ý thức giữ gìn vệ sinh kém, NVS cũ, hỏng mà còn do “quá tải” và không đạt tiêu chuẩn theo quy định.
Trường Mầm non Hoa Sen, phường Hạ Long (TP Nam Định) thực hiện tốt vệ sinh học đường. |
Theo khảo sát của Khoa Sức khỏe Cộng đồng (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh), hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 55% trường tiểu học, THCS, 65% trường THPT có NVS đạt tiêu chuẩn theo quy định; còn lại là các trường có NVS nhưng không bảo đảm chất lượng. Ở nhiều trường có NVS nhưng không có vòi nước và xà phòng cho học sinh rửa tay. Ngoài vấn đề NVS, ở nhiều trường học, điều kiện vệ sinh trong trường cũng không bảo đảm. Kết quả khảo sát cho thấy, mới có 30% các trường tiểu học, THCS, 45% các trường THPT trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện vệ sinh trường học. Như vậy, vẫn còn khoảng 60% các trường tiểu học, THCS và 55% các trường THPT thiếu các điều kiện như: bàn ghế, phòng học không đủ ánh sáng, không đủ nước uống, nước sinh hoạt, chưa có hệ thống thoát nước theo quy định… Qua khảo sát mới đây của Trung tâm Y tế huyện Nam Trực, trên địa bàn huyện mới có 36,4% số trường tiểu học, 23,3% số trường THCS có nhà tiêu, nhà tiểu hợp vệ sinh; 6% số trường tiểu học, 3,3% trường THCS có diện tích các phòng học đạt tiêu chuẩn vệ sinh, phòng học có hệ thống chiếu sáng đạt tiêu chuẩn, bàn ghế học sinh đúng quy cách. Trên địa bàn huyện Ý Yên nhiều trường không có nước máy, phải dùng nước giếng khoan hoặc dự trữ nước mưa. Trong tình trạng sinh hoạt khó khăn, thiếu thốn như vậy nên các trường khó có thể bảo đảm những điều kiện vệ sinh cơ bản.
Trường học là nơi tập trung đông giáo viên và học sinh, nếu điều kiện vệ sinh môi trường không bảo đảm, thiếu nguồn nước sạch, thiếu NVS sẽ là một trong những nguyên nhân gây nguy cơ phát sinh và lan truyền dịch bệnh. Theo thống kê của Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD và ĐT), hầu hết các trường tiểu học trên địa bàn thành phố và khoảng 30% số trường tiểu học ở khu vực nông thôn có tổ chức ăn bán trú, thời gian học sinh bán trú ở trường khoảng 9 tiếng. Như vậy, nếu điều kiện vệ sinh không bảo đảm, rất nhiều học sinh vì sợ bẩn nên “nhịn” tiêu, tiểu, điều này rất nguy hại đối với sức khỏe của các em.
Trường học khang trang, môi trường vệ sinh sạch sẽ là một trong những điều kiện tiên quyết bảo đảm sức khỏe của giáo viên và học sinh, nhằm tăng cường chất lượng môi trường giáo dục, đó là nhu cầu chính đáng của giáo viên và học sinh. Cuối năm 2013, Bộ GD và ĐT đã đưa nội dung truyền thông về nước sạch và vệ sinh môi trường vào chỉ thị năm học và chỉ đạo toàn ngành thực hiện theo từng năm học. Trong đó chỉ đạo các cơ sở giáo dục lồng ghép nội dung giáo dục vệ sinh cá nhân, nước sạch và vệ sinh môi trường vào các tiết học chính khóa và hoạt động ngoại khóa. Tuy nhiên, tình trạng thiếu NVS, NVS không đạt tiêu chuẩn vẫn còn tồn tại ở khá nhiều trường học trong tỉnh. Chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường trong trường học giai đoạn 2012-2015 đề ra mục tiêu: Phấn đấu đến cuối năm 2015, 100% các trường mầm non và phổ thông có đủ nước sạch và NVS đạt chuẩn. Hy vọng với chương trình này, các trường học trong toàn tỉnh sẽ có NVS đạt tiêu chuẩn, môi trường vệ sinh học đường phù hợp, bảo đảm cho việc sinh hoạt và học tập của các em được tốt hơn./.
Bài và ảnh: Minh Thuận