Chợ Diên Hồng (TP Nam Định) có nhiều quán cơm "bụi". Thoạt nhìn cách bày biện đồ ăn rất sạch sẽ, bắt mắt, nhưng ít ai ngờ rằng “hậu trường” của quán cơm lại vô cùng nhếch nhác (!). Nơi chế biến thức ăn gần nhà vệ sinh, thực phẩm, bát đĩa để dưới nền đất ngay cạnh lối đi, không được che đậy. Còn các gánh, xe đẩy bán hàng ăn vặt trên các tuyến phố, tình cảnh cũng không khá hơn: thức ăn bày trên mẹt, mặt tủ không được che đậy, người bán hàng, người “canh” công an; khi lực lượng chức năng đến thì hò nhau đẩy hàng chạy… Các quán ăn đường phố dù rất sơ sài, mất vệ sinh là vậy nhưng vẫn đông khách bởi tiện đường đi lại, phục vụ nhanh…
Khám sức khỏe cho người kinh doanh thức ăn đường phố tại Trạm Y tế phường Thống Nhất (TP Nam Định). |
Không thể phủ nhận sự tiện ích của các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, song, do sự chủ quan của người tiêu dùng, sự buông lỏng của cơ quan quản lý và ý thức kém của người kinh doanh nên luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm (NĐTP). Nhiều cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố không đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, nguyên liệu không được lựa chọn kỹ, nơi bán hàng nhiều người qua lại, gây ô nhiễm cao, thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng, an sinh xã hội... Theo số liệu mới đây từ Bộ Y tế, có tới 70-80% thực phẩm đường phố bị nhiễm khuẩn, trong đó có vi khuẩn E.coli gây bệnh tiêu chảy, đường ruột và phẩy khuẩn tả. Còn theo thống kê của Chi cục ATVSTP tỉnh, trong những năm gần đây, các trường hợp NĐTP trên địa bàn tỉnh chủ yếu do thực phẩm nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật và nhiễm vi sinh vật. Năm 2013, trong tổng số 872 ca mắc NĐTP, có tới 321 ca do thức ăn nhiễm vi sinh vật, 354 ca do ăn thực phẩm bị biến chất, 163 ca do ăn thực phẩm bị nhiễm hóa chất, 34 ca do ăn thực phẩm có độc tố tự nhiên. Về lâu dài, tất cả những nguyên nhân dẫn đến NĐTP đều kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường cho sức khoẻ người sử dụng, tích tụ yếu tố độc hại trong cơ thể, dẫn đến những bệnh lạ, nan y, đặc biệt là bệnh ung thư… Theo quy định của Bộ Y tế, các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố phải bảo đảm 10 tiêu chuẩn: Bảo đảm đủ nước sạch; có dụng cụ riêng gắp thức ăn chín; không để lẫn thức ăn chín với thức ăn sống; nơi chế biến thực phẩm phải sạch, cách biệt nguồn ô nhiễm (cống, rãnh, rác thải, công trình vệ sinh, nơi bày bán gia súc, gia cầm…); người trực tiếp làm dịch vụ chế biến, kinh doanh thức ăn phải được tập huấn kiến thức về VSATTP và khám sức khỏe định kỳ bảo đảm không mắc các bệnh truyền nhiễm, nhân viên phải có tạp dề, khẩu trang, mũ khi bán hàng; sử dụng nguyên liệu chế biến thực phẩm có nguồn gốc tin cậy; không sử dụng các chất phụ gia, phẩm màu không được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm; thức ăn phải được bày bán trên giá cao tối thiểu 60cm; thức ăn chín phải được bày trong tủ kính; thức ăn phải được bao gói hợp vệ sinh; có dụng cụ riêng (có nắp đậy) chứa đựng chất thải tại nơi kinh doanh dịch vụ thức ăn đường phố. Theo Chi cục ATVSTP tỉnh, trong tổng số 9.900 cơ sở được kiểm tra các điều kiện đảm bảo ATTP năm 2013, đã phát hiện 1.707 cơ sở vi phạm, trong đó chủ yếu là vi phạm về người trực tiếp tham gia sản xuất, chế biến thực phẩm, điều kiện cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ. Nơi sản xuất, kinh doanh thực phẩm cạnh các nguồn ô nhiễm, thiếu dụng cụ chứa đựng thực phẩm, máy móc, dụng cụ tiếp xúc với thực phẩm han gỉ, nấm mốc... Tuy số cơ sở phát hiện vi phạm nhiều nhưng bị xử lý ít và chủ yếu xử lý với hình thức nhắc nhở; một số địa phương phát hiện vi phạm nhưng không xử lý; cá biệt một số cơ sở ý thức chấp hành pháp luật kém, vi phạm nhiều lần, nhưng việc xử lý gặp khó khăn do thiếu quy định chế tài để xử lý vi phạm.
Tháng hành động Vì chất lượng VSATTP năm 2014 với chủ đề “An toàn thực phẩm thức ăn đường phố” do Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phát động diễn ra từ 15-4 đến 15-5. Tại tỉnh ta, UBND tỉnh đã có kế hoạch chỉ đạo tổ chức tốt Tháng hành động nhằm triển khai những biện pháp tích cực để đảm bảo ATTP thức ăn đường phố và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của UBND các cấp, của cộng đồng đối với công tác bảo đảm chất lượng VSATTP nói chung và bảo đảm ATTP thức ăn đường phố nói riêng. Tuy nhiên, để chiến dịch này thực sự hiệu quả, bên cạnh sự “vào cuộc” quyết liệt của cơ quan chức năng thì vấn đề trước tiên là ý thức từ chính cộng đồng. Bởi nếu chỉ có các cơ quan chức năng xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm nhưng bản thân người dân không có ý thức tự bảo vệ sức khoẻ trong ăn uống; nhất là việc sử dụng thức ăn đường phố, thì nguy cơ mất ATTP từ thức ăn đường phố vẫn không được ngăn chặn. Đặc biệt với các cơ sở kinh doanh không có ý thức bảo đảm ATTP, sự “tẩy chay” của người tiêu dùng là biện pháp chế tài hữu hiệu nhất. Ngoài ra, để triển khai hiệu quả việc bảo đảm ATTP thức ăn đường phố, chính quyền địa phương phải là đơn vị chủ trì triển khai các hoạt động tại địa bàn. Ngành Y tế đảm nhiệm vai trò tham mưu cho cấp uỷ Đảng, chính quyền, đề xuất kế hoạch, giải pháp, trong đó trọng tâm là đưa các tiêu chuẩn, điều kiện ATTP, truyền thông giáo dục về ATTP, huy động được các cơ quan, đoàn thể ở địa phương tham gia, tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho chủ cơ sở và người trực tiếp làm dịch vụ chế biến, kinh doanh. Đẩy mạnh và nhân rộng các mô hình điểm về ATVSTP thức ăn đường phố nhằm từng bước kiểm soát điều kiện ATTP đối với kinh doanh thức ăn đường phố, góp phần giảm thiểu NĐTP và các bệnh truyền qua thực phẩm. Đặc biệt cần đầu tư các công cụ, thiết bị đáp ứng yêu cầu kiểm tra nhanh chất lượng thực phẩm, thức ăn đường phố, giúp người tiêu dùng có điều kiện để tự bảo vệ mình, phát hiện và đấu tranh với các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, không bảo đảm VSATTP./.
Bài và ảnh: Minh Thuận