Những năm qua, cùng với sự phát triển của chăn nuôi, các loại dịch bệnh nguy hiểm, đặc biệt là cúm gia cầm, cũng thường xuyên phát sinh, không chỉ gây thiệt hại cho chăn nuôi mà còn tiềm ẩn nguy cơ lớn lây nhiễm sang người. Năm 2013, dịch cúm gia cầm phát sinh tại một hộ chăn nuôi ở xã Yên Phú (Ý Yên). Đầu tháng 2 năm nay, phát sinh một ổ dịch cúm gia cầm tại xóm 1, xã Giao Hà (Giao Thủy). Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm huyện cùng với xã Giao Hà đã triển khai các biện pháp khoanh vùng dập dịch, không để lây lan rộng, ngăn ngừa lây nhiễm sang người. Trạm Y tế xã theo dõi chặt chẽ sức khoẻ nhân dân trên địa bàn, đặc biệt khu vực có dịch; thực hiện tổng vệ sinh làm sạch môi trường; khơi thông cống rãnh, quét dọn thu gom phân, rác thải để ủ, đốt hoặc chôn; định kỳ tiêu độc, khử trùng chuồng trại, chợ buôn bán gia súc, gia cầm bằng vôi bột và các loại hóa chất sát trùng…
Chuẩn bị hóa chất để thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng tại xã Giao Xuân (Giao Thủy). |
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh gia cầm trên địa bàn, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các huyện, thành phố triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các Sở: Y tế, NN và PTNT đã phối hợp triển khai kế hoạch phòng, chống bệnh lây truyền từ gia cầm sang người với mục tiêu: phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để dịch lây lan; hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do dịch bệnh lây truyền từ gia cầm sang người trên địa bàn tỉnh; tăng cường giám sát, điều tra, xử lý ổ dịch, truyền thông về phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người. Hai ngành đã phối hợp chặt chẽ trong giám sát dịch bệnh; trao đổi các thông tin về ca bệnh, ổ dịch trên gia cầm hoặc trên người. Tất cả các mẫu bệnh phẩm của gia cầm nghi có thể lây truyền sang người hoặc của người nghi mắc bệnh lây truyền từ gia cầm được thu thập trong quá trình giám sát, điều tra ổ dịch được cung cấp cho cơ quan thú y hoặc y tế. Khi phát hiện gia cầm nghi mắc bệnh, cơ quan thú y tham mưu cho UBND xã, huyện thành lập đội điều tra, xử lý ổ dịch, thành phần gồm lãnh đạo chính quyền địa phương, đại diện cơ quan thú y, đại diện cơ quan y tế dự phòng và các đơn vị có liên quan. Trường hợp nghi ngờ hoặc xác định người mắc bệnh lây truyền từ gia cầm, cơ sở khám, chữa bệnh nơi người bệnh đang điều trị có trách nhiệm thông báo bằng văn bản trong vòng 24 giờ đến cơ quan y tế dự phòng và cơ quan thú y cùng cấp để thành lập đội điều tra, xử lý ổ dịch theo quy định. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh là đơn vị đầu mối, tham mưu với Sở Y tế triển khai thực hiện các hoạt động phối hợp phòng, chống bệnh lây truyền từ gia cầm sang người trên địa bàn phụ trách; thực hiện việc giám sát, phòng và chống bệnh lây truyền từ gia cầm sang người; chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các đơn vị trong ngành Y tế tuyến huyện, xã triển khai các hoạt động phối hợp trong phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Với những nỗ lực của các ngành, các cấp, các địa phương, đến nay trên địa bàn tỉnh không phát sinh ổ dịch cúm gia cầm mới, không có trường hợp mắc dịch bệnh lây truyền từ gia cầm sang người. Tuy nhiên, hiện nay thời tiết diễn biến bất thường do biến đổi khí hậu; chăn nuôi trong nước tiếp tục phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm nhập khẩu, chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao, do vậy dịch cúm gia cầm luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Do vậy, các ngành chức năng, các địa phương cần chủ động thực hiện tốt công tác tiêm phòng cho gia cầm và các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn cho chăn nuôi và sức khỏe nhân dân, đồng thời kết hợp với tuyên truyền bằng nhiều hình thức về tác hại và tính chất nguy hiểm của các loại dịch bệnh ở gia súc, gia cầm; tăng cường giám sát, báo cáo, xử lý dịch... để phòng, chống dịch bệnh từ gia cầm lây truyền sang người./.
Bài và ảnh: Minh Thuận