Những vấn đề đặt ra trong công tác y tế lao động

08:04, 08/04/2014

Để tăng cường công tác y tế lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, thời gian qua, các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh đã triển khai đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác y tế lao động, tạo môi trường lao động an toàn, bảo vệ sức khỏe người lao động (NLĐ).

Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Hiện, Khoa Sức khỏe nghề nghiệp (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh) đang trực tiếp quản lý, lập hồ sơ và theo dõi sức khỏe cho 34.265 NLĐ, giám sát môi trường lao động, tham gia khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp, triển khai các dự án liên quan đến y tế lao động... của 50 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Từ năm 2013 đến nay, Khoa đã kiểm tra 13.234 mẫu liên quan đến môi trường lao động (nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió, ánh sáng, bụi, ồn, rung, hơi khí độc, phóng xạ, từ trường), trong đó có 314 mẫu không đạt. Qua khám sức khỏe định kỳ năm 2013 và đầu năm 2014 ở 50 cơ sở, doanh nghiệp sức khỏe loại II chiếm cao nhất là 16.886 người, loại I là 9.306 người, loại III là 6.817 người. Các cơ sở, doanh nghiệp cũng đã phối hợp tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho 671 NLĐ; trong đó, riêng Khoa Sức khỏe nghề nghiệp khám cho 325 người, phát hiện 109 trường hợp nghi mắc bệnh nghề nghiệp, chủ yếu là các bệnh sạm da, viêm gan do vi-rút, lao, viêm phế quản mãn tính và bệnh do các chất phóng xạ… Đã có 23 trường hợp được đưa đi giám định bệnh nghề nghiệp và được hưởng trợ cấp thường xuyên. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và NLĐ thực hiện tốt công tác y tế lao động, đặc biệt chú trọng tuyên truyền trong Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ; thường xuyên phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về công tác bảo hộ lao động (BHLĐ); phát hành tờ rơi, pa nô tranh, ảnh tuyên truyền về VSLĐ cho các doanh nghiệp và NLĐ trong các làng nghề; phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra việc thực hiện pháp luật về BHLĐ, công tác ATVSLĐ, tập huấn cho cán bộ, công nhân về VSLĐ, các kỹ thuật sơ, cấp cứu ban đầu; giám sát môi trường lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh… Hằng năm, Trung tâm phối hợp tổ chức các lớp tập huấn các nội dung về bảo vệ sức khỏe, ATLĐ cho người sử dụng lao động và NLĐ làm các công việc có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Năm 2013 và 3 tháng đầu năm 2014, Trung tâm đã tổ chức 10 lớp tập huấn cho hơn 900 người sử dụng lao động, người làm công tác BHLĐ; tổ chức 25 lớp tập huấn cho 1.320 người là cán bộ y tế và công nhân tại 121 cơ sở sản xuất trên địa bàn 10 huyện, thành phố để phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ATVSLĐ; đào tạo nghiệp vụ an toàn vệ sinh viên cho cán bộ y tế doanh nghiệp, ATVSLĐ cho cán bộ quản lý doanh nghiệp và NLĐ, đồng thời tuyên truyền, phòng, chống bệnh nghề nghiệp, nâng cao sức khỏe NLĐ…

Cùng với các hoạt động trên, các đơn vị trong ngành Y tế đã tăng cường thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các đơn vị, doanh nghiệp về công tác y tế lao động và hướng dẫn các doanh nghiệp tự kiểm tra, phát hiện, khắc phục những tồn tại trong công tác y tế lao động. Tuy nhiên, hiện tại công tác y tế lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc: Ngoài các cơ sở được quản lý đã triển khai các hoạt động y tế lao động, quan tâm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe NLĐ, thường xuyên cải tạo, sửa chữa, thay thế trang thiết bị lao động, BHLĐ, còn trên 80% các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh có sử dụng lao động chưa thực hiện nghiêm túc hoặc chưa triển khai thực hiện Thông tư 19/2011/TT-BYT của Bộ Y tế về hướng dẫn quản lý VSLĐ, sức khỏe NLĐ và bệnh nghề nghiệp… dẫn đến công tác quản lý y tế lao động đối với nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đang có xu hướng giảm cả về số lượng và chất lượng, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chăm sóc sức khỏe và bệnh nghề nghiệp cho NLĐ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong công tác y tế lao động. Hiện tại tỉnh không bố trí kinh phí cho công tác này, các chương trình được triển khai chủ yếu từ các chương trình của Trung ương theo dự án nên không lâu dài; trong khi chi phí cho y tế lao động không nhỏ. Nhận thức của người sử dụng lao động và bản thân NLĐ về ATVSLĐ chưa được quan tâm đúng mức; nhiều chủ sử dụng lao động chưa nghiêm túc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về VSLĐ và phòng, chống bệnh nghề nghiệp. Nguồn nhân lực làm công tác y tế lao động từ tỉnh đến huyện đều thiếu về số lượng, trình độ chuyên môn không đồng đều, chưa được đào tạo chuyên sâu lĩnh vực y tế lao động; trang, thiết bị phục vụ hoạt động chuyên môn y tế lao động chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Các ngành chức năng chưa phối hợp nhịp nhàng trong việc kiểm tra, thực hiện các công tác y tế lao động, dẫn đến việc thực hiện còn chồng chéo, chưa hiệu quả. Đầu tư để đảm bảo sức khỏe cho NLĐ là một sự đầu tư chiều sâu vì lợi ích của chính doanh nghiệp nên đòi hỏi sự quan tâm của cả cơ quan chức năng và doanh nghiệp cộng đồng trách nhiệm. Trong đó, doanh nghiệp trực tiếp khai thác sức lao động phải nâng cao trách nhiệm bảo đảm sức khỏe cho NLĐ theo luật định. Ngành Y tế cần tham mưu với tỉnh để có giải pháp bổ sung nhân lực, trang thiết bị và có những chính sách tạo thuận lợi cho việc triển khai hiệu quả công tác y tế lao động; đẩy mạnh thực hiện chăm sóc sức khỏe, phòng, chống bệnh nghề nghiệp đối với NLĐ; rà soát các cơ sở có nguy cơ, tăng cường năng lực để bảo đảm việc giám sát môi trường lao động, khám sức khỏe cho NLĐ, tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về công tác chăm sóc sức khỏe NLĐ, phòng, chống bệnh nghề nghiệp. Cùng với sự vào cuộc của các ngành chức năng, bản thân NLĐ cũng cần nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe, thực hiện nghiêm túc quy định, nội quy công tác BHLĐ của doanh nghiệp, chủ động yêu cầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bảo đảm các điều kiện, môi trường làm việc an toàn, thuận lợi./.

Minh Thuận
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com