Để cuộc vận động "Hai không" không trở thành hình thức

08:04, 25/04/2014

Cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” do Bộ GD và ĐT phát động, đến nay dù không còn là vấn đề mới, “nóng”, nhưng cán bộ, giáo viên trong ngành GD và ĐT tỉnh vẫn luôn nhận thức rõ việc thực hiện dạy nghiêm túc, đánh giá các bài kiểm tra, các kỳ thi nghiêm túc luôn là yêu cầu hàng đầu để bảo đảm dạy và học đúng thực chất, xứng đáng là đơn vị 19 năm liên tục đứng trong tốp dẫn đầu toàn quốc về GD và ĐT.

Giáo viên Trường THCS Nam Tiến (Nam Trực) hướng dẫn học sinh lớp 9 ôn tập môn Văn học.
Giáo viên Trường THCS Nam Tiến (Nam Trực) hướng dẫn học sinh lớp 9 ôn tập môn Văn học.

Để cuộc vận động “Hai không” không trở thành hình thức, từ đầu năm học 2013-2014 các nhà trường, các trung tâm GDTX và các Phòng GD và ĐT trên địa bàn tỉnh đã tăng cường kiểm tra, đánh giá chất lượng, thực hiện nghiêm túc việc coi và chấm bài kiểm tra, bài thi nhằm đánh giá đúng chất lượng dạy và học của giáo viên, học sinh. Ngành đã tổ chức các hội nghị bàn các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học trong các trường mầm non, tiểu học,  THCS, THPT và trung tâm GDTX; nội dung tập trung đánh giá thực trạng dạy và học ở các cấp học và xây dựng các giải pháp, biện pháp nâng cao chất lượng toàn diện trong các nhà trường, đồng thời, chỉ đạo các đơn vị, trường học khảo sát toàn thể học sinh các lớp, thuộc các cấp học ngay từ đầu năm học, từ đó phân loại từng đối tượng học sinh. Những học sinh có học lực yếu, kém, các nhà trường đều có kế hoạch giúp đỡ, bồi dưỡng cụ thể; trong đó xác định mức độ yếu, kém và nguyên nhân yếu, kém đối với từng học sinh, từng cấp học để có các giải pháp khắc phục như: phân công giáo viên trực tiếp kèm cặp, giúp đỡ; phối hợp với gia đình học sinh giúp các em tiến bộ. Những học sinh có học lực khá, giỏi được tiếp tục bồi dưỡng xây dựng thành lực lượng mũi nhọn cho các nhà trường. Bên cạnh đó, ngành GD và ĐT tập trung chấn chỉnh kỷ cương, nền nếp trường học; coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chương trình, kế hoạch dạy học, chấn chỉnh việc cắt xén nội dung, chương trình, kế hoạch giáo dục và việc thực hiện quy chế đánh giá, ngăn ngừa hiện tượng cho điểm tùy tiện trong kiểm tra, đánh giá dẫn đến sai lệch với thực chất trình độ năng lực, phẩm chất của học sinh. Các biện pháp xử lý những hành vi tiêu cực, vi phạm trong thi cử như mang tài liệu, quay cóp; tổ chức thi, kiểm tra phù hợp với từng cơ sở giáo dục để đảm bảo kết quả khách quan, chính xác. Thực hiện quy trình đánh giá, xếp loại hạnh kiểm học sinh khách quan, đúng quy chế. Cải tiến công tác quản lý đào tạo, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý đào tạo. Các cuộc thanh tra, kiểm tra thực hiện cuộc vận động được thực hiện thường xuyên, lồng ghép với các cuộc thanh tra toàn diện và đột xuất theo kế hoạch thanh tra năm học. Các trường học trong tỉnh đều xây dựng kế hoạch tự kiểm tra của hiệu trưởng, phối hợp với Công đoàn, Đoàn Thanh niên thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các nội dung chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục; đề xuất các biện pháp giải quyết kịp thời các tình huống xảy ra. Để tạo động lực, ngành GD và ĐT còn tổ chức thi đua theo khối phù hợp với cấp học và để các đơn vị, trường học trong khối thi đua ký cam kết thực hiện cuộc vận động và giao ước thi đua thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm trong năm học, tự kiểm tra chéo và bình xét. Trong các buổi họp phụ huynh, các nhà trường đã quan tâm nhiều hơn đến việc phối hợp với gia đình học sinh trong quản lý, kiểm tra, nhắc nhở việc học tập và theo dõi kết quả rèn luyện của con em. Kết quả nổi bật mà cuộc vận động đem lại đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức của giáo viên, học sinh và phụ huynh ở các nhà trường, cơ sở giáo dục. Nhiều biện pháp chống tiêu cực trong thi cử được các nhà trường tiếp tục triển khai ngay từ đầu năm học. Nhiều trường học đã xây dựng kế hoạch phụ đạo cho học sinh có học lực yếu, kém ngay từ đầu năm học để chuẩn bị cho các kỳ thi lên lớp, thi cuối cấp, thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh vào lớp 10 THPT và các trường đại học, cao đẳng được diễn ra bình thường, bảo đảm chất lượng và nghiêm túc. Qua kiểm tra chất lượng các môn học trong học kỳ I, toàn tỉnh có 55% học sinh đạt học lực giỏi; tỷ lệ học sinh học lực khá chiếm 30%, tỷ lệ học sinh trung bình là 13,8%, còn 1,2% học sinh học lực yếu, kém. Các đơn vị có tỷ lệ đạt điểm giỏi và điểm từ 5 trở lên cao là: Thành phố Nam Định, huyện Hải Hậu, Giao Thủy. Đối với ngành giáo dục trung học, các nhà trường đã có nhiều giải pháp quản lý, giáo dục đạo đức học sinh nhằm giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, học sinh yếu, kém. So với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ học sinh có hạnh kiểm khá, tốt tăng, trong đó ở bậc THCS số học sinh có hạnh kiểm khá, tốt tăng 1,4%, ở bậc THPT tăng 2,31%. Tỷ lệ học sinh có hạnh kiểm yếu giảm; tỷ lệ học sinh có học lực giỏi, khá tăng, trong đó ở bậc THCS tăng 0,87%, bậc THPT tăng 2,01%. Ở ngành học GDTX, công tác giáo dục đạo đức tiếp tục được tổ chức, triển khai chặt chẽ. Tuy nhiên, một số trung tâm GDTX có kết quả thấp (có môn kiểm tra chỉ đạt 19,2% từ điểm 5 trở lên). Kết quả trên cũng phản ánh sự không đồng đều về chất lượng dạy và học giữa các trung tâm và giữa các môn học ở các trung tâm, từ đó, để các trung tâm có những giải pháp hữu hiệu trong việc giảng dạy, kèm cặp học sinh. Cùng với nâng cao chất lượng dạy và học, các nhà trường đã chú trọng bồi dưỡng lòng yêu nghề, ý thức trách nhiệm và tinh thần phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ của đội ngũ giáo viên. Thời gian qua, toàn ngành chưa phát hiện trường hợp cán bộ quản lý, giáo viên có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể học sinh, vi phạm quy định về các hành vi không được làm đối với nhà giáo.

Bên cạnh những đơn vị giáo dục, những cán bộ, giáo viên hết lòng đem kiến thức truyền thụ cho học sinh, giúp các em có nền tảng kiến thức vững chắc, thì vẫn còn có nơi, có lúc cuộc vận động “Hai không” có phần bị buông lỏng. Vẫn có những giáo viên, phụ huynh muốn chạy theo thành tích để con em mình dù học lười nhưng vẫn có điểm tổng kết cao, để giáo viên khẳng định chất lượng giáo dục của lớp mình thông qua các bài kiểm tra và điểm số môn học(!). Thời điểm này các em học sinh THCS đang tập trung ôn tập phấn đấu giành điểm cao trong các bài kiểm tra cuối năm và là điều kiện để xét tốt nghiệp. Tuy nhiên đã có hiện tượng giáo viên “động viên” học trò không quá lo lắng về việc tốt nghiệp, bởi hằng năm, nhà trường đều có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 100%, việc quan trọng lúc này là cần tập trung vào các môn thi tuyển vào lớp 10” (?!). Thậm chí có hiện tượng “giảm tải” cho học sinh luyện tập ở các bộ môn phụ, khiến nhiều học sinh lớp 9 lơ là việc học. Đối với học sinh cuối cấp ở các trường THPT và trung tâm GDTX, thời gian này cũng đang tập trung vào ôn thi tốt nghiệp và chuẩn bị cho kỳ thi vào các trường đại học, cao đẳng, nhưng dư luận cho rằng, với những điểm mới trong kỳ thi tốt nghiệp năm nay, trong đó điểm trung bình môn ở lớp 12 sẽ liên quan trực tiếp đến việc cộng điểm trung bình cùng kết quả thi tốt nghiệp, nếu ngành GD và ĐT không sát sao trong chỉ đạo và kiểm tra sẽ nảy sinh tiêu cực(?!).

Để cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” không trở thành hình thức, đòi hỏi sự quyết tâm, bản lĩnh, ý chí, nghị lực và tâm huyết của đội ngũ cán bộ, giáo viên với sự nghiệp trồng người nhằm bảo đảm lợi ích cơ bản lâu dài của người học, của gia đình người học, của xã hội vì tương lai của đất nước, góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, làm tiền đề, điều kiện để tỉnh ta tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học và giữ vững vị thế trong GD và ĐT cả nước./.

Bài và ảnh: Thảo Linh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com