Phường Bà Triệu (TP Nam Định) có 17 tuyến phố được công nhận tuyến phố văn minh đô thị. Thông qua xây dựng tuyến phố văn minh đô thị, đã góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn ANTT tại địa bàn, tăng cường đoàn kết nội bộ trong nhân dân, xây dựng đời sống văn hoá. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, phong trào xây dựng tuyến phố văn minh đô thị trên địa bàn phường Bà Triệu vẫn tồn tại những hạn chế.
Được công nhận là tuyến phố văn minh đô thị, nhưng hiện nay, tại các tuyến phố Hoàng Văn Thụ, Trần Bình Trọng, Lý Thường Kiệt vẫn tồn tại những bất cập trong việc quản lý, gìn giữ trật tự đô thị. Tình trạng lấn chiếm lòng đường họp chợ, để phương tiện trái quy định vẫn diễn ra phổ biến. Hàng quán buôn bán tấp nập ngay dưới biển báo “cấm họp chợ”, VSMT nhếch nhác. Còn trên tuyến phố Trần Bình Trọng, hai bên vỉa hè nhỏ hẹp chỉ 1-1,5m, các hộ kinh doanh căng bạt, bày hàng “chiếm lĩnh” phần đường dành cho người đi bộ, gây mất cảnh quan đô thị.
Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, họp chợ trái phép tại tuyến phố Lý Thường Kiệt, phường Bà Triệu (TP Nam Định). |
Ông Trần Như Chiến, trưởng Ban công tác Mặt trận khu dân cư 12 cho biết: Hiện trên địa bàn khu dân cư có 3 tuyến phố Trần Bình Trọng, Lý Thường Kiệt và Hoàng Văn Thụ (đoạn từ đường Trường Chinh đến Quang Trung) gồm hơn 300 hộ dân, với gần 1.000 khẩu, trong đó có trên 80 hộ kinh doanh dịch vụ và hàng quán. Hưởng ứng phong trào xây dựng tuyến phố văn minh đô thị, chi bộ Đảng, chính quyền và Ban công tác Mặt trận khu dân cư đã tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các quy định về xây dựng tuyến phố không có rác thải, các tiêu chí tuyến phố văn minh đô thị và các quy định của pháp luật về trật tự đô thị, ATGT để đường phố khang trang, sạch đẹp, thông thoáng, đảm bảo mỹ quan đô thị. Hằng năm, các hộ kinh doanh đều ký cam kết giữ gìn ANTT, VSMT, tuyến phố văn minh đô thị. Các chủ hộ kinh doanh dịch vụ, hàng hóa đã thành lập tổ tự quản; cử 2 trật tự viên thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các vi phạm về trật tự đô thị, VSMT, họp chợ trái phép, nhắc nhở những hộ dân ở mặt đường không để rác, đổ rác ra hè đường… So với trước khi triển khai xây dựng tuyến phố văn minh đô thị, tình hình ANTT, VSMT ở các tuyến phố đã có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên do trước đây, các tuyến phố này là “chợ đầu mối” kinh doanh mặt hàng hoa quả; sau khi triển khai “dẹp” chợ, nâng cấp thảm bê tông áp-phan mặt đường, do không có chợ mới ở vị trí thuận tiện, công tác quản lý thiếu kiên quyết nên cả người bán và người mua đều “quen” chợ cũ, lại duy trì việc kinh doanh trở lại. Không chỉ vào thời điểm hàng về, mà hoạt động kinh doanh buôn bán sầm uất cả ngày, gây lộn xộn, mất ANTT, cản trở giao thông. Thậm chí trước cửa Trạm Y tế phường Bà Triệu trên đường Lý Thường Kiệt các gánh hàng rau cũng thường xuyên che chắn (?!).
Thực trạng trật tự giao thông đô thị ở các tuyến phố văn minh Lý Thường Kiệt, Trần Bình Trọng đặt ra vấn đề về công tác quản lý, tuyến phố văn minh đô thị cần kiên quyết và đồng bộ hơn. Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy ý thức tự giác của các gia đình, các hộ kinh doanh dịch vụ ở các tuyến phố đăng ký phấn đấu xây dựng tuyến phố văn minh, cấp có thẩm quyền cũng cần xem xét việc rút danh hiệu tuyến phố văn minh nếu không đạt tiêu chí để tạo động lực phấn đấu, cũng như bảo đảm công bằng và tính thực chất của các tuyến phố được công nhận là tuyến phố văn minh đô thị./.
Bài và ảnh: Việt Thắng