Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế của tỉnh đến năm 2020 - Những vấn đề đặt ra

07:01, 04/01/2014

Để phát triển đồng bộ hệ thống y tế nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, từ năm 2010 Quy hoạch tổng thể hệ thống y tế của tỉnh đến năm 2020 đã được phê duyệt với những mục tiêu cụ thể gồm: Phát triển mạng lưới y tế dự phòng có đủ khả năng giám sát, phát hiện và khống chế các dịch bệnh, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh, tật. Phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh (KCB) và phục hồi chức năng, bảo đảm người dân được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng tại các cơ sở y tế và đáp ứng các dịch vụ y tế theo tuyến. Đảm bảo sự phát triển cân đối, hợp lý giữa các bệnh viện chuyên khoa và đa khoa; kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền. Tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, phát triển mạng lưới lưu thông phân phối và cung ứng thuốc, phát triển công nghiệp dược, nâng cao năng lực sản xuất thuốc tại tỉnh. Phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng, bảo đảm trang thiết bị thiết yếu và từng bước đầu tư trang thiết bị hiện đại cho hệ thống y tế dự phòng, hệ thống KCB và phục hồi chức năng. Duy trì mức sinh thay thế, từng bước nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo quy mô dân số phù hợp sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh… Với những mục tiêu trên, tỉnh đặt ra các chỉ tiêu chung về sức khoẻ cần đạt được đến năm 2015: Tuổi thọ trung bình của người dân là 73 tuổi; tỷ lệ trẻ sơ sinh cân nặng dưới 2,5kg còn 2%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng (tính cân nặng/tuổi) còn 13%; các chỉ tiêu về y tế và dịch vụ y tế: 7 bác sĩ/vạn dân; 1,5 dược sĩ đại học/vạn dân; 21,3 giường bệnh (cả tư nhân)/vạn dân; 100% trạm y tế có bác sĩ; 100% số thôn, xóm có nhân viên y tế hoạt động; 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Cán bộ Trạm Y tế xã Giao An (Giao Thủy) khám bệnh cho người dân.
Cán bộ Trạm Y tế xã Giao An (Giao Thủy) khám bệnh cho người dân.

Triển khai thực hiện quy hoạch, Sở Y tế tích cực đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế theo hướng công bằng, hiệu quả, tạo cơ hội thuận lợi cho mọi người dân được bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe với chất lượng ngày càng cao. Quan tâm phát triển các dịch vụ y học với công nghệ, kỹ thuật cao; phát triển hài hòa giữa y tế phổ cập với y tế chuyên sâu, kết hợp phát triển y học hiện đại với y học cổ truyền. Thúc đẩy các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập phát triển về quy mô và chất lượng, nâng cấp các cơ sở y tế đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Hoàn thiện tổ chức hệ thống y tế theo Thông tư liên tịch số 03/2008 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ đảm bảo phù hợp điều kiện thực tiễn của địa phương. Tiếp tục đầu tư nâng cấp các cơ sở y tế, đặc biệt là mạng lưới y tế cơ sở và y tế dự phòng. Củng cố, hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy dân số - KHHGĐ và từng bước hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy làm công tác ATVSTP. Trong phát triển nguồn nhân lực y tế, Sở Y tế đang tiến hành tiêu chuẩn hóa và cân đối nhu cầu nguồn lực y tế về số lượng, cơ cấu, chất lượng theo từng tuyến và theo vùng. Kiện toàn đội ngũ cán bộ y tế, đảm bảo tiêu chuẩn hóa cán bộ trong từng lĩnh vực: quản lý, điều trị, dự phòng. Cụ thể như rà soát nhân lực cả về số lượng, cơ cấu trình độ, phát hiện những bất cập trong bố trí, sử dụng nhân lực, xác định nhu cầu nhân lực của từng cơ sở y tế; điều chỉnh đội ngũ cán bộ chuyên môn hợp lý trong từng lĩnh vực. Xây dựng đề án phát triển nhân lực y tế, trong đó xác định rõ một số giải pháp mang tính đột phá nhằm chủ động tạo nguồn, thu hút cán bộ y tế có trình độ chuyên môn giỏi yên tâm công tác tại địa phương. Xây dựng kế hoạch hằng năm về đào tạo liên tục, bồi dưỡng chuyên môn, trình độ quản lý Nhà nước cho cán bộ y tế. Phát huy cao nhất vai trò của các trường y đóng trên địa bàn trong việc đào tạo nhân lực cho địa phương; ban hành và thực hiện các chính sách ưu đãi trong đào tạo, tuyển dụng và sử dụng cán bộ y tế, đặc biệt là đối với y tế cơ sở. Tranh thủ tối đa nguồn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quy hoạch đã gặp không ít khó khăn: Đội ngũ cán bộ y tế thiếu về số lượng, chủng loại, đặc biệt là thiếu đội ngũ bác sĩ, dược sĩ đại học so với tỷ lệ trên đầu dân thấp hơn so với trung bình toàn quốc và khu vực. Một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng và sự cần thiết của hệ thống y tế, thiếu cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ công tác KCB, chế độ ưu đãi cho CTV y tế thôn chưa đảm bảo, làm cản trở không nhỏ đến công tác xã hội hoá y tế, gây khó khăn khi thực hiện quy hoạch tổng thể hệ thống y tế. Chính sách BHYT còn nhiều bất cập, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tự nguyện ở nhiều đơn vị cơ sở chưa cao. Quản lý Nhà nước đối với hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân chưa được thường xuyên, chặt chẽ, nhất là ở vùng nông thôn… Để khắc phục những khó khăn trước mắt, thực hiện thành công quy hoạch phát triển hệ thống y tế của tỉnh đến năm 2020, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư để tỉnh được nhận các dự án đầu tư phát triển hệ thống y tế, đặc biệt, ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho hệ thống y tế tuyến huyện, xã. Xây dựng cơ chế ưu đãi đặc biệt để phát triển hệ thống y tế ở các đơn vị khó khăn, vùng xa của tỉnh. Tạo điều kiện để ngành Y tế tỉnh được tham gia liên kết trong đào tạo nhân lực y tế và tham gia nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới với các bệnh viện đầu ngành, các trường đại học Y. Bên cạnh đó, tỉnh cần quan tâm đầu tư hơn nữa về nguồn lực theo tiến độ và định mức đã được đề xuất trong quy hoạch, đồng thời tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc triển khai thực hiện quy hoạch./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com