Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (Đề án 1956) của Thủ tướng Chính phủ, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM.
Để thực hiện Đề án 1956, ngày 24-6-2010, UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Nam Định đến năm 2020”, chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của đề án. Ban chỉ đạo Đề án tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương phối hợp với Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh và hệ thống đài truyền thanh địa phương; thông qua các hội, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Nhà nước trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; nội dung và mục tiêu của Đề án 1956, qua đó thu hút bà con nông dân tích cực, chủ động đăng ký tham gia học nghề. Ban Chỉ đạo Đề án tỉnh đã tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn tổ chức tư vấn, tuyển sinh và hướng dẫn người lao động lựa chọn ngành nghề phù hợp, đăng ký học nghề, đồng thời xây dựng chương trình, giáo trình dạy nghề, đa dạng hóa các hình thức đào tạo phù hợp với đặc thù của lao động nông thôn. Bên cạnh đó, tỉnh đã chú trọng phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề công lập trên địa bàn các huyện với 38 cơ sở, quy mô đào tạo đạt 30.200 người/năm, ở 3 cấp trình độ (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp). Hỗ trợ các cơ sở đào tạo nghề 77 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy nghề; bổ sung biên chế và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, từng bước nâng cao năng lực đào tạo và chất lượng dạy nghề cho lao động nông thôn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các lớp học nghề thực hiện nghiêm túc theo quy định. Qua hơn 3 năm thực hiện Đề án, toàn tỉnh đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 24.624 lao động nông thôn, với 59 nghề đào tạo ở 2 lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp, tổng kinh phí hơn 49,57 tỷ đồng, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động của tỉnh qua đào tạo lên 37,5%.
Học viên lớp đào tạo nghề hàn cho lao động nông thôn thực hành tại xưởng sản xuất của Cty TNHH Đông Nam, xã Xuân Tiến (Xuân Trường). |
Các nghề được nhiều người chọn học và hiệu quả gồm: may công nghiệp, điện dân dụng, mộc, nuôi thủy sản, trồng nấm. Đa số các lao động sau khi hoàn thành khóa học đều nắm được kiến thức cơ bản, có khả năng làm việc trong các doanh nghiệp hoặc tự tạo việc làm. Theo thống kê của Sở LĐ-TB và XH, tỷ lệ người lao động có việc làm sau học nghề đạt trên 85%, với mức thu nhập 1,8-4 triệu đồng/người/tháng. Tiêu biểu như ông Nguyễn Văn Chiến ở huyện Trực Ninh, năm 2012 được học nghề nuôi cá nước ngọt, ba ba, ếch theo Đề án 1956. Từ những kiến thức được đào tạo ông áp dụng vào thực tế sản xuất, nhờ đó mức thu nhập của gia đình đã được nâng cao, bình quân khoảng 8 triệu đồng/tháng. Ông Nguyễn Văn Sơn ở huyện Giao Thủy trước khi học nghề chỉ làm ruộng, thu nhập không đủ chi tiêu, đời sống gia đình khó khăn. Sau khi học nghề hàn điện tại Trung tâm Dạy nghề Hồng Hà theo Đề án 1956, ông có việc làm, thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/tháng và đã dần ổn định cuộc sống. Ngoài chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956, một số huyện đã trích ngân sách để tổ chức các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn như: huyện Trực Ninh mỗi năm đầu tư 300-500 triệu đồng; các huyện Nam Trực, Vụ Bản mỗi năm đầu tư khoảng 300 triệu đồng để tổ chức dạy nghề, truyền nghề, khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống trên địa bàn. Bên cạnh đó, các địa phương cũng tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, người lao động vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động. Với những kết quả đã đạt được, tỉnh ta được đánh giá là 1 trong 10 tỉnh dẫn đầu toàn quốc trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956. Đặc biệt Đề án đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và người lao động về mục đích, ý nghĩa và vai trò của đề án đối với phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung, góp phần giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân nông thôn và xây dựng NTM.
Để đề án ngày càng phát huy hiệu quả, thời gian tới, Sở LĐ-TB và XH, Sở NN và PTNT tiếp tục triển khai thực hiện Đề án 1956 gắn với thực hiện chương trình xây dựng NTM; chú trọng công tác tuyên truyền, tăng cường công tác kiểm tra, điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng các mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Mặt khác, chỉ đạo các cơ sở dạy nghề đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng nghiệp, tuyển sinh học nghề; tăng cường phối hợp với doanh nghiệp để đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động; chú trọng nâng cao hiệu quả sau đào tạo, tạo điều kiện cho người lao động sau khi học nghề có việc làm ổn định và bền vững./.
Bài và ảnh: Minh Tân