An toàn lao động cho công nhân ngành Giao thông

07:01, 23/01/2014

Trong ngành GTVT, công nhân cầu đường là lực lượng lao động thường xuyên phải làm việc trong các môi trường có nguy cơ cao về ATVSLĐ. Các công trình giao thông thường trải dài trên nhiều địa bàn, nhiều nơi điều kiện thi công khó khăn, công việc nặng nhọc, làm việc ngoài trời, thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, độc hại, chịu ảnh hưởng của tiếng ồn. Ở nhiều công trình sử dụng một bộ phận không nhỏ lao động thời vụ chưa được trang bị kiến thức và thiếu thốn trang thiết bị bảo hộ lao động. Do vậy, công tác bảo đảm ATVSLĐ cho công nhân xây dựng giao thông, đặc biệt là lao động thời vụ đang là vấn đề cần được các cấp, các ngành chức năng đặc biệt quan tâm.

Công nhân thi công QL 38B, đoạn qua xã Đại An (Vụ Bản).
Công nhân thi công QL 38B, đoạn qua xã Đại An (Vụ Bản).

Anh Bùi Văn Đạt ở xã Quang Trung (Vụ Bản), mới học hết tiểu học, công việc chính là làm ruộng cấy lúa. Ngoài thời gian mùa vụ, anh lại theo các đội thi công xây dựng các công trình cầu đường làm các công việc phổ thông như rải đá, đun nấu sang chiết nhựa đường... là những công việc nguy hiểm, dễ gây mất an toàn lao động. Anh cho biết, đã làm công việc này hơn chục năm nay. Nhựa đường muốn đun nóng chảy phải ở nhiệt độ gần 200 độ C. Trong quá trình nấu, nhựa đường thường hay bị trào khi sôi, lại rất dễ bắt lửa khiến thùng nhựa cháy bùng, độ sát thương rất cao, gây nguy hiểm cho người nấu... Theo quy định, người đứng nấu nhựa, tưới nhựa phải là thợ chuyên nghiệp được đào tạo cơ bản nhưng hiện nay ở nhiều công trường, công việc đứng nấu nhựa và tưới nhựa đều sử dụng lao động thủ công, tự học nghề qua quan sát người khác làm và thực hiện nhiều thành quen. Bảo hộ lao động cho người sang chiết nhựa đường chỉ có đôi găng tay vải và đôi ủng đi cấy bằng nhựa mỏng, còn anh Đạt trực tiếp đứng nấu nhựa đường không có bất cứ thiết bị bảo hộ lao động nào trên người. Anh Đạt cho biết: “Người lao động trong đội phần lớn là người cùng quê với anh, chủ yếu làm theo thời vụ nên không được trang bị kiến thức về bảo hộ lao động, thậm chí bảo hộ lao động cũng phải tự trang bị. Một số công nhân trong quá trình thi công trên công trường vẫn đi dép lê và không có găng tay (?)”.

Theo thống kê, trên cả nước, tai nạn lao động trong ngành GTVT thường chiếm tỷ lệ cao, số vụ tai nạn trên các công trường có chiều hướng diễn biến phức tạp; tập trung ở bộ phận người lao động làm theo thời vụ, không có trình độ, tay nghề, không được tập huấn, trang bị kiến thức về an toàn lao động. Những người này được “tuyển dụng miệng” hoặc chỉ có “hợp đồng viết tay” ngắn hạn kèm bản cam kết thỏa thuận về tiền lương cơ bản, còn các nội dung từ bảo hộ lao động, bảo hiểm, chế độ… người lao động phải tự lo. Ngoài tiền lương (180-200 nghìn đồng/người/ngày), người lao động thời vụ không được hưởng bất cứ chế độ nào, kể cả các trang thiết bị bảo hộ lao động chuyên dụng tối thiểu, điều đó gây nguy hiểm cho người lao động trong quá trình làm việc. Nhưng do không có ràng buộc về pháp lý nên người sử dụng lao động không quan tâm trang bị thiết bị bảo hộ lao động cho người lao động trong khi chi phí cho bảo hộ lao động thường chỉ chiếm chưa đến 1% chi phí sản xuất, có nơi chỉ 0,5%, song xuất phát từ sự chủ quan của người lao động, sự lỏng lẻo trong công tác quản lý, kiểm tra giám sát nên các nhà thầu (đặc biệt là nhà thầu tư nhân) chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo đảm an toàn lao động và thường cắt giảm chi phí cho công tác này. Mặt khác, do không có sự ràng buộc chặt chẽ về quyền lợi và trách nhiệm nên nếu xảy ra tai nạn lao động thiệt thòi thuộc về người lao động thời vụ, không nhận được khoản trợ cấp nào theo pháp luật, ngoài những khoản chi tự nguyện của chủ thầu nhằm làm “yên chuyện”. Tuy nhiên, công đoàn ngành cũng khó “với” để điều chỉnh, can thiệp bởi những lao động này không phải là đoàn viên công đoàn. Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ của công đoàn ngành GTVT cho biết: Để góp phần khắc phục tình trạng này, thời gian tới, Công đoàn ngành tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng tăng cường tuyên truyền pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, phương pháp phòng ngừa tai nạn và sự cố xảy ra trong quá trình làm việc, các biện pháp khắc phục nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động và chủ sử dụng lao động. Đồng thời, phối hợp tham gia kiểm tra giám sát liên ngành chặt chẽ hơn về việc thực hiện công tác bảo hộ lao động cho công nhân cầu đường, đặc biệt là người lao động thời vụ nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người lao động, đặc biệt là lao động thời vụ, yên tâm làm việc./.

Bài và ảnh: Hoàng Dung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com