Tỉnh ta có nguồn tài nguyên nước dồi dào. Đến nay, nguồn nước mặt vẫn đang được khai thác sử dụng ở các vùng phía đông và phía bắc tỉnh. Trên địa bàn tỉnh có 7 đơn vị chứa nước, nhưng chỉ có 2 tầng chứa nước chính có ý nghĩa quan trọng trong khai thác và sử dụng gồm tầng chứa nước lỗ hổng Holocen hệ tầng Thái Bình và tầng chứa nước Pleistocen hệ tầng Hà Nội, với tổng trữ lượng là 626.609,87 m3/ngày. Ở vùng phía tây và phía nam tỉnh, từ nhiều năm nay chủ yếu khai thác và sử dụng nguồn nước dưới đất, đặc biệt là tầng chứa nước Pleistocen dưới để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, theo khảo sát của các ngành chức năng, tài nguyên nước nhạt dưới đất được xác định đang tồn tại cạnh các tầng nước lỗ hổng lợ. Các tầng cấp nước phía trên thường là nước lợ bị ô nhiễm, trong khi đó, ở các tầng sâu, nước có thể là nước lợ hoặc bị khai thác quá mức kéo theo sự xâm nhập của nước mặn lợ và nước biển vào các vùng nước nhạt, dẫn đến không còn sử dụng được do độ mặn tăng cao. Hiện trạng khai thác quá mức nước nhạt đã dẫn đến sự suy giảm mực nước dưới đất tới 0,6m/năm và hình thành phễu hạ thấp mực nước quy mô vùng. Vì vậy nếu không quản lý tốt nguồn tài nguyên nước, tỉnh ta sẽ phải đối mặt với thách thức trong vấn đề cấp nước phục vụ sinh hoạt.
Công nhân Cty TNHH một thành viên Công trình đô thị Nam Định làm vệ sinh, bảo vệ môi trường nước tại hồ Vị Xuyên (TP Nam Định). |
Để quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước ngầm, từ nhiều năm nay, các ngành chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước hợp lý, tiết kiệm và không làm ô nhiễm nguồn nước. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác sử dụng nước dưới đất, việc xử lý xả thải nguồn nước ô nhiễm. Trong tháng 8-2013, Sở TN và MT đã phối hợp với Phòng TN và MT các huyện, thành phố, đại diện UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước tại 18 doanh nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh đó, các ngành chức năng đã chú trọng đến việc giảm áp lực nguồn nước ngầm, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu bằng biện pháp giảm lượng nước thất thoát, rò rỉ. Từ năm 2005 trở lại đây, được sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, tỉnh ta đã từng bước xây dựng và hoàn chỉnh 5 hệ thống thủy lợi phù hợp với sản xuất và đời sống nhân dân. Ở các huyện, thành phố đều triển khai các dự án củng cố hệ thống thuỷ lợi với giá trị hàng chục tỷ đồng, góp phần nâng cao năng lực tưới, tiêu, phục vụ sản xuất. Tại nhiều địa phương, trong quá trình sản xuất, các HTX và bà con nông dân còn áp dụng các biện pháp tưới tiêu khoa học, vừa tiết kiệm nước, vừa nâng cao năng suất cây trồng. Tiêu biểu như phương pháp tưới nhỏ giọt theo công nghệ trồng hoa trong nhà lưới tại xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc). Những năm gần đây, Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NN và PTNT) đã phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân áp dụng thành công chế độ nước tưới cho lúa theo phương pháp thâm canh cải tiến (SRI) nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho cây lúa phát triển khỏe mạnh. Triển khai canh tác lúa theo phương pháp SRI đã tiết kiệm được khoảng 20% lượng nước ngoài đồng ruộng, năng suất tăng 6-11% so với khu ruộng đối chứng, giảm lượng giống và thuốc bảo vệ thực vật, lợi nhuận sản xuất tăng 50-80%, giảm tác hại đến môi trường. Cùng với thực hiện đồng bộ các biện pháp trên, từ năm 2009, tỉnh ta còn được Chính phủ CHLB Đức tài trợ thực hiện Dự án “Tăng cường năng lực quy hoạch và điều tra nước ngầm tại các khu đô thị tại Việt Nam”. Triển khai thực hiện dự án, các chuyên gia Viện Khoa học địa chất và tài nguyên (CHLB Đức), Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước (Sở TN và MT) đã xây dựng mạng quan trắc nước ngầm hiện đại với hệ thống thiết bị đồng bộ; tiến hành khảo sát, thu thập thông tin, thống kê cụ thể nhu cầu sử dụng nước của người dân để có số liệu chính xác làm tiêu chuẩn để dự báo; xây dựng mô hình 3D về cấu trúc địa chất thủy văn khu vực Nam Định. Với mô hình 3D có thể dự báo dài hạn mực nước ngầm theo nhiều kịch bản khác nhau, giúp ngành chức năng cảnh báo sớm những vùng đang có nguy cơ cạn kiệt để kịp thời đề ra các biện pháp quản lý, bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước. Bên cạnh đó, các chuyên gia Đức còn tổ chức tập huấn về mô hình và phần mềm chạy mô hình cho cán bộ của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước để tiếp nhận và sử dụng hiệu quả mô hình.
Thời gian tới, Sở TN và MT sẽ tăng cường phối hợp, quản lý quy hoạch khai thác sử dụng nước một cách hợp lý, gắn kết với các quy hoạch: sử dụng đất, quy hoạch mở rộng phát triển đô thị, phát triển các KCN, quy hoạch các công trình vệ sinh môi trường như bố trí bãi thải, nghĩa trang…; phát triển hệ thống giao thông cần phải được tính toán, xem xét để không gây ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước. Ở các vùng có nhiều công trình khai thác nước dưới đất cần nhanh chóng thực hiện việc rà soát, xử lý trám lấp các giếng không sử dụng; khoanh định các vùng hạn chế hoặc cấm khai thác; lập quy hoạch khai thác sử dụng, bảo vệ nước dưới đất và từng bước xây dựng mạng quan trắc nước dưới đất tại địa phương và khu vực. Các vùng có hiện tượng suy giảm mực nước, chất lượng nước cần xây dựng phương án giảm thiểu hoặc nghiên cứu giải pháp cấp nước khác thay thế. Ngoài ra, cần sớm đầu tư, hoàn thiện hệ thống cấp nước ở các đô thị để hạn chế việc xây dựng các công trình khai thác nước dưới đất quy mô nhỏ lẻ nhằm bảo vệ tài nguyên nước. Ngày 12-4-2013, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 521/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch thủy lợi hệ thống Nam Ninh, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Xuân Thủy, Bắc Nam Hà thuộc địa phận tỉnh Nam Định. Theo đó, đã quy định cụ thể lộ trình, tiến độ, tổng nguồn vốn đầu tư cần thực hiện trong đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi tỉnh từ nay đến năm 2020. Trong đó, riêng phương án quy hoạch tưới đến năm 2015 sẽ thực hiện xây mới, cải tạo nâng cấp các công trình trạm bơm đầu mối: Tân Đệ (Mỹ Thành), Đế, Đập Môi (Vụ Bản), Chợ Huyện (Ý Yên); 23 cống đầu mối; nạo vét cửa Mom Rô và các bãi bồi trên sông Ninh Cơ để tăng nguồn nước ngọt, đẩy mạnh thoát lũ, tiêu úng phục vụ sản xuất cho vùng Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng. Kiên cố hóa toàn bộ hệ thống kênh mương cấp I của các trạm bơm đầu mối và các đoạn kênh chính. Nạo vét, tu sửa hệ thống kênh cấp I của các trạm bơm đầu mối và các đoạn kênh chính. Xây mới, nâng cấp các trạm bơm nội đồng xuống cấp, đảm bảo yêu cầu tưới. Xây dựng công trình cấp nước phục vụ sản xuất công nghiệp, sinh hoạt đô thị và nông thôn. Giai đoạn 2016-2020, tiếp tục hoàn thiện các hạng mục trong quy hoạch: Nâng cấp, xây dựng mới 60 cống đập đầu mối; nâng cấp 83 trạm bơm nội đồng và 489 cống, đập điều tiết phục vụ tưới; hoàn thành toàn bộ việc kiên cố hệ thống kênh mương cấp II, cấp III còn lại… bảo đảm cấp nước cho khoảng 113 nghìn ha đất nông nghiệp, tạo nguồn cấp nước phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản; đảm bảo tiêu úng cho diện tích đất phía trong đê của tỉnh, tập trung tiêu cho các vùng thấp khó tiêu và hỗ trợ một phần diện tích ngoài đê. Tạo nguồn cấp nước sinh hoạt khoảng 1,8 triệu dân, các KCN tập trung và các cơ sở sản xuất TTCN trong vùng. Duy trì dòng chảy trên các sông trục trong hệ thống, góp phần giảm thiểu ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước, cải thiện môi trường sinh thái./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý