Tăng cường bảo vệ môi trường biển

08:12, 10/12/2013

Tỉnh ta có 72km bờ biển kéo dài trên địa phận 3 huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu. Vị trí địa lý thuận lợi đã tạo nhiều cơ hội cho địa phương phát triển kinh tế biển nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức do biến đổi khí hậu (BĐKH) và các hành vi gây ô nhiễm môi trường biển của người dân. Để hướng đến quản lý và bảo vệ bền vững tài nguyên và môi trường biển, những năm gần đây, các ngành chức năng, các địa phương đã triển khai nhiều hoạt động hiệu quả hướng đến bảo vệ bền vững môi trường biển.

Trong năm 2012, Chi cục Biển (Sở TN và MT) đã tiến hành đánh giá tiềm năng kinh tế - xã hội, tình hình khai thác, sử dụng các vùng biển do tỉnh quản lý; thống kê phân loại, đánh giá tài nguyên các vùng biển; điều tra, đánh giá mức độ ô nhiễm, suy thoái môi trường biển từ các nguồn phát sinh do hoạt động khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thuỷ, hải sản và các sự cố thiên tai, từ đó đưa ra các biện pháp BVMT biển cho từng địa phương, từng ngành nghề. UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN và MT phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng và cơ quan chuyên môn tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển; khai thác sử dụng bền vững tài nguyên và BVMT biển; khuyến khích các tổ chức, cá nhân chủ động, tích cực tham gia các hình thức tuyên truyền việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý tài nguyên và BVMT biển. Từ năm 2012 đến nay, nhiều chương trình tuyên truyền về BVMT biển đã tác động tích cực đến đối tượng được tuyên truyền. Trong tháng 8-2013, Sở TN và MT phối hợp với Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) tập huấn công tác quản lý tài nguyên và môi trường biển và cập nhật, xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2013-2015, tầm nhìn 2020 cho các thành viên trong Ban Chỉ đạo ứng phó BĐKH của tỉnh, cán bộ phòng TN và MT các huyện, thành phố; cán bộ địa chính 18 xã, thị trấn ven biển. Trong tháng 9-2013, chương trình làm sạch bờ biển do Tỉnh Đoàn phối hợp với MCD tổ chức có chủ đề “Biển sạch cho tương lai xanh” đã huy động trên 400 đoàn viên, thanh niên cùng người dân địa phương và lực lượng cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng, các hội, đoàn thể và 15 đội thanh niên tình nguyện đồng loạt ra quân dọn vệ sinh môi trường bãi biển, thu gom được trên 4 tấn rác thải đưa đi xử lý, chăm sóc cây xanh và làm vệ sinh môi trường tại bãi tắm Quất Lâm. Các đội thanh niên tình nguyện còn tổ chức các mũi tuyên truyền đến đoàn viên, thanh niên và người dân địa phương về vai trò, ý nghĩa của biển đối với cuộc sống, tầm quan trọng của việc BVMT biển và hướng dẫn người dân cách thu gom, phân loại rác thải; tổ chức khu trưng bày các ấn phẩm tuyên truyền về BVMT thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân địa phương…

Cán bộ Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thả con giống hải sản tại cửa biển Ba Lạt, xã Giao Thiện (Giao Thủy), góp phần bảo vệ nguồn giống và môi trường biển.
Cán bộ Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thả con giống hải sản tại cửa biển Ba Lạt, xã Giao Thiện (Giao Thủy), góp phần bảo vệ nguồn giống và môi trường biển.

Cùng với sự định hướng của ngành TN và MT, các ngành chức năng và các địa phương cũng đã quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp BVMT biển chuyên sâu theo khả năng, điều kiện của đơn vị, địa phương. Những năm qua, để ứng phó với BĐKH, bảo vệ và phát triển sản xuất, với sự hỗ trợ đầu tư hàng nghìn tỷ đồng của Trung ương, toàn tỉnh đã tập trung nâng cấp, kiên cố hóa được 56,8/76,6km đê biển có khả năng chống bão cấp 10, tần suất 5%; xây mới 8 cống qua đê biển và 53 mỏ kè giữ bãi bảo vệ đê, đang xây dựng tiếp 21 mỏ kè, đồng thời tiếp tục thi công tu bổ, nâng cấp 18,1km đê biển xung yếu ở 3 huyện ven biển. Ngoài ra, tỉnh cũng đã xây mới thay thế 30 cống qua đê bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão; nâng cấp hơn 30km đê sông, hơn 20km kè bảo vệ đê và bê tông hoá 102,6km mặt đê... Tại các vùng bãi bồi được tạo bởi các mỏ kè, các địa phương đã triển khai trồng rừng chắn sóng, giữ bãi. Đến nay, diện tích rừng ngập mặn của tỉnh đã đạt 3.600ha, riêng năm 2013 các huyện ven biển tiếp tục trồng thêm 68ha rừng ngập mặn. Để công tác bảo vệ nguồn lợi thủy, hải sản đạt hiệu quả cao, Chi cục Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản đã phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương thực hiện các đợt tuyên truyền về tác hại của việc khai thác mang tính tận diệt để ngư dân chủ động bảo vệ, giữ gìn nguồn tài nguyên, các nguồn lợi thủy sản, hướng tới nuôi trồng, khai thác đảm bảo sinh kế bền vững. Ngoài ra, Chi cục còn phối hợp với chính quyền các địa phương, các tuyên truyền viên đến từng hộ ngư dân tuyên truyền việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Hằng năm, Chi cục phối hợp với các đơn vị tổ chức thả các loại giống tôm, cá biển, cá truyền thống ra các vùng nước tự nhiên. Tại huyện Giao Thuỷ, để nâng cao hiệu quả BVMT biển, vùng bãi bồi ven biển, tại các xã ven biển, người dân đi khai thác thuỷ, hải sản đều được tuyên truyền, vận động tham gia BVMT nên đến nay tình trạng xả rác bừa bãi trên biển đã từng bước được khắc phục. Trong nuôi trồng thủy sản, huyện đã chỉ đạo các xã lập quy hoạch vùng nuôi, phối hợp với MCD xây dựng quy trình nuôi thuỷ sản thân thiện với môi trường. Tại các xã: Giao Xuân, Giao Thịnh, Giao Hải… đã thành lập tổ hợp tác nuôi ngao bền vững, tích cực thực hiện các biện pháp giữ gìn vệ sinh bãi nuôi thả, tăng cường tuyên truyền, vận động ngư dân nâng cao ý thức BVMT biển. Hiện tại, huyện Giao Thuỷ đang tiếp tục thực hiện quy hoạch phân vùng và quản lý nghề nuôi ngao bền vững với 455ha vùng đệm của Vườn Quốc gia Xuân Thủy; tiếp tục sử dụng 1.043ha vùng phục hồi sinh thái của Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ để nuôi ngao bền vững… Trong phát triển kinh tế du lịch, 5 xã vùng đệm của Vườn Quốc gia Xuân Thủy đã đẩy mạnh chương trình trồng rừng ngập mặn, tạo vùng sinh thái, bảo vệ các loài chim di cư; người dân đã áp dụng kỹ năng sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường xung quanh để cung cấp cho du khách các dịch vụ du lịch thân thiện với môi trường như: du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng…

Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác BVMT biển, các ngành chức năng sẽ tiến hành điều tra, đánh giá tiềm năng, giá trị, biến động tài nguyên biển một cách hợp lý và khoa học. Tăng cường triển khai lập quy hoạch sử dụng, khai thác tài nguyên biển một cách hợp lý và khoa học. Phát triển cơ chế giám sát tổng hợp tài nguyên và môi trường biển. Trong đó, tập trung kiểm soát chặt chẽ các hoạt động khai thác nguồn lợi thủy sản, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hoạt động khai thác, đánh bắt thủy, hải sản mang tính hủy diệt. Có chính sách đầu tư, tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn, hỗ trợ lãi suất, khuyến khích ngư dân nâng công suất tàu từ đánh bắt gần bờ sang đánh bắt xa bờ. Thực hiện các biện pháp bảo tồn nghiêm ngặt quỹ đất rừng hiện có, đặc biệt là phát triển và bảo vệ rừng ngập mặn ven biển. Bảo vệ tài nguyên, đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Xuân Thủy. Tiếp tục phục hồi và trồng rừng mới, phấn đấu đến năm 2020 quỹ đất rừng của tỉnh đạt 5.723ha; trong đó, rừng phòng hộ 2.592ha, rừng đặc dụng 3.121ha, tăng 1.472ha so với năm 2010. Tại Khu Dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng và Vườn Quốc gia Xuân Thủy tăng cường phục hồi, tái tạo quần thể đàn đối với các loài thủy sản ở các vùng nước tự nhiên. Lập các chương trình, kế hoạch phát triển và bảo vệ rừng ngập mặn, bảo vệ tài nguyên đa dạng sinh học của Khu Dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng. Phối hợp với các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình rà soát, hoàn thiện cơ chế quản lý Khu Dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng theo Luật Đa dạng sinh học và các luật liên quan./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com