Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ IV (2011-2013) do Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh, Sở KH và CN, LĐLĐ tỉnh và Tỉnh Đoàn phối hợp tổ chức nhằm động viên, thúc đẩy phong trào thi đua lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của cán bộ, nhân dân trong tỉnh. Qua 2 năm phát động, Hội thi đã nhận được 89 giải pháp của gần 100 tác giả và đồng tác giả tham dự ở cả 6 lĩnh vực gồm: Công nghệ thông tin, điện tử viễn thông; Vật liệu, hóa chất, năng lượng; Nông, lâm, ngư nghiệp, tài nguyên và môi trường; Y dược; Giáo dục và các lĩnh vực khác. Có 25 giải pháp đã được Ban tổ chức lựa chọn trao giải. Trong đó, lĩnh vực Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông có 4 giải pháp đạt giải; lĩnh vực Cơ khí tự động hóa, xây dựng, giao thông có 5 giải pháp đạt giải; lĩnh vực Vật liệu, hóa chất, năng lượng có 3 giải pháp đạt giải; lĩnh vực Nông, lâm, ngư nghiệp, tài nguyên và môi trường có 4 giải pháp đạt giải; lĩnh vực Y dược có 4 giải pháp đạt giải; lĩnh vực Giáo dục và các lĩnh vực khác có 5 giải pháp đạt giải. Các giải pháp đạt giải đều thể hiện được tính mới, tính sáng tạo và khả năng ứng dụng cao trong thực tế.
Để hội thi đạt kết quả cao, Ban tổ chức đã phát động sâu rộng hội thi đến tất cả các tổ chức công đoàn và Đoàn Thanh niên các cấp để đông đảo CNVCLĐ và đoàn viên, thanh niên biết, tích cực tham gia. LĐLĐ các huyện, thành phố đã phân công cán bộ trực tiếp xuống cơ sở động viên các đoàn viên có sáng kiến tham dự, đồng thời hỗ trợ họ trong việc viết thuyết minh sáng kiến và hoàn tất thủ tục tham dự hội thi. Ban tổ chức Hội thi đã thành lập 6 hội đồng giám khảo với 6 tổ chấm thi chuyên ngành gồm các chuyên gia trong từng lĩnh vực dự thi để đánh giá các giải pháp một cách công tâm và khách quan. Cùng với việc đánh giá giải pháp dự thi dựa trên các bản thuyết minh, hội đồng giám khảo còn khảo sát thực tế nơi giải pháp được áp dụng để xác định hiệu quả của giải pháp. Theo đánh giá của Ban tổ chức Hội thi, các giải pháp tham gia Hội thi lần này đã được các tác giả, nhóm tác giả đầu tư và chuẩn bị khá công phu. Nhiều giải pháp đã thể hiện ý tưởng sáng tạo, độc đáo như các giải pháp: “Thiết kế hệ thống thoát khí độc trong ao nuôi trồng thủy hải sản”; “Giảm thiểu gánh nặng bệnh tật truyền qua thực phẩm”; “Đổi mới phương pháp dạy học toán THPT có tăng cường liên hệ thực tiễn theo định hướng PISA”… Trong đó giải pháp “Xây dựng phần mềm hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng (GPMB)” của tác giả Lưu Mạnh Hùng, Trung tâm Tin học và Thông tin khoa học công nghệ (Sở KH và CN) được thiết kế với các modun dữ liệu thông tin về đặc điểm dự án công trình thực hiện; danh sách chi tiết hộ dân trong vùng ảnh hưởng; các chính sách hỗ trợ đền bù khi Nhà nước thu hồi đất, tài sản, vật kiến trúc trên đất và chính sách hỗ trợ đối với các hộ dân phải di dời… Phần mềm hỗ trợ công tác GPMB đã giúp việc cập nhật, quản lý thông tin liên quan của các công trình, dự án đạt tiến độ nhanh chóng, chính xác.
Giáo viên Trường THCS Lộc Vượng (TP Nam Định) hướng dẫn học sinh học môn Lịch sử theo mô hình giải pháp “Sử dụng tư liệu thực tế tại các di tích lịch sử, văn hóa vào thiết kế bài giảng lịch sử địa phương trong trường THCS”. |
Bên cạnh đó, việc ứng dụng phần mềm này đã giảm áp lực công việc cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác GPMB, tiết kiệm thời gian và thuận tiện cho công tác quản lý, lưu trữ, sao lục hồ sơ sau này và đem đến nhiều tiện ích cho người dân khi tìm hiểu thông tin liên quan đến dự án và xây dựng các chế độ, chính sách liên quan, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT và cải cách thủ tục hành chính ở địa phương. Tác giả Lã Viết Hiển, Chi cục phó Chi cục Thú y (Sở NN và PTNT) đã nghiên cứu, xác định nguyên nhân gây chết lợn hàng loạt trong các ổ dịch tai xanh là do vi khuẩn gây bệnh viêm phổi dính sườn, từ đó đưa ra giải pháp “Khống chế vi khuẩn viêm phổi dính sườn - hạn chế lợn chết hàng loạt khi mắc bệnh tai xanh” can thiệp bằng kháng sinh đặc hiệu ngay khi phát hiện lợn bỏ ăn. Với giải pháp này tỷ lệ lợn khỏi bệnh đạt 90-100% sau 3 ngày điều trị. Do can thiệp kịp thời bằng kháng sinh đặc hiệu, vừa giúp lợn diệt khuẩn, vừa ngăn ngừa các chứng viêm ở thời kỳ tiền viêm, chống áp xe gây nên viêm phổi dính sườn. Hiện tại, giải pháp này đã được phổ biến trong đội ngũ cán bộ thú y và thực nghiệm thành công tại các huyện, thành phố trong tỉnh. Từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn tỉnh, tình trạng lợn chết hàng loạt không còn xảy ra và đã khống chế thành công dịch bệnh tai xanh. Trong lĩnh vực GD và ĐT và các lĩnh vực khác, giải pháp “Sử dụng tư liệu thực tế tại các di tích lịch sử, văn hóa vào thiết kế bài giảng lịch sử địa phương trong trường THCS” của đồng tác giả Dương Mệnh Tuấn và Nguyễn Thị Quỳnh, Trường THCS Lộc Vượng (TP Nam Định) đã đoạt giải nhất. Giải pháp được xây dựng dựa trên ý tưởng lồng ghép những nội dung trong sách giáo khoa với những tư liệu lịch sử về lịch sử 750 năm Thiên Trường - Nam Định vào thực tế giảng dạy tại Trường THCS Lộc Vượng để tăng sự hấp dẫn, lôi cuốn học sinh đối với bài giảng, góp phần tích cực vào việc giáo dục truyền thống, giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa của cha ông. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả đã biên soạn và chọn lọc nội dung lịch sử địa phương từ lớp 6 đến lớp 9 với nội dung gắn kết một cách khoa học với lịch sử dân tộc và phù hợp với nhận thức, tâm sinh lý lứa tuổi, đồng thời tổ chức các buổi nói chuyện lịch sử, trình chiếu các đoạn phim về các cuộc khai quật khảo cổ, các địa danh, nhân vật, các cuộc kháng chiến theo chuyên đề, tổ chức tham quan di tích… Giải pháp này đã khắc phục được lối truyền thụ khô khan, cứng nhắc trong giảng dạy bộ môn lịch sử với những sự kiện khó nhớ, khó thuộc; đồng thời mở rộng không gian học tập và phương pháp mới trong việc tiếp thu kiến thức, góp phần nâng cao ý thức của học sinh trong việc giữ gìn, bảo vệ các di tích lịch sử, di sản văn hoá, bảo vệ môi trường. Giải pháp “Nghiên cứu, thiết kế, cải tiến hệ thống máy đóng, mở để lấy nước ngọt tại các cống vùng triều khi chênh lệch mực nước cao” của tác giả Nguyễn Trung Nghĩa, Cty TNHH một thành viên KTCTTL Nghĩa Hưng đã giúp giải quyết khó khăn trong việc lấy nước ngọt phục vụ sản xuất cho nhân dân các xã ven biển trong điều kiện nước mặn lấn sâu vào các vùng cửa sông do biến đổi khí hậu gây ra. Do thủy triều lên nhanh, thời gian lấy nước ngọt ngắn nên đã ảnh hưởng nhiều đến sản xuất của nhân dân. Qua nhiều lần nghiên cứu, thử nghiệm, nhóm tác giả đã chế tạo thành công hệ thống ép cánh van cho cống vùng triều. Với giải pháp này, thời gian lấy nước ngọt tăng thêm 2-3h, cách vận hành đơn giản lại an toàn với các công trình thủy nông trong khi chi phí giảm đáng kể so với cách làm cũ. Giải pháp đã áp dụng thành công tại cống Nam Điền và cống Tiền Phong và sẽ được thiết kế và áp dụng cho tất cả các cống trong toàn hệ thống thuỷ lợi của huyện đáp ứng nhu cầu nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nông dân.
Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ IV đã đạt hiệu quả kinh tế - xã hội rõ rệt, góp phần duy trì và đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sáng tạo trong tỉnh, tạo môi trường thuận lợi trong việc chuyển giao công nghệ, tìm kiếm và ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và đời sống./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương