Qua 3 năm thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ

08:11, 18/11/2013

Nhằm góp phần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế cũng như khả năng cạnh tranh và chất lượng hàng hóa thông qua việc xác lập, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ, bảo hộ sản phẩm hàng hóa và định hướng người tiêu dùng sử dụng những sản phẩm có chất lượng, Sở KH và CN đã triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011-2015. Chương trình bao gồm các nội dung: Tuyên truyền, đào tạo, hỗ trợ quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ (SHTT); Hỗ trợ xác lập, khai thác, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, hỗ trợ khai thác và áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; Hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu và khai thác thông tin khoa học công nghệ (KHCN) và SHTT phục vụ nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh; Hỗ trợ triển khai các hoạt động bảo vệ quyền SHTT, ngăn chặn các hành vi xâm phạm, sử dụng trái phép...

Nghề sản xuất nước mắm tại làng nghề Sa Châu, xã Giao Châu (Giao Thủy) cho hiệu quả kinh tế cao sau khi được chứng nhận nhãn hiệu tập thể.
Nghề sản xuất nước mắm tại làng nghề Sa Châu, xã Giao Châu (Giao Thủy) cho hiệu quả kinh tế cao sau khi được chứng nhận nhãn hiệu tập thể.

Triển khai thực hiện chương trình, Sở KH và CN đã tập trung khảo sát thực trạng thực thi SHTT trên địa bàn, thu thập thông tin về nhu cầu và nhận thức của người dân cũng như doanh nghiệp về SHTT để làm căn cứ triển khai các hoạt động hỗ trợ tư vấn, lựa chọn hình thức tuyên truyền phù hợp, đồng thời phối hợp với các huyện, thành phố xác định thông tin về sản phẩm truyền thống của địa phương làm cơ sở xây dựng và đề xuất hỗ trợ phát triển thành sản phẩm chủ lực có giá trị cạnh tranh cao. Trong 3 năm qua, hoạt động thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chính sách pháp luật về SHTT được tăng cường. Sở KH và CN đã phối hợp với Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh xây dựng chuyên mục SHTT; tổ chức 5 lớp đào tạo, tập huấn và 2 buổi hội thảo về SHTT cho 330 doanh nghiệp trên địa bàn; biên soạn 3.000 cuốn sổ tay hướng dẫn đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và sáng chế; 1.000 cuốn đăng bạ Nhãn hiệu cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt, chương trình SHTT đã xây dựng thành công phần mềm cơ sở dữ liệu và khai thác thông tin KHCN và SHTT phục vụ quản lý, nghiên cứu và phát triển tài sản trí tuệ. Trong đó, phần mềm phục vụ khai thác gồm nội dung tích hợp phần mềm tra cứu trực tuyến thông tin SHTT phong phú như: các văn bản pháp lý về SHTT; hướng dẫn đăng ký quyền SHTT; danh mục kho dữ liệu hữu ích thông tin KHCN của Việt Nam và thế giới; cẩm nang hướng dẫn tra cứu thông tin KHCN và SHTT… bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Phần mềm quản lý SHTT giúp cán bộ quản lý tra cứu, nắm bắt thông tin và hệ thống hóa thực trạng sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; thông tin về doanh nghiệp theo các tiêu chí khác nhau: danh sách, tên, địa chỉ, thời gian nộp đơn, thời gian cấp văn bằng, loại SHTT, sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có sản phẩm đã được đăng ký SHTT, đồng thời cung cấp đưa thông tin SHTT đến với doanh nghiệp nhanh chóng và hữu ích nhất. Đây là cơ sở quan trọng giúp người dân và doanh nghiệp nâng cao nhận thức, chủ động đề xuất hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ. Do đó, trong 3 năm qua, công tác hỗ trợ xác lập, khai thác, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ được triển khai mạnh mẽ; trong đó hỗ trợ thiết kế và đăng ký bảo hộ cho 30 nhãn hiệu sản phẩm, 3 kiểu dáng công nghiệp, 1 sáng chế cho các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn. Hỗ trợ tạo lập, quản lý và phát triển 2 nhãn hiệu tập thể, 1 nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm đặc trưng của địa phương có chỉ dẫn địa danh như: Nhãn hiệu tập thể “nước mắm Giao Châu” của xã Giao Châu (Giao Thủy); nhãn hiệu “Vườn quốc gia Xuân Thủy” cho các sản phẩm dịch vụ du lịch của Vườn quốc gia Xuân Thuỷ và nhãn hiệu “Đồ gỗ La Xuyên” dùng cho sản phẩm làm từ gỗ của làng nghề La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên). Hỗ trợ đăng ký bản quyền cho 3 chương trình phần mềm và 8 tổ chức, doanh nghiệp tham gia hội chợ công nghệ nhằm khuyến khích phát triển tài sản trí tuệ, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, công nghệ góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm, dịch vụ trên thị trường. Hầu hết các sản phẩm khi được hỗ trợ bảo hộ đã gia tăng đáng kể giá trị sản phẩm, thu nhập cho người dân và lợi thế cạnh tranh trên thị trường, góp phần phát triển bền vững nông nghiệp của tỉnh. Trong đó nhãn hiệu “Vườn quốc gia Xuân Thủy” cho các sản phẩm dịch vụ của Vườn quốc gia Xuân Thủy vừa được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH và CN) phê duyệt đã tạo ra hướng phát triển mới đối với các sản phẩm dịch vụ, góp phần tạo bước đi vững chắc cho hoạt động bảo tồn, phát huy khu dự trữ sinh quyển nổi tiếng này. Theo đó, chương trình sẽ hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các dịch vụ thuộc Vườn quốc gia Xuân Thủy như dịch vụ du lịch điền dã, khảo nghiệm; các sản phẩm dịch vụ nuôi, trồng tại Vườn... Qua đó góp phần hình thành nên hệ thống sản phẩm có chất lượng và tính ổn định cao và thống nhất việc quản lý chất lượng sản phẩm, đóng góp tích cực cho hoạt động bảo tồn Vườn quốc gia và bảo đảm sinh kế của cộng đồng. Bên cạnh công tác tuyên truyền, chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ còn tiến hành các hoạt động hỗ trợ bảo vệ quyền SHTT nhằm ngăn chặn các hành vi xâm phạm và sử dụng trái phép quyền SHTT. Sở KH và CN đã phối hợp với Sở Công thương, Công an tỉnh tổ chức thanh tra việc thực hiện các quy định của Nhà nước trong việc chống hàng giả, hàng nhái, chống sử dụng trái phép các quyền SHTT tại 25 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua thanh tra, kiểm tra, đoàn công tác đã chỉ ra những vi phạm trong việc thực thi quyền SHTT và những sơ hở của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện bảo vệ quyền SHTT cho sản phẩm của mình, đồng thời khuyến cáo với cơ quan quản lý Nhà nước về thực trạng thực thi quyền SHTT tại các doanh nghiệp, làm căn cứ xác định nhiệm vụ hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ trong thời gian tới.

Bằng những biện pháp đồng bộ, chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ do Sở KH và CN chủ trì thực hiện đã góp phần nâng tổng số đơn đăng ký xác lập, bảo hộ nhãn hiệu, quyền SHTT của tỉnh lên hơn 1.500 nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp cho các sản phẩm địa phương, cao hơn gần 2 lần so với giai đoạn 1996-2012. Các sản phẩm đặc trưng của tỉnh cũng dần được định hình theo chuỗi kết nối các hộ nông dân từ hoạt động sản xuất đơn lẻ thành mô hình tập trung, thống nhất về chất lượng, mẫu mã, giá thành và quy chế phát triển tên sản phẩm trên thị trường. Thời gian tới, Sở KH và CN tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, tuyển chọn nhiệm vụ hỗ trợ tạo lập tài sản trí tuệ; trong đó tập trung vào việc hỗ trợ xây dựng và tổ chức hoạt động SHTT trong các trường đại học và hỗ trợ khai thác, áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất, kinh doanh./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com