An toàn vệ sinh lao động trong sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn

09:11, 22/11/2013

Tỉnh ta là tỉnh trọng điểm và có truyền thống thâm canh lúa của đồng bằng sông Hồng với diện tích đất lúa hơn 75 nghìn ha, sản lượng lúa hằng năm đạt trên 900 nghìn tấn. Ngoài ra, còn có các loại nông sản khác như: cà chua, khoai tây, lạc, dưa chuột... Sản lượng cây có củ thường đạt khoảng 35,5 nghìn tấn, sản lượng cây có hạt đạt trên 27,4 nghìn tấn, sản lượng rau các loại xấp xỉ 3,7 nghìn tấn. Hiện tỉnh có 36 làng nghề, 29 làng nghề truyền thống và khoảng 135 nghìn lao động làm việc trong các ngành nghề nông thôn. Những năm gần đây, tốc độ cơ giới hóa nông nghiệp tăng nhanh, với tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đạt 85%, khâu gieo cấy đảm bảo 100%; khâu thu hoạch đã đáp ứng được 15% diện tích. Việc đưa vào sử dụng máy móc và các sản phẩm hóa chất, thuốc BVTV… đã mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn, góp phần cải thiện đời sống nhân dân. Mức độ cơ giới hóa trong các khâu sản xuất của ngành nghề nông thôn chiếm 30-80% như ở các làng nghề cơ khí; việc sử dụng các loại hóa chất ở các làng nghề tre nứa ghép, sơn mài, chế biến gỗ… diễn ra thường xuyên.

Tuy nhiên, với việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật theo kiểu tự phát trong sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn hiện đã khiến người nông dân phải đối mặt với nhiều nguy cơ rủi ro về an toàn vệ sinh lao động ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng lao động. Việc sử dụng các loại hóa chất, phân bón, thuốc trừ sâu, sử dụng điện và máy móc… một cách tuỳ tiện, trong quá trình sản xuất đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Khi lao động nông nghiệp bị tai nạn, do không có bảo hiểm họ vừa mất đi thu nhập, vừa đẩy kinh tế gia đình vào hoàn cảnh khó khăn do không còn khả năng lao động và vô hình chung đã góp phần làm gia tăng tỷ lệ đói nghèo ở nông thôn. Hiện nay đa phần lao động trong ngành nông nghiệp và các ngành nghề nông thôn “hổng” kiến thức, kỹ năng sử dụng máy móc và hóa chất. Phần lớn họ sử dụng các loại máy nông nghiệp một cách thụ động, máy móc, “học lỏm”, do vậy dễ xảy ra những tai nạn. Mặt khác, với thói quen tâm lý đơn giản hóa trong lao động đã hạn chế người nông dân tiếp xúc với những kiến thức chuyên môn và ATVSLĐ. Đơn cử như khi phun thuốc trừ sâu, người lao động thường bỏ qua công tác bảo hộ như không dùng khẩu trang, găng tay, ủng bảo hộ... Nhiều trường hợp để thuốc trừ sâu ngay cạnh khu sinh hoạt của gia đình mà không được bảo quản một cách cẩn thận. Một số thói quen bất cẩn trong sinh hoạt và lao động của nông dân hết sức nguy hiểm nhưng lại khá phổ biến như: trường hợp nông dân đang pha chế thuốc sâu cũng nghỉ tay châm thuốc để hút, hoặc dùng tay lau mồ hôi trên mặt, thậm chí ăn uống trong quá trình pha chế thuốc. Bên cạnh đó, do nhận thức hạn chế và chạy theo lợi nhuận, một số hộ nông dân đã lạm dụng việc sử dụng thuốc BVTV, không tuân thủ theo hướng dẫn, thời gian cách ly…, làm cho tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ATVSLĐ ngày càng tăng. Về lâu dài, chính người nông dân sẽ phải đối mặt với những ảnh hưởng về sức khỏe do sử dụng các loại hóa chất, phân bón, thuốc trừ sâu, sử dụng điện và máy móc thiếu an toàn.

Sử dụng máy móc trong sản xuất nông nghiệp cần phải đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (Trong ảnh: cơ giới hóa khâu làm đất tại xã Liêm Hải, Trực Ninh).
Sử dụng máy móc trong sản xuất nông nghiệp cần phải đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (Trong ảnh: cơ giới hóa khâu làm đất tại xã Liêm Hải, Trực Ninh).

Để hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn lao động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và các ngành nghề nông thôn, bảo đảm ATVSLĐ, hằng năm, Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN và PTNT) mở các lớp tập huấn để trang bị các kiến thức về ATVSLĐ trong sản xuất nông nghiệp để bà con nông dân có thể tự cải thiện điều kiện lao động, tự bảo vệ mình khỏi tai nạn và bệnh tật trong quá trình lao động. Trong tháng 10-2013, Chi cục Phát triển nông thôn đã phối hợp với Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN và PTNT) tổ chức 2 đợt huấn luyện về ATVSLĐ trong sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn cho 100 nông dân trong tỉnh. Tại các đợt tập huấn, các học viên được trang bị kiến thức về các biện pháp đảm bảo an toàn trong sử dụng máy kéo, máy làm đất, máy gieo trồng, chăm sóc và bảo vệ cây trồng, máy thu hoạch và vận chuyển nông sản; một số loại máy tĩnh tại như: máy đập lúa, máy xay xát gạo, máy bơm nước, máy nghiền, trộn thức ăn gia súc… và các biện pháp xử lý tai nạn lao động trong sử dụng máy nông nghiệp. Ông Triều, nông dân xã Nghĩa Lợi (Nghĩa Hưng) cho biết: “Gia đình tôi mua máy cày Kubota L3408 về phục vụ bà con nông dân trong xã làm đất được gần 2 năm nay. Sau khi mua máy, tôi tự mày mò sử dụng chứ chưa qua lớp đào tạo, tập huấn nào cả. Ban đầu, tôi nghĩ việc vận hành máy chỉ cần nhìn người khác thực hiện là có thể làm theo ngay, chứ không có gì khó khăn. Tuy nhiên, qua tập huấn, tôi đã được trang bị nhiều kiến thức vận hành máy móc và hiểu được tầm quan trọng của việc đảm bảo ATVSLĐ. Chúng tôi mong muốn sẽ được dự các lớp tập huấn để giảm nhẹ, tiến tới hạn chế tai nạn lao động do sử dụng máy móc trong sản xuất nông nghiệp”.

Thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục tăng cường tập huấn, nâng cao kỹ thuật, tay nghề trong việc vận hành máy móc cho người nông dân. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho nông dân sử dụng thuốc BVTV đúng cách, đúng liều lượng, bảo đảm thời gian quy định... Tăng cường rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, để phát triển sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn bền vững, cần triển khai những biện pháp đồng bộ trong nghiên cứu, xây dựng hệ thống pháp luật, lực lượng cán bộ chuyên môn đủ để hướng dẫn nông dân thực hiện những biện pháp bảo đảm ATVSLĐ./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



Tổng hợp tin đăng làm việc mới nhấtTin đăng tuyển dụng việc làm tphcm tại Vieclam24hChuyên giấy vệ sinh cuộn lớn giá rẻ

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com