Thành phố Nam Định nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động

08:10, 11/10/2013

Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh, kinh tế - xã hội của Thành phố Nam Định phát triển ổn định, đời sống của nhân dân ngày một cải thiện. Tuy nhiên, trong công tác giải quyết việc làm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực nội thành, tỷ lệ lao động nông thôn nhàn rỗi ở khu vực ngoại thành còn cao. Thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch chỉ đạo của UBND tỉnh, Thành phố Nam Định đã xây dựng và triển khai Đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động đến năm 2020 với nhiều chương trình, biện pháp hiệu quả.

Tập đoàn Dịch vụ bảo vệ Thắng Lợi tuyển nhân viên tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Nam Định.
Tập đoàn Dịch vụ bảo vệ Thắng Lợi tuyển nhân viên tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Nam Định.

Thành phố đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác đào tạo nghề cho người lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua các cuộc họp tổ dân phố, thôn xóm…, từng bước nâng cao nhận thức của người dân về việc học nghề, có nghề, tạo cơ hội việc làm, nâng cao năng suất, hiệu quả lao động và thu nhập…, thu hút người lao động đăng ký tham gia học nghề, đồng thời tư vấn, hướng dẫn người lao động lựa chọn ngành nghề phù hợp với điều kiện, khả năng của bản thân và yêu cầu của thị trường lao động để sau khi học nghề thuận tiện tìm việc làm. Trên cơ sở yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và kết quả khảo sát nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn cũng như nhu cầu học nghề của người lao động, thành phố đã mở các lớp đào tạo ngành nghề phù hợp; đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn giải quyết việc làm cho người lao động. Từ năm 2012 đến nay, thành phố đã đào tạo nghề cho 736 người, riêng 9 tháng đầu năm 2013 đã đào tạo cho 374 người. Trong đó, đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 là 530 người; hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động hộ cận nghèo, bộ đội xuất ngũ… theo Đề án của thành phố là 206 người (kinh phí mỗi năm 300 triệu đồng). Các ngành nghề đào tạo chủ yếu là: May công nghiệp, trồng cây cảnh, chăn nuôi gia súc, gia cầm, cơ khí… Các lớp dạy nghề do các cơ sở dạy nghề có uy tín thực hiện và được giám sát chặt chẽ. Các học viên sau khi học nghề đều nắm được các kiến thức, kỹ năng nghề cơ bản, đạt yêu cầu và được cấp chứng chỉ, tạo cơ hội việc làm, thu nhập cho người lao động. Tỷ lệ lao động sau đào tạo có việc làm chiếm trên 85%, còn lại một số người đầu tư phát triển kinh tế hộ, áp dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật mới, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Cùng với công tác đào tạo nghề cho người lao động, thành phố đã huy động các nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ người lao động đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, khuyến khích các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động như: cho vay từ Chương trình giải quyết việc làm với số dư đạt hơn 7,2 tỷ đồng, 450 khách hàng còn dư nợ. Tuyên truyền, huy động các doanh nghiệp và người lao động tham gia Sàn Giao dịch việc làm tỉnh để xúc tiến kết nối cung - cầu lao động. Theo thống kê, hằng năm thành phố giải quyết việc làm mới cho trên 3.000 lao động. Từ đầu năm 2013 đến nay, đã có thêm hơn 2.000 lao động có việc làm.

Với sự quan tâm chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của các ngành, đoàn thể và các phường, xã, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động của Thành phố Nam Định đã chuyển biến tích cực. Các chính sách hỗ trợ người lao động được triển khai đồng bộ, hiệu quả, giúp nhiều người lao động có việc làm, bảo đảm thu nhập, cải thiện đời sống; đồng thời từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động ở thành phố còn gặp một số khó khăn. Một số cấp ủy, chính quyền xã, phường chưa thực sự quan tâm đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, thông tin tuyên truyền về công tác này đến người lao động còn chậm. Chất lượng đào tạo nghề còn hạn chế, nhiều người sau khoá học tay nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Công tác giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo chưa bền vững… Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động đến năm 2020, cùng với việc khắc phục những hạn chế, thành phố tiếp tục điều tra nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động và nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, từ đó lựa chọn các nghề phù hợp để đào tạo. Phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền để người lao động thấy rõ lợi ích của việc học nghề. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện kế hoạch dạy nghề. Đẩy mạnh công tác tư vấn nghề, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm mới cho người lao động./.

Bài và ảnh: Minh Tân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com