Tăng cường quản lý hoạt động của các bến bãi kinh doanh VLXD

08:10, 21/10/2013

Theo thống kê của lực lượng cảnh sát đường thuỷ, trên địa bàn tỉnh hiện có 197 bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD) ven sông, tập trung chủ yếu ở 4 tuyến sông lớn gồm: sông Hồng, sông Đáy, sông Ninh Cơ, sông Đào. Theo quy định, các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh bến bãi VLXD phải có giấy phép thành lập bến bãi, mặt bằng sử dụng đất theo quy hoạch; giấy phép đăng ký kinh doanh và giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các bến bãi tập kết, kinh doanh VLXD chưa có đầy đủ các giấy tờ theo quy định. Đồng chí Đoàn Minh Vụ, Trưởng phòng Tài nguyên nước - Khoáng sản - Khí tượng thuỷ văn (Sở TN và MT) cho biết, nhiều bến bãi đã có từ lâu, hình thành tự phát, các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở nhưng các chủ bến bãi đều không làm các thủ tục trên. Nhiều địa phương còn buông lỏng quản lý để các hộ thuê, đấu thầu đất bãi ven sông, ven đê tự ý chuyển đổi mục đích sang làm bãi tập kết, kinh doanh VLXD trái phép. Bên cạnh đó, do nhu cầu về xây dựng cơ sở hạ tầng của các địa phương tăng đột biến dẫn đến tình trạng phát sinh nhanh các bến bãi tập kết, kinh doanh VLXD trái phép và rất khó kiểm soát.

Bãi tập kết kinh doanh vật liệu xây dựng bên bờ sông Ninh Cơ trên địa bàn xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng).
Bãi tập kết kinh doanh vật liệu xây dựng bên bờ sông Ninh Cơ trên địa bàn xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng).

Nhằm chấn chỉnh, tăng cường kiểm soát các bến bãi tập kết, kinh doanh VLXD, ngày 17-5-2013 Sở TN và MT đã thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Qua thanh tra, kiểm tra, đoàn đã phát hiện 58 đơn vị, cá nhân vi phạm việc tổ chức kinh doanh bến bãi VLXD ở 21 xã, phường, thị trấn tại 9 huyện, thành phố. Tổng diện tích của 58 bến bãi tập kết VLXD là 17,3ha, khối lượng VLXD trên bãi gồm: cát vàng (15.190m3), cát sông (21.460m3), đá xây dựng (2.782m3), các vật liệu khác (400m3)… Các lỗi vi phạm chủ yếu gồm: cản trở, vi phạm lưu không hành lang đê điều, hành lang thoát lũ, gây mất an toàn đê, kè; neo đậu tàu thuyền trái phép gây mất ATGT đường thuỷ nội địa; gây ô nhiễm môi trường do hoạt động vận chuyển cát không có che chắn cẩn thận khiến gió phát tán cát, bụi vào khu dân cư; bãi tập kết VLXD vượt quá chiều cao cho phép; các phương tiện chuyên chở VLXD đều quá tải trọng gây sụt, lún, làm hỏng mặt đê, gây mất an toàn về đê điều trong mùa bão, lũ. Phần lớn chủ các bến bãi kinh doanh không ký mua cát trực tiếp tại các mỏ mà tổ chức thu gom từ các phương tiện khai thác cát lậu, tiếp tay cho hoạt động khai thác cát trái phép, nên nguồn gốc xuất xứ loại VLXD này không rõ ràng dẫn đến khó khăn trong kiểm tra trách nhiệm tài chính đối với các khoáng sản như thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường (BVMT)... Chủ bến bãi kinh doanh VLXD vi phạm về quy hoạch sử dụng đất, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép từ thuê đất sản xuất nông nghiệp sang hoạt động kinh doanh VLXD. Các bến bãi hầu hết đều không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đề án, cam kết BVMT. Cụ thể, có 8 tổ chức, cá nhân tự ý chuyển đổi đất nông nghiệp giao ổn định lâu dài sang hoạt động kinh doanh bến bãi; 3 cá nhân tự ý chuyển đổi đất công đấu thầu sang kinh doanh bến bãi VLXD; 8 tổ chức, cá nhân thuê trái phép lại đất của các tổ chức, cá nhân kinh doanh cũ; 3 cá nhân sử dụng đất vườn để lập bến bãi; 6 tổ chức, cá nhân sử dụng đất ở, đất hành lang ven đê để lập bến bãi kinh doanh trái phép. Đối chiếu với Luật BVMT và Luật Đê điều, đã có 49/58 trường hợp vi phạm chưa lập hồ sơ BVMT; 12/58 tổ chức, cá nhân vi phạm hành lang đê; 17 bến, bãi chất tải VLXD quá cao so với quy định; 40/58 tổ chức không có giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa; 57/58 tổ chức, cá nhân không có giấy phép thành lập bến bãi. Toàn bộ 58 đơn vị qua thanh tra, kiểm tra đều chưa xuất trình được chứng từ nộp thuế tài nguyên và phí BVMT đối với khoáng sản (VLXD) đã thu mua. Qua kiểm tra, Sở TN và MT đã ra thông báo kết luận, yêu cầu chủ bến bãi khắc phục, sửa chữa sai phạm về giấy phép, chứng từ thuế, phí BVMT để truy thu và kiến nghị các địa phương kiên quyết xử lý hành chính các trường hợp vi phạm.

Nhằm từng bước ngăn chặn sai phạm, quản lý hoạt động kinh doanh bến bãi VLXD đi vào nền nếp, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, thời gian tới, các ngành chức năng, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh bến bãi VLXD nhận thức đầy đủ các quy định của pháp luật về đất đai, BVMT và tài nguyên khoáng sản; các quy định về hoạt động kinh doanh VLXD, quy định về lập bến bãi, bến thuỷ nội địa bảo đảm kinh doanh theo quy định của pháp luật. Các địa phương khẩn trương rà soát quy hoạch, thực trạng của các bến bãi trên địa bàn quản lý; xem xét bến bãi nào có thể hoạt động, bến bãi nào bắt buộc phải ngừng hoạt động. Lực lượng CSGT đường thuỷ tăng cường kiểm tra các phương tiện thuỷ hoạt động trên sông, nhất là các tàu khai thác cát trái phép. Các sở: NN và PTNT, TN và MT, GTVT thường xuyên phối hợp với UBND các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn kịp thời kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp thành lập bến bãi trái phép, các tổ chức và cá nhân đang sử dụng bến bãi vi phạm pháp luật./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



Giá Jack Daniels nhập khẩu99 mẫu Gạch lát nền đẹp -giá tốt sửa khóa két sắt Quang Huy thiết kế bếp nhà hàng và thi công trọn gói Cho thuê máy photocopy hải phòng Chất lượngcấp chứng chỉ hành nghề tu bổ di tích

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com