Hàng chục năm qua, ông Nguyễn Thanh Bình, cựu Thanh niên xung phong (TNXP) ở Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thuỷ) đã dành nhiều thời gian, công sức đi tìm những đồng chí, đồng đội đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Những chuyến đi của ông nhiều khi kéo dài hàng tuần, thậm chí hàng tháng, lên rừng, vượt đèo, vượt suối với niềm mong mỏi đưa các “đồng đội” về với quê hương.
Ông Nguyễn Thanh Bình (ngoài cùng, bên phải) cùng với các đồng đội thắp hương viếng mộ liệt sĩ Trịnh Thị Mừng - người đồng đội bị thất lạc mộ phần đã được ông tìm thấy và đưa về quê hương năm 1998. |
Năm 1965 khi mới 17 tuổi, ông Bình hăng hái tình nguyện tham gia lực lượng TNXP và được biên chế vào Đại đội 261, Đội N37. Đến tháng 8-1968, ông được cử đi học Trường Đại học Giao thông Vận tải. Ra trường, ông được phân công về Tổng cục Đường sắt và công tác tại Trường Sĩ quan Công binh. Sau đó được điều về Tiểu đoàn Kỹ thuật sửa chữa cơ động của Bộ Tư lệnh Công binh. Năm 1988, sau khi trở về quê hương, trong lòng ông luôn canh cánh về những người đồng đội đã nằm lại chiến trường. Ý nghĩ phải đi tìm mộ những người đồng đội đã nằm xuống tại các chiến trường khi cùng ông chiến đấu luôn thôi thúc ông. Và ông “tay xách, nách mang” gạo, mì tôm, lương khô… để lên đường đi tìm hài cốt đồng đội. Trong suốt thời gian hàng chục năm qua, ông đã xác minh được danh tính, tìm và cất bốc được 7 hài cốt liệt sĩ đưa về với người thân, quê hương. Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình đi tìm đồng đội đã hy sinh, ông Bình cho biết, những người chưa tìm thấy phần mộ, hài cốt phần lớn đều ở các địa bàn có địa hình khó khăn, hiểm trở. Mặt khác, do thời gian đã quá lâu, các ngôi mộ bị xê dịch đi rất nhiều so với những sơ đồ mộ chí mà đồng đội cung cấp. Có ngôi mộ đã bị san phẳng, cuốn trôi; thêm nữa do hồ sơ quy tập của đơn vị và các địa phương không được hoàn chỉnh nên không biết đồng đội hiện đang nằm tại nghĩa trang của xã, huyện, tỉnh nào. Nhiều hài cốt đã được di chuyển trong quá trình xây dựng các công trình KCN, đường giao thông, hồ thuỷ điện… nên quá trình tìm kiếm rất vất vả, khó khăn, nhiều chuyến đi thất bại, trở về tay trắng nhưng ông không nản lòng. Kỷ niệm ông nhớ nhất là chuyến đi tìm liệt sĩ Roãn Thanh Đức, quê xã Giao Hà (Giao Thuỷ). Ông kể: ông Đức hy sinh năm 1966 trong khi đang làm nhiệm vụ trên tuyến lửa 22 thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Đơn vị đã làm lễ truy điệu ông ngay trong đêm tối giữa khu rừng thuộc huyện Cẩm Xuyên. Sau chiến tranh, ông Bình đã về khu rừng xưa tìm mộ ông Đức. Mặc dù việc xác định nơi chôn cất liệt sĩ Đức được ông xác định rất rõ ràng nhưng suốt mấy ngày ròng rã chặt cây, rẽ lối tìm kiếm nhưng không thấy mộ. Sau chuyến đi này, ông Bình và gia đình liệt sĩ Đức đã hỏi thăm tin tức từ những người đồng đội đã từng chiến đấu ở tuyến lửa 22. Thật may, có người đồng đội cho biết hài cốt ông Đức đã được chuyển vào Quảng Bình. Ngày 15-4-1997, ông và gia đình liệt sĩ Đức lại lên đường vào Quảng Bình tiếp tục tìm kiếm. Khi vào tới nơi, ông được biết, mộ ông Đức được đơn vị làm nhiệm vụ quy tập di chuyển ra Km0 tuyến 22 cùng các đồng đội khác thuộc ngã ba Thình Thình, sau đó lại tiếp tục di chuyển qua phía nam của đèo Ngang thuộc địa phận tỉnh Quảng Bình. Sau khi tìm kiếm khắp Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn không có kết quả, ông lại khăn gói ra Thành phố Đồng Hới tìm khắp các nghĩa trang ven Quốc lộ 1. Khi đến Nghĩa trang liệt sĩ thuộc xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch thì trời tối, ông tìm thuê nhà trọ và không ngờ ông đã về lại chính ngôi nhà đã từng cưu mang ông trong thời kỳ chiến tranh. Chính sự gặp gỡ tình cờ ấy đã giúp ông biết được thông tin phần mộ của liệt sĩ Đức. Ngay đêm hôm đó ông và mọi người đã ra nghĩa trang và đã oà lên khi nhìn thấy tấm bia ghi: Liệt sĩ Roãn Thanh Đức, xã Giao Hà, Giao Thuỷ, Nam Định. Năm 2011, ông tiếp tục vào Thành phố Tuy Hoà (Phú Yên), đến Cửa khẩu Prăng (tỉnh Đắc Nông), sang đền Ăng-co-vát (Xiêm Riệp - Căm-pu-chia) để tìm phần mộ của người anh và em trai đã hy sinh tại chiến trường Căm-pu-chia. Kết quả sau cuộc hành trình ấy, ông đã tìm được người em trai Nguyễn Quang Minh hy sinh tại chiến trường Căm-pu-chia và hai người anh là Nguyễn Thế Vân ở Tuy Hoà và Nguyễn Quốc Hương ở Cửa khẩu Prăng…
Âm thầm làm việc nghĩa, dấu chân người cựu TNXP đã đi hầu hết các địa danh ghi dấu thời chiến tranh trên mảnh đất Hà Tĩnh, Quảng Bình. Ông ghi nhớ cả tên và số điện thoại của những người làm công tác quản trang ở các Nghĩa trang liệt sĩ hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. 67 tuổi đời, 47 năm tuổi Đảng, ông Bình vẫn còn nhiều dự định và ý chí quyết tâm đi tìm đồng đội./.
Bài và ảnh: Văn Thứ