Tập trung xử lý các điểm tồn lưu hoá chất bảo vệ thực vật

09:09, 24/09/2013

Hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) có khả năng gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng lâu dài đối với môi trường và sức khỏe con người; làm mất cân bằng sinh thái và suy giảm đa dạng sinh học… nếu sử dụng không đúng cách. Qua kết quả điều tra, khảo sát, trên địa bàn tỉnh có hai điểm tồn dư nhiều hóa chất BVTV là thôn Vạn Diệp, xã Nam Phong (TP Nam Định) và xã Hoành Sơn (Giao Thủy). Đây là những nơi có các kho thuốc BVTV, người dân đang chịu ảnh hưởng nặng nề. Ước tính, khối lượng đất ô nhiễm nặng là 2.400m3 và 2.800m3 đất ô nhiễm nhẹ. Tại điểm tồn lưu xã Hoành Sơn có diện tích vùng ô nhiễm trên 600m2, với khối lượng đất ô nhiễm nặng là 1.600m3 và đất ô nhiễm nhẹ 2.000m3. Điểm tồn lưu trên địa bàn thôn Vạn Diệp, hàm lượng Lindan trong đất vượt từ 16,4-45,3 lần, hàm lượng DDT vượt từ 440,4-536,3 lần so với Quy chuẩn Việt Nam.

Điểm tồn dư nhiều hóa chất BVTV ở thôn Vạn Diệp, xã Nam Phong (TP Nam Định).
Điểm tồn dư nhiều hóa chất BVTV ở thôn Vạn Diệp, xã Nam Phong (TP Nam Định).

Việc xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường do tồn lưu thuốc BVTV rất phức tạp, đòi hỏi có nguồn kinh phí lớn, yêu cầu cao về mặt kỹ thuật. Do kinh phí xử lý các điểm ô nhiễm là rất lớn, kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh không đủ để giải quyết nên UBND tỉnh đề xuất kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương. Theo đó, dự án "Xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu trên địa bàn thôn Vạn Diệp, xã Nam Phong, Thành phố Nam Định” được phê duyệt với tổng mức đầu tư trên 11 tỷ đồng; vị trí xây dựng bể xử lý đất ô nhiễm là khu đất Cống Vó, thuộc địa bàn xóm Nam Hùng 1, thôn Ngô Xá, xã Nam Phong. Dự án xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu trên địa bàn xã Hoành Sơn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mức hỗ trợ 13,44 tỷ đồng theo Quyết định số 512/QĐ-TTg ngày 29-4-2012. Sau khi được phân bổ kinh phí, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN và MT chủ trì phối hợp với UBND huyện Giao Thủy tiến hành thành lập Ban Quản lý dự án; khảo sát, thống nhất vị trí xây dựng bể cô lập, chôn lấp, xử lý khối lượng đất bị ô nhiễm nặng. Qua khảo sát, tỉnh đã thống nhất lựa chọn vị trí xây dựng bể chôn lấp, xử lý khối lượng đất ô nhiễm nặng tại khu vực bãi chôn lấp rác thải xã Bình Hoà (Giao Thủy). Đối với đất ô nhiễm nặng, phương án xử lý là chôn lấp cô lập bằng bê tông kết hợp xử lý hoá học; sử dụng mặt bằng cách xa khu dân cư, lấp đất và đổ lớp bê tông mặt, phủ đất trồng cỏ bên trên. Phương án xử lý ô nhiễm cũng đã được phê duyệt, thống nhất theo hướng bảo đảm đúng quy trình, kỹ thuật; khắc phục tối đa mức độ ô nhiễm. Cụ thể: đối với đất ô nhiễm nhẹ sẽ tiến hành xử lý hoá học kết hợp biện pháp chống thấm tại vùng tồn lưu hoá chất BVTV; sau đó, lấy mẫu kiểm tra đánh giá hiệu quả xử lý và hoàn trả lại mặt bằng. Đối với đất ô nhiễm nặng, áp dụng phương án xử lý là chôn lấp cô lập bằng bê tông (dày 40cm) kết hợp xử lý hóa chất, đồng thời sử dụng mặt bằng cách xa khu dân cư, lấp đất và đổ lớp bê tông mặt, phủ đất trồng cỏ phía trên. Dự kiến, trong năm 2013 tỉnh ta sẽ hoàn thành xử lý cả hai kho hoá chất BVTV tồn dư này. Tuy nhiên, trên thực tế triển khai, ở cả hai kho hoá chất BVTV tồn dư đều phải dừng thi công do có sự bất đồng, phản đối từ người dân sinh sống xung quanh các vị trí xây dựng bể chôn lấp, xử lý khối lượng đất ô nhiễm nặng. Tại dự án xử lý kho hoá chất tồn dư thôn Vạn Diệp, xã Nam Phong, ngay khi đơn vị thi công bắt đầu khởi động dự án vào ngày 8-11-2012 đã vấp phải sự cản trở thi công của nhân dân địa phương. Lý do dẫn đến việc ngăn cản thi công do người dân cho rằng việc chọn khu nghĩa trang thôn Ngô Xá, xã Nam Phong làm địa điểm để xây dựng bể xử lý đất ô nhiễm nặng là không hợp lý. Bên cạnh đó, người dân chưa được chính quyền địa phương cung cấp thông tin về việc triển khai dự án và lo ngại việc xử lý đất ô nhiễm nặng tại đây sẽ tạo nguy cơ ô nhiễm, bệnh tật cho người dân. Tại dự án xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu trên địa bàn xã Hoành Sơn (Giao Thủy) khi đã chôn xong một hố, đang chuẩn bị đổ vào hố thứ hai thì người dân thuộc xóm 8 và xóm 10 xã Bình Hoà ngăn cản, phản đối không cho đơn vị thi công tiếp tục hoàn tất dự án. Do đó hiện nay, cả hai dự án đều dang dở…

Để đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các dự án đúng kế hoạch, hiện các cấp, các ngành chức năng đang tích cực vào cuộc. Sở TN và MT và chính quyền các địa phương triển khai dự án tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ vai trò, lợi ích và khả năng BVMT sau khi thực hiện dự án, tạo sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. Ngoài ra, ngày 8-8-2013, Sở TN và MT đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng TN và MT chủ trì phối hợp với các phòng, ban liên quan và UBND các xã, phường, thị trấn tiến hành rà soát, thống kê và cung cấp thông tin về các điểm ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV trên địa bàn. Trên cơ sở kết quả thống kê của các địa phương, Sở TN và MT sẽ tiến hành rà soát tổng hợp và báo cáo Bộ TN và MT để có phương án, lộ trình xử lý khắc phục cụ thể./.

Bài và ảnh: Thuý Vy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com