Những năm qua, cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta có sự chuyển dịch theo xu hướng tăng dần diện tích các loại cây có giá trị kinh tế, hàng hóa cao. Việc chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống được thực hiện ngày càng rộng rãi và dần trở thành tập quán sản xuất, góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp muốn phát triển hiệu quả, bền vững đòi hỏi phải nâng cao sức cạnh tranh của nông sản hàng hoá. Để thực hiện được vấn đề này, đối với nông nghiệp tỉnh ta việc quy hoạch các vùng sản xuất nông sản hàng hoá tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức, chỉ đạo sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch; áp dụng kỹ thuật, đưa cơ giới hoá vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản trên thị trường là rất cần thiết.
Trong thực tiễn sản xuất, nông dân các địa phương trong tỉnh đã nhanh nhậy nắm bắt cơ hội chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hoá, bước đầu đáp ứng yêu cầu của thị trường. Một số vùng sản xuất hàng hoá đã được hình thành như: Vùng sản xuất khoai tây tập trung ở các xã: Yên Bằng, Yên Cường, Yên Nhân (Ý Yên); Vùng sản xuất rau ở các xã: Giao Phong, Giao Yến (Giao Thủy); Vùng trồng lạc ở các xã: Nam Hùng, Nam Giang (Nam Trực); Vùng hoa cây cảnh ở xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc), xã Điền Xá (Nam Trực)... Việc phát triển các vùng sản xuất nông sản hàng hoá là phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán canh tác ở từng địa phương đã phát huy được lợi thế của từng vùng, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, bước đầu hình thành thị trường tiêu thụ thuận lợi giúp người nông dân yên tâm sản xuất. Tuy nhiên, hầu hết các vùng này đều hình thành tự phát ở một nhóm hộ sản xuất cùng một loại sản phẩm nên quy mô vùng sản xuất nhỏ, không khai thác hết thế mạnh tiềm năng của địa phương. Do đặc điểm hình thành tự phát mà các vùng sản xuất khó có sự chỉ đạo, tổ chức sản xuất tập trung nên chất lượng sản phẩm thấp và không đồng đều, khó cạnh tranh trên thị trường. Mặt khác, do quy mô vùng nhỏ nên số lượng một loại sản phẩm ở một địa phương nhất định cũng không đủ nhiều để phát triển công nghiệp chế biến. Hệ thống cơ sở hạ tầng ở các vùng sản xuất hàng hoá không đồng bộ nên chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất quy mô lớn, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm khó bảo đảm, ảnh hưởng không nhỏ đến tính cạnh tranh trên thị trường. Đây là điểm yếu lớn, làm giảm tính cạnh tranh của nông sản trên thị trường tiêu thụ và khi tham gia xuất khẩu. Những hạn chế đó phần lớn nguyên nhân do ruộng đất quá manh mún, công tác quy hoạch vùng sản xuất tập trung gặp nhiều khó khăn.
Quy hoạch vùng sản xuất để thuận lợi cho việc cơ giới hóa sản xuất (Trong ảnh: Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp tại xã Bình Minh, huyện Nam Trực). |
Để phát triển nông nghiệp hàng hóa, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) nhằm quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa là hướng đi đúng đắn. Tính đến tháng 7-2013, toàn tỉnh đã có 199/200 xã thực hiện DĐĐT và quy hoạch các vùng sản xuất. Tỉnh đã hoàn thành quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp đến năm 2020. Các địa phương trên cơ sở đặc điểm kinh tế, đất đai xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung phù hợp với tình hình thực tiễn, nhằm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông sản, đáp ứng nhu cầu thị trường. Phát huy lợi thế về nguồn nước, thủy lợi để xây dựng các vùng chuyên canh lúa có năng suất, chất lượng cao, bố trí gọn vùng thuận lợi cho việc cơ giới hóa các khâu canh tác, thu hoạch và ứng dụng đồng bộ các kỹ thuật mới. Theo đó, đất lúa được bố trí theo 2 hướng: sản xuất lúa thâm canh năng suất cao để bảo đảm an ninh lương thực và sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, lúa đặc sản để tăng giá trị sản xuất, hiệu quả kinh tế. Vùng sản xuất lúa năng suất, chất lượng cao được quy hoạch ở các chân ruộng 2 lúa chủ động nước. Vùng lúa đặc sản (nếp cái hoa vàng, tám, dự) trên các chân ruộng thấp trũng thuộc các xã vùng đất 2 lúa tại các huyện: Giao Thủy, Hải Hậu, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Trực Ninh và Nam Trực. Vùng sản xuất một vụ lúa xuân kết hợp với nuôi tôm, cá nước ngọt tập trung ở các diện tích ruộng thấp nhiều, canh tác lúa kém hiệu quả trong vụ mùa ở một số xã thuộc các huyện: Nam Trực, Ý Yên, Vụ Bản, Trực Ninh, Mỹ Lộc. Đẩy mạnh sản xuất cây vụ đông, nhất là sản xuất cây vụ đông trên đất 2 lúa, phấn đấu đạt 25-30% tổng diện tích đất 2 lúa tại tất cả các huyện, thành phố. Hình thành vùng sản xuất rau màu hàng hóa tập trung với các cây trồng có giá trị và hiệu quả kinh tế cao như khoai tây, cà chua, rau các loại… Vùng sản xuất cây đậu tương tập trung ở các huyện: Ý Yên, Hải Hậu, Vụ Bản, Nghĩa Hưng, Nam Trực, Giao Thủy và Trực Ninh. Vùng sản xuất lạc vụ xuân và hè thu, khoai tây thương phẩm vụ đông và khoai tây giống vụ xuân tập trung ở các xã vùng màu thuộc các huyện: Ý Yên, Nam Trực, Vụ Bản, Giao Thủy và các xã có vùng bãi bồi ven đê sông Hồng, sông Đào, sông Đáy. Trong đó, cây lạc và cây đậu tương là 2 loại cây công nghiệp ngắn ngày có hiệu quả kinh tế khá, thị trường tiêu thụ thuận lợi và có tác dụng cải tạo đất tốt. Cây khoai tây tập trung phát triển sản xuất theo 2 hướng: Một là khoai tây phục vụ thị trường ăn tươi trong nước và xuất khẩu, hai là phục vụ thị trường chế biến. Tăng cường sử dụng các giống khoai tây chất lượng, năng suất cao được chọn tạo từ các nước Hà Lan, Đức, Úc… áp dụng quy trình thâm canh tiên tiến để nâng cao năng suất và sản lượng. Để chủ động được nguồn giống khoai tây chất lượng, sạch bệnh phục vụ cho sản xuất đại trà, UBND tỉnh đã quy hoạch vùng sản xuất giống và khuyến khích phát triển hệ thống kho lạnh bảo quản khoai tây giống tại các vùng chuyên sản xuất khoai tây như các xã: Yên Đồng, Yên Cường, Yên Nhân, Yên Thắng, Yên Dương (Ý Yên); Nam Hùng, Nam Hoa, Nam Giang (Nam Trực); Thành Lợi, Trung Thành, Liên Bảo (Vụ Bản); Giao Phong, Giao Thịnh (Giao Thủy)… Căn cứ vào nhu cầu thị trường, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2015 có 20 nghìn ha gieo trồng các loại rau quả thực phẩm, tập trung mở rộng sản xuất rau ở những nơi có điều kiện. Vùng sản xuất rau chuyên canh tập trung ở các chân đất cao, pha cát ở các huyện: Ý Yên, Vụ Bản… và chân ruộng cao, đất thịt nhẹ trồng 2 lúa thuộc các huyện: Nam Trực, Trực Ninh, Hải Hậu, Xuân Trường… Việc phát triển các vùng cây rau, quả làm nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu phải gắn với các nhà máy, đơn vị chế biến xuất khẩu. Theo đó, vùng trồng cà chua (tập trung ở Hải Tây, Hải Xuân, Nghĩa Hồng, Nghĩa Bình…); cải dầu vụ đông (Hải Tân, Hải Lộc, Hải Hà…); dưa chuột vụ đông (Minh Thuận, Minh Tân, Nghĩa Sơn); ngô ngọt vụ đông (Yên Cường, Yên Lộc, Trung Thành, Kim Thái); bí xanh ở các vùng sản xuất vụ đông trên đất 2 lúa ở các huyện, thành phố. Sản xuất rau an toàn áp dụng quy trình VietGAP tập trung ở các xã có truyền thống làm rau màu và thuận lợi nguồn nước như Giao Phong, Hải Tây, Thịnh Long, Nam Dương, Nam Hoa, Thành Lợi, Mỹ Tân… Bên cạnh việc quy hoạch các vùng sản xuất nông sản hàng hóa, tỉnh còn xây dựng quy hoạch phát triển các làng nghề hoa cây cảnh hàng hóa tập trung, vùng cây ăn quả và vùng sản xuất giống cho cây hằng năm. Quy hoạch và đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống thủy lợi nội đồng đáp ứng yêu cầu tưới tiêu cho từng loại cây trồng, trong đó ưu tiên vùng sản xuất vụ đông trên đất 2 lúa. Trong sản xuất vụ đông năm 2013, các xã, thị trấn căn cứ quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương, lựa chọn các cánh đồng 2 lúa có điều kiện để xây dựng thành các vùng sản xuất vụ đông tập trung ở từng thôn, xóm. Vùng vụ đông tập trung phải đảm bảo quy mô từ 3ha trở lên, gọn ô thửa, thuận lợi tưới tiêu. Theo kế hoạch sản xuất vụ đông năm 2013, toàn tỉnh xây dựng 60 mô hình sản xuất rau "cánh đồng mẫu lớn" tập trung ở một số vùng nguyên liệu được quy hoạch ổn định ở các huyện, thành phố. Cụ thể: vùng nguyên liệu cà chua chế biến xuất khẩu tập trung tại xã Hải Tây (Hải Hậu) và xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng); vùng nguyên liệu dưa chuột xuất khẩu tập trung tại các xã Nghĩa Hồng, Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) và Trực Thái, Trực Đại (Trực Ninh); vùng nguyên liệu khoai tây chất lượng cao tập trung tại Nam Hùng, Nam Giang (Nam Trực), Thành Lợi, Bảo Xuyên, Liên Bảo (Vụ Bản), Yên Đồng, Yên Cường, Yên Nhân (Ý Yên), Giao Phong, Giao Thịnh, Giao Yến (Giao Thủy); vùng nguyên liệu đậu tương, ngô ở cả 10 huyện, thành phố. Cũng trong vụ đông này, Sở NN và PTNT sẽ lựa chọn, quy hoạch 10 vùng đủ điều kiện để sản xuất rau quả an toàn VietGAP ở 10 huyện, thành phố.
Thời gian tới, để xây dựng các vùng sản xuất nông sản hàng hóa mang tính ổn định, bền vững, các ngành chức năng, các địa phương cần tập trung giải quyết đồng bộ các vấn đề: thị trường tiêu thụ, vần đề vốn đầu tư cho sản xuất, đầu tư hạ tầng cơ sở, đào tạo nâng cao trình độ kỹ thuật cho nông dân, đẩy mạnh cơ giới hóa vào các khâu trong quá trình sản xuất, áp dụng thành tựu tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất… Đây là giải pháp cơ bản để tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho nông sản hàng hóa; từng bước xây dựng thương hiệu cho từng loại sản phẩm nông sản; đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, xuất khẩu để thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm nông sản với giá trị gia tăng cao trong tỉnh./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh