Qua 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số ở tỉnh ta

08:09, 04/09/2013

Qua 10 năm tổ chức triển khai thực hiện Pháp lệnh Dân số, công tác dân số - KHHGĐ ở tỉnh ta đã có những chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.

Để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia dân số - KHHGĐ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, cụ thể hóa các quy định của Pháp lệnh Dân số. Các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức quán triệt những nội dung cơ bản của Pháp lệnh Dân số và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực dân số, các kiến thức, kỹ năng CSSKSS - KHHGĐ được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng dân cư thông qua các cơ quan truyền thông đại chúng của tỉnh và hệ thống truyền thanh cơ sở. Nhiều hình thức truyền thông phù hợp với từng địa bàn, nhóm đối tượng được triển khai thực hiện như: Tư vấn nhóm nhỏ, nói chuyện chuyên đề, tư vấn trực tiếp… được ưu tiên triển khai tại các xã vùng xa trung tâm, vùng khó khăn, vùng có đông đồng bào theo đạo Thiên chúa và vùng biển nên đã đạt hiệu quả nâng cao nhận thức làm chuyển biến hành vi trong công tác dân số - KHHGĐ. Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, Trung tâm Dân số - KHHGĐ các huyện, thành phố còn phối hợp tuyên truyền các hoạt động về dân số gắn với chương trình hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể. Việc tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép đưa dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ đến các xã có mức sinh cao, xã khó khăn được coi là giải pháp quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với việc hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch hằng năm. Trong 10 năm qua, chiến dịch truyền thông lồng ghép đã tổ chức ở gần 900 lượt xã, tuyên truyền cho hơn 300 nghìn lượt phụ nữ các lứa tuổi, các xã vùng khó khăn về công tác dân số; góp phần làm chuyển biến cơ bản về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong việc thực hiện chính sách dân số - KHHGĐ. Các địa phương trong tỉnh cũng đã tổ chức triển khai nghiêm túc các chế độ, chính sách khuyến khích những đối tượng thực hiện tốt chính sách dân số; đồng thời có nhiều biện pháp xử lý các trường hợp vi phạm chính sách dân số. Trong 10 năm qua, toàn tỉnh có hàng trăm thôn, xóm, tổ dân phố duy trì thành tích 10 năm liên tục không có người sinh con thứ 3 trở lên. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường. Sở Y tế, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, các ngành thành viên và các huyện, thành phố đã thành lập các đoàn công tác giám sát liên ngành thường xuyên kiểm tra hoạt động công tác dân số - KHHGĐ cũng như tình hình triển khai Pháp lệnh Dân số và các văn bản pháp luật liên quan tại cơ sở. Hằng năm, có 100% số huyện, thành phố và 50% số xã được kiểm tra.

Cán bộ chuyên trách dân số phường Ngô Quyền (TP Nam Định) tuyên truyền về dân số - KHHGĐ trực tiếp đến người dân.
Cán bộ chuyên trách dân số phường Ngô Quyền (TP Nam Định) tuyên truyền về dân số - KHHGĐ trực tiếp đến người dân.

Do làm tốt công tác giám sát đã kịp thời phát hiện, tháo gỡ những khó khăn và có những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế. Nhờ huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc nên sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số, tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong 9 năm (2003-2011) bình quân mỗi năm tỷ suất sinh giảm 0,2 phần nghìn. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên mỗi năm giảm 0,11%. Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi năm 2003 là 25,16 phần nghìn đã giảm xuống còn 10 phần nghìn vào năm 2012. Chất lượng dân số từng bước được cải thiện. Các quy định về trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan… trong Pháp lệnh Dân số được phát huy tốt ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Nhiều cấp ủy, chính quyền cơ sở đã quan tâm đầu tư kinh phí cho công tác dân số. Nghĩa vụ của công dân quy định trong Pháp lệnh Dân số được nhân dân chấp hành. Mục tiêu mỗi cặp vợ chồng có 1 hoặc 2 con đã được số đông các cặp vợ chồng, nhất là các cặp vợ chồng trẻ thực hiện. Vì vậy, tốc độ tăng quy mô dân số hằng năm đã được kiềm chế chậm lại; một số xã dân số gần như ổn định. Trong 10 năm qua, với sức ép lớn về thực hiện các chỉ tiêu giảm sinh nhưng tỉnh ta chưa để xảy ra trường hợp nào bị bắt buộc thực hiện KHHGĐ vì sinh quá nhiều. Tỷ lệ các cặp vợ chồng tự nguyện thực hiện KHHGĐ bằng các biện pháp tránh thai hiện đại ngày càng tăng. Nam Định là một trong số ít các địa phương trong cả nước sớm đạt được mức sinh thay thế từ năm 2002. Tỉnh ta cũng đã tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện các chính sách về dân số để ổn định quy mô dân số, cân bằng tỷ lệ giới tính khi sinh và nâng cao chất lượng dân số. Là tỉnh nông nghiệp, các điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn khó khăn, mức sinh lớn nên việc ổn định quy mô dân số, cụ thể là ngăn chặn và đẩy lùi tối đa tình trạng sinh con thứ 3 trở lên luôn được đặt ra. Tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị "vào cuộc" thực hiện các chỉ tiêu công tác dân số - KHHGĐ. Chất lượng dân số trong những năm qua được quan tâm bằng việc triển khai nhiều mô hình, đề án, chương trình nâng cao chất lượng dân số như: sàng lọc trước sinh và sơ sinh, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng, tư vấn và CSSKSS cho vị thành niên, thanh niên, kiểm soát và nâng cao chất lượng dân số vùng biển và ven biển.

Tuy nhiên, năm 2012, do nhiều nguyên nhân nên mức sinh tăng đột biến 2,5 phần nghìn, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tăng 3,45% so với năm 2011, ảnh hưởng không tốt tới kết quả giảm sinh của 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số. Bên cạnh đó, công tác dân số - KHHGĐ vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Quy mô dân số của tỉnh lớn thứ 7 trong 63 tỉnh, thành phố; mật độ dân cư đông, chất lượng dân số thấp, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh chưa kiểm soát được. Mức độ chuyển đổi hành vi của người dân về dân số - KHHGĐ chưa cao, chưa thật sự bền vững dẫn đến kết quả giảm sinh chưa ổn định, thiếu vững chắc. Tỷ lệ vi phạm Pháp lệnh Dân số bị xử lý so với tổng số vi phạm còn thấp... Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên trước hết là do một số điểm trong Pháp lệnh Dân số chưa rõ ràng, thiếu chặt chẽ. Chẳng hạn tại Điều 4, khoản 2, điểm a của Pháp lệnh quy định “xây dựng quy mô gia đình ít con” đã gây nhiều tranh cãi vì khó xác định chính xác số lượng bao nhiêu là “ít con”. Hay Điều 10, khoản 1, điểm a của Pháp lệnh Dân số quy định “mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có quyền quyết định về thời gian sinh con, số con” khiến người dân dễ suy diễn là Nhà nước cho “đẻ thoải mái” dẫn đến tỷ lệ sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tăng đột biến trong năm 2004, 2005. Việc ban hành các văn bản hướng dẫn cũng chưa kịp thời. Hơn 9 tháng sau khi Pháp lệnh Dân số được ban hành thì mới có Nghị định hướng dẫn thi hành. Trong quá trình tổ chức thực hiện, thực tiễn cho thấy Điều 10 của Pháp lệnh quy định chưa chặt chẽ, cụ thể, nhưng phải gần 6 năm sau mới ban hành được Pháp lệnh số 08/2008 để sửa đổi. Ngoài ra, một số cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở chưa thật sự quan tâm đến công tác dân số - KHHGĐ. Tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” vẫn còn nặng nề ở một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ngân sách của cơ sở eo hẹp nên việc đầu tư nguồn lực tài chính cho công tác dân số - KHHGĐ còn hạn chế. Tổ chức bộ máy không ổn định, đội ngũ cán bộ dân số thường xuyên biến động; trình độ năng lực cán bộ, đặc biệt là tuyến cơ sở chưa đáp ứng được so với yêu cầu, nhiệm vụ. Các hình thức tuyên truyền chưa đa dạng, phong phú… Trước diễn biến mới của công tác dân số - KHHGĐ và những yêu cầu của thực tiễn cho thấy cần ban hành Luật Dân số thay thế cho Pháp lệnh Dân số. Có chính sách an sinh cho những cặp vợ chồng sinh 2 con gái. Tăng cường đầu tư hỗ trợ nguồn lực cho công tác dân số; thường xuyên chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nâng cao năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ y tế, dân số các cấp. Quan tâm đến chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ dân số, nhất là cấp cơ sở; tăng mức đầu tư ngân sách cho công tác dân số - KHHGĐ./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com