Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ học sinh, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, những năm qua, các ngành thành viên Ban Chỉ đạo chương trình y tế trường học tỉnh; đặc biệt là ngành Y tế, ngành GD và ĐT đã nỗ lực triển khai các hoạt động y tế trường học (YTTH). Bên cạnh các hoạt động như: công tác nha học đường phòng, chống các bệnh về răng miệng cho học sinh khối tiểu học và THCS; thí điểm thực hiện quản lý tật khúc xạ học đường tại một số trường; nhiều trường còn làm tốt công tác vệ sinh trường học và quản lý sức khoẻ học sinh bao gồm quản lý các yếu tố nguy cơ đến tình trạng sức khoẻ của các em (như điều kiện học tập, nước sạch và VSMT, VSATTP...); tổ chức khám sàng lọc, phân loại tình trạng sức khoẻ, phát hiện đưa vào diện quản lý các bệnh cong vẹo cột sống, tim mạch, rối loạn tâm thần, suy dinh dưỡng... Để bảo đảm các hoạt động YTTH đạt kết quả, Ban Chỉ đạo Chương trình YTTH ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) đã được thành lập. Hằng năm, Ban Chỉ đạo YTTH tỉnh đã cấp sổ YTTH cho tất cả các trường phổ thông. Các nhà trường đều có hồ sơ lưu trữ tình trạng sức khoẻ học sinh, bố trí phòng y tế trang thiết bị cho phòng YTTH... Công tác YTTH của tỉnh đã được triển khai từ nhiều năm nên các hoạt động đã đi vào nề nếp. Diện bao phủ công tác YTTH rộng trên quy mô toàn tỉnh. Các huyện, thành phố trong tỉnh đã chủ động bố trí cán bộ định biên thực hiện công tác YTTH nhằm đạt hiệu quả cao, đặc biệt công tác nha học đường. Trong nhiều năm qua, tỷ lệ các bệnh răng miệng của học sinh ở tỉnh ta thấp hơn so với tỷ lệ chung của toàn quốc.
Các cháu Trường Mầm non Nam Mỹ (Nam Trực) với trò chơi dân gian. |
Tuy nhiên, hiện nay công tác YTTH ở nhiều địa phương, đơn vị trong tỉnh cũng còn nhiều bất cập. Ở nhiều huyện sự phối hợp triển khai, thực hiện, kiểm tra giám sát các hoạt động YTTH giữa ngành GD và ĐT với ngành Y tế và các ngành chức năng chưa chặt chẽ dẫn đến hoạt động YTTH còn gặp nhiều khó khăn. Về lực lượng cán bộ y tế trường học, hiện toàn tỉnh có 510 cán bộ phụ trách công tác YTTH (trong đó 13 người có trình độ cao đẳng, 497 người có trình độ trung cấp) trên tổng số 873 trường học. Số cán bộ YTTH phần lớn kiêm nhiệm nhiều việc, tập trung nhiều cho hoạt động chuyên môn khác nên công tác YTTH tại nhiều trường chưa được quan tâm; có địa phương cán bộ y tế phụ trách ở cả bậc mầm non, tiểu học, THCS. Ngoài ra trình độ, năng lực chuyên môn của một số cán bộ YTTH còn hạn chế. Về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác YTTH, hiện tại nhiều trường chưa bố trí riêng phòng y tế mà sử dụng ghép với phòng chức năng khác. Tại một số trường mặc dù có trang bị tủ thuốc nhưng số lượng thuốc chưa đủ theo danh mục thuốc thiết yếu dùng trong phòng y tế học đường. Công tác thường trực (24/24 giờ theo quy định) của cán bộ YTTH đối với trường nội trú, bán trú chưa được đảm bảo. Hiện tại, các nhà trường đều có đủ phòng học, có nước uống cho học sinh đạt yêu cầu hằng ngày. Tuy nhiên, ánh sáng nhân tạo ở hầu hết các nhà trường còn thiếu, số lượng bóng đèn chỉ đạt 50% so với tiêu chuẩn quy định về vệ sinh trường học. Bên cạnh đó, kích thước bàn ghế của nhiều trường chưa phù hợp. Về kinh phí thực hiện công tác YTTH, từ năm học 2009-2010 trở về trước, thông qua xã hội hoá y tế, giáo dục, Ban Chỉ đạo chương trình YTTH tỉnh được thu 2.000 đồng/học sinh/1 năm để trang trải cho việc tổ chức mua thuốc, trang thiết bị y tế cấp cho các trường. Tuy nhiên, từ năm học 2010-2011 đến nay hầu như không thu từ nguồn kinh phí đó nữa mà kinh phí cho hoạt động YTTH được quy định trích từ nguồn BHYT của học sinh, nhưng việc trích 30% kinh phí từ nguồn BHYT học sinh, sinh viên để phục vụ công tác YTTH hiện tại chưa thực hiện được do chưa có văn bản hướng dẫn thống nhất của tỉnh và của các ngành liên quan nên nhiều trường lúng túng trong sử dụng kinh phí, gây khó khăn cho hoạt động YTTH… Hiện nay công tác YTTH mới chỉ tập trung vào chương trình nha học đường, công tác quản lý sức khoẻ toàn diện của học sinh chưa đồng bộ tại thành phố và các huyện; công tác vệ sinh trường học còn khó khăn do chưa có sự đầu tư đầy đủ và sự phối hợp giữa các ngành trong việc thực hiện các quy định về tiêu chuẩn vệ sinh trường học. Tỷ lệ tật khúc xạ của học sinh còn cao, cán bộ YTTH phần lớn kiêm nhiệm nên không thể dành hết thời gian cho hoạt động YTTH, chưa tiếp cận được đầy đủ hệ thống văn bản hướng dẫn nên không xác định được nhiệm vụ thực hiện công tác YTTH. Một số cán bộ YTTH do mới được tuyển dụng, chưa được tập huấn về chuyên môn nên hiệu quả công tác điều trị còn hạn chế. Trang thiết bị phục vụ cho công tác YTTH tại các trường đã sử dụng nhiều năm chưa được thay thế nên cũ, hỏng nhiều.
Với những khó khăn, bất cập của công tác YTTH, rất cần sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh và sự phối hợp của các ngành thành viên Ban Chỉ đạo chương trình YTTH tỉnh trong việc triển khai các hoạt động. Bên cạnh đó, cần bổ sung nguồn nhân lực thực hiện công tác YTTH, đồng thời có chính sách ưu đãi đội ngũ cán bộ YTTH. Tăng cường công tác tập huấn, huấn luyện cho cán bộ mới tuyển dụng, cung cấp đủ tài liệu để thực hiện công tác YTTH. Tỉnh cần có văn bản hướng dẫn sử dụng kinh phí hoạt động YTTH trích từ nguồn BHYT học sinh và các nguồn khác. Ban Chỉ đạo YTTH ở cả 3 cấp cần được củng cố, hằng năm cần duy trì tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động, rút kinh nghiệm để triển khai chương trình YTTH trong những năm học tiếp theo./.
Bài và ảnh: Minh Thuận