Khắc phục khó khăn trong công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc

08:09, 25/09/2013

Những năm gần đây, tỉnh ta liên tục xuất hiện dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, gây thiệt hại cho người chăn nuôi nói riêng và ngành chăn nuôi nói chung. Chỉ riêng dịch tai xanh ở lợn vào đầu năm 2013 đã khiến các địa phương phải tiêu huỷ gần 190 tấn thịt lợn hơi. Mặc dù công tác tiêm phòng vắc xin là một trong những giải pháp tích cực, chủ động và có hiệu quả nhất trong phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, nhưng vẫn chưa được các hộ chăn nuôi thực hiện triệt để. Các đợt tiêm phòng tập trung thường đạt thấp, tiêm phòng bổ sung hằng tháng lại càng thấp mặc dù UBND tỉnh đã cấp không thu tiền đối với vắc xin phòng dịch tả cho đàn lợn. Vụ xuân năm 2012, toàn tỉnh đã tiêm phòng dịch tả và tụ huyết trùng cho 241.736 con lợn, bằng 40,6% kế hoạch; tiêm phòng vụ xuân 2013 mặc dù kế hoạch tiêm chỉ là 270 nghìn con lợn, thấp hơn nhiều so với số lượng đàn thực tế nhưng kết quả tiêm cũng chỉ đạt 89,7% kế hoạch, tiêm vắc xin LMLM cho 28 nghìn con trâu, bò (đạt 33,2% kế hoạch)… Tiêm phòng vắc xin vụ thu đã diễn ra được hơn chục ngày kể từ khi triển khai đồng loạt nhưng đến hết ngày 16-9-2013 toàn tỉnh mới có 182/210 xã, thị trấn triển khai và tiêm vắc xin dịch tả, tụ huyết trùng được 110.057 con lợn, bằng 22,9% kế hoạch; tiêm vắc xin LMLM cho 6.186 con trâu, bò, dê bằng 17,2% kế hoạch và tiêm vắc xin phòng dại cho 30.005 con chó, đạt 1,25% kế hoạch. Theo đánh giá của Chi cục Thú y tỉnh thì tiến độ tiêm rất chậm vì theo kế hoạch đến ngày 15-10-2013 các địa phương phải hoàn thành tiêm phòng vắc xin vụ thu cho đàn vật nuôi.

Tiêm phòng vắc xin vụ thu 2013 ở xã Nghĩa An (Nam Trực).
Tiêm phòng vắc xin vụ thu 2013 ở xã Nghĩa An (Nam Trực).

Để tìm hiểu nguyên nhân tiêm phòng vắc xin vụ thu chậm, chúng tôi đã cùng cán bộ Chi cục Thú y tỉnh về xã Nghĩa An (Nam Trực). Mặc dù đã hẹn trước nhưng tìm mãi chúng tôi mới gặp đoàn tiêm phòng vắc xin duy nhất của xã gồm trưởng Thú y xã Nguyễn Văn Quảng và bác Trần Văn Tần, trưởng xóm 24, thôn Bái Hạ đang tiêm cho đàn lợn 25 con (23 lợn thịt và 2 lợn nái) của gia đình anh Trần Văn Tinh. Đến ngày 16-9, trưởng Thú y xã kết hợp với 7 trưởng xóm tiêm được gần 500 con lợn trên tổng đàn 1.717 con (1.414 con lợn thịt và 303 con lợn nái). Trong 7 xóm đã triển khai, có 20 hộ nuôi nhỏ lẻ (5-6 con/hộ) dứt khoát không tiêm. Bác Trần Văn Tần thật thà: “Có hộ không tiêm thì đóng cổng vắng nhà; có hộ còn nói thẳng là không tiêm vắc xin và họ sẵn sàng “chịu trách nhiệm” khi lợn của họ ốm, bị dịch, có hộ yêu cầu miễn phí thì mới tiêm, thậm chí nói bừa là gia đình đã mua vắc xin tiêm rồi (!)”. Với trưởng Thú y xã, khi được hỏi vì sao không tổ chức các đoàn đi tiêm trong chiến dịch, anh Quảng phàn nàn: “Chúng tôi không huy động được các thú y viên vì họ yêu cầu tiền thù lao 250 nghìn đồng/người/ngày, nếu không thì họ không đi (!). Trong khi xã yêu cầu chỉ được thu của người chăn nuôi tiền công tiêm, bảo quản vắc xin 2 nghìn đồng/con. Với trách nhiệm trưởng Thú y xã tôi cùng các trưởng xóm đến từng hộ nuôi trực tiếp vận động tiêm. Từ nay đến cuối tháng 9 tôi phấn đấu tiêm được 1.500 con trở lên…”. Một mình đi khắp các hộ của 27 xóm để tiêm được 1.500 con lợn cũng không dễ bởi địa bàn xã rộng. Đó là chưa kể chiều tối phải dành thời gian đi tiêm vắc xin LMLM cho đàn trâu, bò. Ngày nắng ráo, các hộ đồng tình còn tiêm được 50-70 con lợn trong 1 ngày, nhưng cũng không hiếm ngày từ sáng tới tối tiêm chưa nổi 10 con; còn thù lao thì hộ thông cảm đưa đủ 2 nghìn đồng/con, nhưng lắm bận tiêm xong 20 con chủ hộ chỉ có 10-15 nghìn đồng cũng phải vui vẻ. Thành thử hiện ở xã có 3 thú y viên cơ sở nhưng không thể huy động được họ đi tiêm vắc xin theo kế hoạch thời vụ.

Không chỉ ở xã Nghĩa An mà nhiều xã trong tỉnh cũng có chung hiện tượng khi tiêm phòng vắc xin. Ở huyện Trực Ninh có cán bộ thú y phàn nàn: “Chủ hộ chăn nuôi giao hẹn, các anh tiêm thì cứ tiêm, gia đình không cấm nhưng nếu xảy ra sự cố gì các anh phải bồi thường(?!). Thực tế, hiện tượng lợn ủ bệnh sẵn hoặc cơ địa phản ứng với vắc xin đâu phải không xảy ra; chẳng may một con lợn tạ đổ bệnh sau khi tiêm thì công cả đợt đi tiêm chắc gì đã đủ để bồi thường. Bởi vậy khi chủ hộ không đồng ý theo cách đó, cán bộ thú y đành phải “cho qua”…”. Đồng chí Lã Viết Hiển, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: "Lợn mắc bệnh tai xanh dẫn đến chết chỉ chiếm trên dưới 10% nhưng nếu bị phối nhiễm với các bệnh “đỏ” khác như tả, tụ huyết trùng… thì tỷ lệ chết rất cao nếu không có phác đồ điều trị đúng, kịp thời. Thực tế trong đợt dịch lợn tai xanh xảy ra hồi đầu năm 2013, các trang trại được tiêm phòng các bệnh “đỏ” đã không bị lây dịch, còn ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, lơ là tiêm phòng vắc xin vụ xuân, lợn đều mắc bệnh rất nặng phải tiêu huỷ nhiều".

Để phòng dịch bệnh phát sinh, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN và PTNT đề nghị các địa phương tập trung cao độ cho việc tiêm phòng vụ thu với chỉ tiêu 100% số gia súc ở diện tiêm phải được tiêm đúng, đủ và tiêm sớm các loại vắc xin. Mặc dù khó khăn, tỉnh vẫn quyết định hỗ trợ 100% vắc xin dịch tả để tiêm phòng cho đàn lợn. Các địa phương tập trung kiện toàn, duy trì Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh gia súc, gia cầm để tổ chức tiêm phòng, đồng thời chuẩn bị đầy đủ các điều kiện triển khai tiêm phòng nhanh, gọn, đúng thời gian, đồng loạt để phát huy hiệu quả của vắc xin. Các địa phương, trực tiếp là trưởng thôn (xóm) thực hiện điều tra nắm chắc số lượng đàn vật nuôi đến từng hộ trước khi tổ chức tiêm; UBND xã, thị trấn kiểm tra nắm chắc tổng đàn theo thống kê của các trưởng thôn, thú y. Ngành NN và PTNT phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể, các ngành, các địa phương tổ chức tuyên truyền về tác hại của dịch bệnh, chủ trương, lợi ích, kế hoạch tiêm phòng và các biện pháp phòng, chống dịch đến tận hộ chăn nuôi; tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình sử dụng vắc xin ở tất cả các khâu: vận chuyển, bảo quản, pha chế, liều lượng, kỹ thuật tiêm và kiểm tra thực hiện. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN và PTNT đã cung ứng đầy đủ vắc xin, dụng cụ, vật tư phục vụ tiêm phòng xuống các địa phương. Nét mới trong đợt tiêm phòng vắc xin lần này là Chi cục Thú y quản lý vắc xin bằng tem nhãn riêng và thu lại kiểm đếm sau khi tiêm xong để tránh hiện tượng quay vòng hoặc buôn, bán, đổi, tráo… để kiếm lời. Nhiều xã, thị trấn đã có chính sách riêng và tổ chức nhiều đoàn đi tiêm trong ngày, có sự giám sát của chính quyền, đoàn thể. Xã Trực Thắng (Trực Ninh) ngoài sử dụng hệ thống truyền thanh thông báo, còn in lịch tiêm phòng, danh sách các hộ có vật nuôi phải tiêm phòng, cam kết tiêm phòng của các hộ… niêm yết tại nhà văn hoá xóm để mọi người cùng thực hiện và giám sát. Đối với các hộ có vật nuôi không tiêm phòng vắc xin (kể cả tiêm phòng bổ sung hằng tháng) khi xảy ra dịch phải tiêu huỷ, không được hỗ trợ.

Với sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương cần phối hợp với ngành chức năng thực hiện đồng bộ các giải pháp để chiến dịch tiêm phòng vắc xin vụ thu 2013 đạt kết quả cao nhất, vì một nền chăn nuôi an toàn dịch bệnh, hiệu quả, bền vững./.

Bài và ảnh: Tất Thắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com