Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp

08:09, 27/09/2013

Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng dịch vụ, quản trị, hoạt động, giảm chi phí, tăng quan hệ và lợi nhuận kinh doanh. Từ nhiều năm nay, tỉnh ta đã thực hiện nhiều chủ trương, biện pháp khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tăng cường sự minh bạch và nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Với quyết tâm phát triển bền vững hệ thống hạ tầng viễn thông, ngày 22-10-2008 UBND tỉnh đã phê duyệt “Quy hoạch phát triển Bưu chính, Viễn thông tỉnh Nam Định giai đoạn 2008-2015, định hướng đến năm 2020”. Theo đó, các doanh nghiệp viễn thông đã tập trung nâng cấp hạ tầng thiết bị CNTT theo phương án kết hợp: giữ nguyên công nghệ hiện tại, từng bước lắp đặt bổ sung thiết bị mới; phát triển, xây dựng mô hình mạng theo hướng hội tụ với truyền thông bằng công nghệ mạng thế hệ mới - NGN (mạng cho phép các nhà khai thác cung cấp các dịch vụ đa dạng với giá thành thấp, giảm thiểu thời gian đưa dịch vụ mới ra thị trường; nâng cao hiệu suất sử dụng truyền dẫn). UBND tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan quản lý Nhà nước tập trung thiết lập và nâng cao chất lượng nội dung thông tin trên các cổng, trang thông tin điện tử. Hiện 100% các ngành, UBND cấp huyện có cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử; trong đó, nhiều trang thông tin điện tử của các sở đạt chất lượng hoạt động và khả năng hỗ trợ cao cho doanh nghiệp như: Trang thông tin điện tử của Thành phố Nam Định, huyện Trực Ninh, Sở NN và PTNT, Cục Thuế tỉnh, Sở KH và ĐT đã bảo đảm thông tin về cơ cấu tổ chức, văn bản pháp luật của ngành. Riêng Cổng thông tin điện tử của tỉnh đã bước đầu thực hiện vai trò là kênh thông tin, góp phần giúp HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo trên các lĩnh vực văn hoá, chính trị xã hội, phát triển kinh tế đến với nhân dân và các doanh nghiệp; cung cấp đến nhân dân các thủ tục hành chính của cả ba cấp tỉnh, huyện, xã, đồng thời liên kết với các trang thông tin điện tử của các huyện, ngành trên toàn tỉnh. Hiện tỉnh ta đã tổ chức được nhiều dịch vụ hành chính công tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, xuất nhập khẩu. Nhiều dịch vụ đã hỗ trợ tích cực cho các hoạt động của doanh nghiệp như: thủ tục cấp giấy phép đăng ký kinh doanh (ĐKKD), giấy phép thành lập văn phòng đại diện, giấy phép thành lập doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài… qua mạng internet của Sở KH và ĐT; thủ tục kê khai thuế điện tử của Cục Thuế tỉnh; thủ tục hải quan điện tử của Chi cục Hải quan Nam Định… Nhờ sự nỗ lực của ngành TT và TT cũng như các ngành hữu quan, đến nay, hạ tầng CNTT của tỉnh đã bảo đảm tốc độ truyền dẫn nhanh, khả năng kết nối và tích hợp lớn. Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào quản lý và hỗ trợ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nói chung và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh nói riêng còn góp phần phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của các cơ quan quản lý Nhà nước, nâng cao tính minh bạch, giảm phiền hà và tiết kiệm chi phí trong việc in ấn văn bản, thời gian gửi - nhận văn bản; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của thể chế hành chính, kết quả nhanh chóng, minh bạch.

Ứng dụng CNTT tại Chi nhánh Ngân hàng NN và PTNT Bắc Nam Định.
Ứng dụng CNTT tại Chi nhánh Ngân hàng NN và PTNT Bắc Nam Định.

Tuy nhiên, theo kết quả phân tích về chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2012 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì tính minh bạch và tiếp cận thông tin của tỉnh ta rất thấp (chỉ đạt mức điểm 4,49, xếp hạng 61/63 tỉnh, thành phố trong cả nước). Nguyên nhân là do nhận thức về tầm quan trọng, lợi ích của việc ứng dụng CNTT trong các doanh nghiệp chưa đầy đủ; điều kiện trang thiết bị CNTT và nguồn nhân lực CNTT còn khó khăn. Trong số gần 4.000 doanh nghiệp của tỉnh, mới có trên 20% doanh nghiệp đã xây dựng website; việc khai thác CNTT của nhiều doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở việc sử dụng website để quảng bá hình ảnh, giới thiệu sản phẩm mà thiếu cập nhật những thông tin mang tính thực tế về chỉ tiêu kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, năng lực cung ứng, phương thức giao dịch nên chưa thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng và các doanh nghiệp khác. Mặt khác người tiêu dùng tra cứu các website của doanh nghiệp như một hình thức tham khảo thị trường chứ chưa nhằm mục tiêu mua, bán qua mạng nên hiệu quả giao dịch thực tế không cao. Bên cạnh đó, dịch vụ công trực tuyến đã được triển khai, nhưng mới dừng lại ở mức độ 1 và 2 (cho phép tìm hiểu đầy đủ các thông tin về quy trình, thủ tục cần thiết; tải các mẫu đơn, hồ sơ để in ra). Chỉ có một số ít đơn vị như: Sở TT và TT, Sở Y tế, Sở KH và ĐT... đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 đối với 13 nhóm dịch vụ công cơ bản gồm: ĐKKD, cấp phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, cấp phép xây dựng…

Để khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành TT và TT cần phát huy hơn nữa việc ứng dụng CNTT trong tái cấu trúc, đổi mới phương thức quản trị doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh, sẵn sàng hội nhập quốc tế. Phấn đấu đến năm 2015, 100% doanh nghiệp lớn, 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia thương mại điện tử; 100% doanh nghiệp sử dụng thư điện tử trong giao dịch, điều hành sản xuất và kinh doanh; 35% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử cập nhật định kỳ thông tin, hoạt động và quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp; 20% doanh nghiệp tham gia các website để giao dịch hàng hóa và các dịch vụ liên quan đến sản xuất của doanh nghiệp; 50% siêu thị, trung tâm mua bán và cơ sở phân phối hiện đại ứng dụng thanh toán không sử dụng tiền mặt; 30% đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán trực tuyến; 20% doanh nghiệp thương mại ứng dụng hình thức thanh toán trực tuyến… Để hỗ trợ cho doanh nghiệp, 100% cổng thông tin, trang thông tin điện tử của các sở, ngành và UBND cấp huyện cung cấp đầy đủ thông tin theo Điều 28 của Luật CNTT, cung cấp dịch vụ công trực tuyến tối thiểu ở mức độ 3. Đến năm 2015, cung cấp trực tuyến mức độ 3 trở lên đối với các dịch vụ: hải quan điện tử, dịch vụ liên quan tới thuế, thủ tục ĐKKD, giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của các chi nhánh, văn phòng đại diện. Hiện tại, Sở TT và TT đang triển khai dự án phát triển toà tháp thông tin 9 tầng tại CCN An Xá trở thành khu CNTT tập trung của tỉnh, bước đầu gia nhập thị trường sản xuất, gia công phần mềm trong nước và thế giới. UBND tỉnh đã hợp tác với UBND Thành phố Hồ Chí Minh trong phát triển CNTT nhằm xây dựng chính quyền điện tử ở 3 cấp: tỉnh, huyện, xã với môi trường làm việc "điện tử hóa" hoàn toàn và ứng dụng CNTT trong các doanh nghiệp. Đồng thời, tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành, các địa phương tập trung thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm: Nâng cao nhận thức, quán triệt quan điểm CNTT là nền tảng của phương thức phát triển mới trong các cấp quản lý, các ngành kinh tế - xã hội, trong mỗi doanh nghiệp và toàn xã hội. Xây dựng hệ thống hạ tầng thông tin theo hướng bảo đảm khả năng kết nối liên thông, đồng bộ, chú trọng công tác an ninh, an toàn và bảo mật thông tin quốc gia. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, làm chủ các bí quyết, giải pháp công nghệ mới; ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực CNTT của từng ngành, lĩnh vực, từng địa phương, doanh nghiệp và của cả quốc gia. Xây dựng cơ chế, chính sách tạo thuận lợi và hiệu quả cao nhất nhằm bảo đảm việc ứng dụng CNTT trở thành một yêu cầu tiên quyết trong mọi ngành, mọi lĩnh vực, mọi công trình, dự án đầu tư trong tiến trình phát triển. Tạo môi trường thuận lợi cho phát triển thị trường CNTT, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và nâng cao năng lực canh tranh vươn ra thị trường nước ngoài. Tăng cường hợp tác quốc tế, huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài để phát triển CNTT. Phát triển và ứng dụng CNTT được coi là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị. Người đứng đầu các cấp, các ngành trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về triển khai ứng dụng CNTT vì mục tiêu phát triển nhanh, bền vững./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com