Chuyện về những người làm công tác truyền thanh cơ sở

09:09, 13/09/2013

Hằng ngày, khi tiếng gà gáy sáng cất vang cũng là lúc nhạc hiệu của Đài Tiếng nói Việt Nam vang lên từ những chiếc loa của Đài truyền thanh xã. Công việc thường nhật của ông Nguyễn Văn Phấn, Trưởng Đài truyền thanh xã Nghĩa Thành (Nghĩa Hưng) là trực, vận hành hệ thống tiếp sóng đài phát thanh 3 cấp và chuẩn bị chương trình cho đài phát thanh xã. Gần 30 năm qua, ông gắn bó với phòng tiếp âm nằm trong khuôn viên trụ sở UBND xã, cùng chiếc máy tăng âm truyền thanh 500W cũng đã có "tuổi thọ” gần 20 năm. Trò chuyện với chúng tôi, ông Phấn bồi hồi nhớ lại những tháng năm gắn bó với nghề. Từ những năm 1980, do có hiểu biết về thiết bị tăng âm, loa đài nên ông Phấn được Đảng ủy, UBND xã phân công làm cán bộ kỹ thuật phụ trách đài truyền thanh của xã. Ngoài việc tiếp sóng, tiếp âm các đài Trung ương, tỉnh, huyện…, ông còn thường xuyên viết tin, bài phản ánh về tình hình hoạt động của Đảng ủy, HĐND, UBND xã, hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể, tình hình an ninh trật tự các thôn, xóm trong xã. Đối với các sự kiện lớn của địa phương ông còn chủ động viết tin, bài gửi Đài Phát thanh huyện. Ngoài ra, ông đảm nhận đều đặn mỗi tháng 1 tin, 2 tháng có 1 trang tin (có 2-3 tin, bài trở lên) phản ánh về tình hình của xã trên sóng của Đài phát thanh huyện. Hằng ngày đều đặn 3 buổi, mỗi buổi 1 giờ (cả tiếp sóng và phát trực tiếp), sáng từ 5 đến 6 giờ, trưa từ 11 đến 12 giờ, chiều từ 5 đến 6 giờ nhân dân trong xã lại nghe tiếng ông "a lô" trên đài truyền thanh xã. Hệ thống Đài truyền thanh xã Nghĩa Thành hiện có 23 loa công cộng, gần 10km đường dây trải đều trên địa bàn 12 xóm. Mọi thông tin hoạt động của địa phương đều được truyền tải trực tiếp đến bà con nhân dân qua hệ thống truyền thanh của xã. Một mình "diễn" cả mấy vai, vừa làm "biên tập", "phát thanh viên", vừa là kỹ thuật viên, nhiều lúc, bà con lại gặp ông trèo cột điện để sửa loa hoặc đường dây đảm bảo thông tin thông suốt, kịp thời.

Cán bộ Đài truyền thanh xã Mỹ Xá (TP Nam Định) chuẩn bị cho một buổi phát sóng.
Cán bộ Đài truyền thanh xã Mỹ Xá (TP Nam Định) chuẩn bị cho một buổi phát sóng.

Ông Nguyễn Văn Ninh, Trưởng Đài truyền thanh xã Giao Thịnh (Giao Thủy) cũng đã có gần 30 năm gắn bó với nghề. Với ông, niềm vui là được cập nhật thông tin, truyền tải nhanh nhất đến nhân dân trong xã. Từ các sự kiện của đất nước như Tết Độc lập 2-9, ngày khai giảng năm học mới, đến ngày hội làng, tình hình sâu bệnh hại lúa, các hội nghị của xã, các xóm, thôn về triển khai vụ đông, tình hình phòng, chống dịch bệnh ở các địa phương… tất cả đều được ông thu thập hoặc phối hợp với cán bộ chuyên môn của xã kịp thời thông tin đến nhân dân. So với các xã, thị trấn trong huyện Giao Thủy, hiện nay máy truyền thanh không dây 30A hiệu Emico của xã Giao Thịnh được coi là hiện đại nhất trong hệ thống đài truyền thanh cấp cơ sở. Tâm sự với chúng tôi, ông Ninh cho biết, những lúc vừa phải thông tin kịp thời tình hình bão lụt của địa phương, vừa phải lo đảm bảo đường dây thông tin thông suốt… quả thật là vất vả! Nhưng vì nhiệm vụ, vì nghề mà mình không nề hà. Nói ông "vì nghề" không quá bởi “phụ cấp cả tháng của trưởng đài không bằng thu nhập một tuần của thợ hồ”. Theo quy định hiện nay, mức phụ cấp trưởng đài là 0,75% mức lương tối thiểu, tức là hơn 860 nghìn đồng/tháng (trước năm 2010 chỉ có 300-500 nghìn đồng/người/tháng); mỗi tin, bài gửi lên Đài phát thanh huyện nếu được phát sóng được trả “nhuận bút” từ 2.000-4.000 đồng/tin, bài; khoảng 20.000 đồng/trang tin; cán bộ kỹ thuật được hưởng 80% mức phụ cấp trưởng đài (hơn 680 nghìn đồng/tháng)… Ngoài mức phụ cấp trên, cán bộ đài truyền thanh cơ sở không được hưởng chế độ nào khác, kể cả BHXH, BHYT. Mặc dù đã nhiều lần kiến nghị với ngành BHXH, cán bộ làm truyền thanh cơ sở sẵn sàng đóng đủ hệ số 30,5% (mức đóng bảo hiểm của người lao động và người sử dụng lao động phải đóng) để sau khi hết tuổi lao động có được khoản lương hưu, nhưng hiện vẫn chưa nhận được câu trả lời từ phía cơ quan chức năng. Khó khăn là thế nhưng đội ngũ cán bộ đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn vẫn bám trụ với nghề. Ông Nguyễn Văn Phấn, Trưởng Đài truyền thanh xã Nghĩa Thành còn cho biết thêm: "Nhiều khi vợ con phát cáu, phát giận vì mình cứ loay hoay viết lách, suốt ngày vắng nhà vì đi lấy thông tin. Giận thì giận nhưng biết mình yêu nghề nên “trời không chịu đất thì đất chịu trời”, luôn vui vẻ làm vợ của anh trưởng đài xã”. Còn theo ông Ninh: “Nhiều khi máy móc hỏng chưa kịp phát, nghe bà con hỏi thăm sao không thấy anh alô gì, thế là vui lắm rồi. Vậy là bà con còn quan tâm và muốn nghe mình nói”.

Hiện nay, trung bình ở mỗi đài truyền thanh xã có 2 cán bộ, gồm 1 trưởng đài có nhiệm vụ thu thập, xử lý thông tin và đọc trực tiếp trên hệ thống loa phát thanh của xã; 1 cán bộ kỹ thuật phụ trách đường dây, máy tăng âm. Ngày nay trước sự bùng nổ của các phương tiện thông tin đại chúng nhưng đài truyền thanh xã là không thể thiếu, vì là kênh thông tin cần thiết thông tin kịp thời các vấn đề về mùa vụ, lịch gieo cấy, lịch phun thuốc phòng trừ sâu bệnh... và là cầu nối trực tiếp giữa Đảng ủy, chính quyền địa phương với nhân dân.

Mặc dù, chế độ đãi ngộ hạn hẹp nhưng với những người làm phát thanh cơ sở, niềm vui lớn nhất là được truyền tải những thông tin tình hình thời sự trong nước, quốc tế và địa phương… đến với bà con nhân dân vào mỗi sớm mai, chiều tối dù “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”./.

Bài và ảnh: Vũ Hoàng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com