Thực hiện pháp luật về viên chức - Kết quả và những vấn đề cần quan tâm

08:08, 12/08/2013

Theo số liệu thống kê của Sở Nội vụ, năm 2012, tổng biên chế toàn tỉnh được giao là 27.890 viên chức. Đến ngày 31-12-2012 có 25.969 biên chế, còn thiếu 1.921 biên chế. Trong tổng số 25.969 viên chức, có 391 người có trình độ trên đại học; 10.733 người có trình độ đại học; phân tích theo tiêu chuẩn, 19,32% viên chức có trình độ chuyên môn trên chuẩn, 75,9% viên chức có trình độ chuyên môn đạt chuẩn. Hầu hết viên chức mới tuyển dụng đều được đào tạo chính quy, chuyên ngành phù hợp với vị trí việc làm. Đội ngũ viên chức của tỉnh cơ bản có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có ý thức, tinh thần trách nhiệm trong công tác được giao.

Cán bộ Sở TN và MT thường xuyên được bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Cán bộ Sở TN và MT thường xuyên được bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Để đạt được kết quả đó, thời gian qua việc triển khai thực hiện pháp luật về viên chức được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cơ quan chức năng tập trung chỉ đạo chặt chẽ trên các mặt công tác. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về viên chức được chú trọng thường xuyên thông qua các kênh thông tin trên trang điện tử, các văn bản hướng dẫn, tổ chức hội nghị tập huấn… Các cơ quan quản lý Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập chủ động phổ biến, quán triệt Luật Viên chức giúp đội ngũ viên chức cập nhật quy định của Nhà nước về quyền và nghĩa vụ của viên chức để chủ động chấp hành. Công tác quản lý Nhà nước đối với viên chức từ trước năm 2011 được thực hiện theo Pháp lệnh Cán bộ, công chức; từ năm 2012 đến nay, áp dụng theo Luật Viên chức và văn bản hướng dẫn dưới luật. Trong đó công tác tuyển dụng hiện đang được tiến hành chủ yếu thông qua hình thức xét tuyển trên cơ sở người dự tuyển đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, được phân cấp với sự hướng dẫn, kiểm tra của Sở Nội vụ. Hai năm qua, toàn tỉnh đã tuyển dụng được 3.221 viên chức, trong đó có 1.110 giáo viên mầm non, về trình độ có 21 thạc sỹ, 983 cử nhân đại học. Việc bố trí, phân công công tác đối với đội ngũ viên chức mới được tuyển dụng phù hợp với trình độ chuyên môn đào tạo và vị trí công việc cần tuyển. Cơ bản đội ngũ viên chức mới được tuyển dụng phát huy tốt khả năng chuyên môn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị. Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức “khuyến khích nhân tài”, tỉnh có chính sách ưu tiên tuyển đặc cách những người tốt nghiệp đại học loại giỏi hệ chính quy, người có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ (trước đó tốt nghiệp đại học cùng chuyên ngành, hệ chính quy tập trung, dài hạn) nên đã thu hút được nhiều người có trình độ, năng lực. Riêng công tác tuyển dụng viên chức có trình độ đại học chính quy ở ngành y tế, đặc biệt là bác sĩ được đào tạo hệ 6 năm do gặp khó khăn về nguồn tuyển, nên tỉnh đã đề ra chính sách đặc cách tuyển dụng và hỗ trợ 15% lương bậc 1. Việc điều động viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập được tiến hành có hiệu quả nhằm tăng cường củng cố đội ngũ, đảm bảo đồng đều về chất lượng nguồn nhân lực giữa các đơn vị, đồng thời phát huy được sở trường trong công tác chuyên môn cho viên chức, nâng cao chất lượng hiệu quả công việc. Trong hai năm 2011 và 2012 đã có 30 viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập được tiếp nhận về làm công chức; 421 trường hợp được điều động nội bộ giữa các sở, ban, ngành, huyện, thành phố theo phân cấp.

Nhằm xây dựng đội ngũ viên chức vững vàng về chính trị, có chuyên môn sâu, công tác đào tạo, bồi dưỡng trong các đơn vị sự nghiệp công lập được các cấp, các ngành quan tâm tạo điều kiện, đồng thời đề ra nhiều giải pháp thiết thực hạn chế tình trạng cử viên chức đi đào tạo tràn lan, không đúng chuyên ngành và không gắn với nhu cầu sử dụng, gây lãng phí. Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành cho 2.841 lượt viên chức, cử 115 viên chức đi đào tạo sau đại học. Công tác đánh giá viên chức định kỳ hằng năm và trước khi tiến hành quy trình bổ nhiệm viên chức quản lý được chỉ đạo thực hiện chặt chẽ theo quy định. Năm 2012, toàn tỉnh có 38,5% trong tổng số 25.969 viên chức được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Định kỳ cuối năm, các cơ quan, đơn vị đều tổ chức bình xét thi đua, xếp loại cán bộ, viên chức nhằm tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua, yêu nước, động viên sự nỗ lực của viên chức. Việc xem xét, xử lý kỷ luật đối với viên chức vi phạm nhìn chung được tiến hành kịp thời, nghiêm minh. Việc chuyển ngạch, nâng ngạch đối với viên chức được thực hiện đúng quy định. Các chế độ, chính sách đối với viên chức được thực hiện kịp thời, góp phần động viên, khuyến khích đội ngũ viên chức yên tâm công tác.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện pháp luật về viên chức ở tỉnh ta vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước về tuyển dụng, sử dụng viên chức ở một số sở, ngành và UBND cấp huyện còn chưa chặt chẽ. Một số đơn vị còn chỉ tiêu biên chế nhưng không xây dựng kế hoạch tuyển dụng, một số đơn vị thông báo tuyển dụng chưa công khai rộng rãi. Trong khi một số ngành, UBND cấp huyện, các đơn vị sự nghiệp công lập lại ký hợp đồng lao động vượt cả chỉ tiêu biên chế của đơn vị. Việc bố trí viên chức ở một số đơn vị chưa hợp lý, chưa đảm bảo cân đối, đặc biệt là đội ngũ giáo viên thuộc UBND các huyện, thành phố quản lý; còn tình trạng thừa giáo viên ở những trường phổ thông khu vực đô thị, cận đô thị nhưng lại thiếu giáo viên ở những trường xa trung tâm. Tình trạng sử dụng biên chế sự nghiệp làm công tác quản lý Nhà nước tại các phòng chuyên môn thuộc lĩnh vực giáo dục, văn hóa thông tin ở cấp huyện vẫn còn khá phổ biến. Vẫn tồn tại một bộ phận viên chức năng lực, trách nhiệm công tác hạn chế, phiền hà, sách nhiễu, không đáp ứng được nhu cầu nhiệm vụ chuyên môn, công tác quản lý, đánh giá, xử lý viên chức yếu kém ở một số đơn vị chưa kiên quyết… Để khắc phục tình trạng này, qua thực tiễn thi hành Luật Viên chức, tỉnh đã đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Viên chức, kịp thời điều chỉnh, bổ sung để giải quyết các vấn đề bất cập từ thực tiễn. Cụ thể như: Nghiên cứu xem xét lại quy định tại Nghị định 29 về điểm kiểm tra, sát hạch trong xét tuyển viên chức được tính hệ số 2 là chưa phù hợp, chưa đánh giá toàn diện kết quả học tập của người dự tuyển, dễ phát sinh tiêu cực, chỉ nên quy định tính điểm hệ số 1 là hợp lý. Quy định chế độ ưu tiên trong tuyển dụng viên chức đối với người dự tuyển thuộc diện chính sách đãi ngộ người có công để nhất quán giữa Luật Viên chức và Luật Cán bộ, công chức. Xây dựng "ngân hàng đề thi" để đảm bảo tính khách quan, công bằng, chất lượng trong công tác tuyển dụng, tránh gây lãng phí trong công tác làm đề thi ở các địa phương. Các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đảm bảo sự thống nhất trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của địa phương. UBND tỉnh tăng cường công tác quản lý Nhà nước về viên chức, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các huyện, thành phố nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật và của tỉnh về viên chức. Quản lý chặt chẽ tổng biên chế viên chức đảm bảo tinh gọn, chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; xử lý nghiêm trách nhiệm đối với người đứng đầu các đơn vị để xảy ra sai phạm. Chủ động ngăn ngừa tiêu cực trong đội ngũ viên chức quản lý và viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập, sớm phát hiện tiêu cực, sai phạm để kịp thời chấn chỉnh, xử lý. Điều chỉnh quy định phân công, phân cấp quản lý tổ chức bộ máy cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh cho phù hợp với các quy định hiện hành; nghiên cứu điều chỉnh độ tuổi bổ nhiệm các chức danh viên chức quản lý phù hợp với quy định của Trung ương. Quy định thời gian công tác của viên chức tạo điều kiện để nhiều viên chức đi học sau đại học nhằm nâng cao trình độ chuyên môn. Tiếp tục triển khai các chính sách ưu đãi, để thu hút người có trình độ vào làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; giám sát chặt chẽ việc tuyển dụng viên chức ở các cấp, các ngành đảm bảo tính công bằng, khách quan, minh bạch. Mở rộng diện tiếp nhận công chức không qua thi tuyển đối với viên chức (theo Nghị định số 24/2010/NĐ-CP) để tăng cường đội ngũ công chức có chuyên môn, đã được rèn luyện qua thực tiễn. Quan tâm tạo điều kiện về cơ sở vật chất, có chế độ chính sách khuyến khích, động viên đội ngũ viên chức phát huy khả năng, yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao./.

Bài và ảnh: Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com