Qua 3 năm thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn

08:08, 23/08/2013

Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (Đề án 1956), ngày 24-6-2010, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Nam Định đến năm 2020”. Qua 3 năm thực hiện Đề án, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cơ sở may công nghiệp của anh Vũ Văn Tới, xóm 3, xã Giao Tiến (Giao Thuỷ) tham gia đào tạo nghề và tạo việc làm cho 50 lao động nông thôn, mức lương bình quân từ 2-2,5 triệu đồng/người/tháng.
Cơ sở may công nghiệp của anh Vũ Văn Tới, xóm 3, xã Giao Tiến (Giao Thuỷ) tham gia đào tạo nghề và tạo việc làm cho 50 lao động nông thôn, mức lương bình quân từ 2-2,5 triệu đồng/người/tháng.

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự đôn đốc, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Đề án tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành liên quan, chính quyền các cấp, sự tham gia tích cực của các đoàn thể, cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp, các hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn được triển khai đúng kế hoạch, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của đề án. Ba năm qua, tỉnh ta đã phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề công lập ở cả 10 huyện, thành phố với 38 cơ sở, quy mô đào tạo đạt 30.200 người/năm, đào tạo ở 3 cấp trình độ (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp). Các cơ sở dạy nghề công lập đã được hỗ trợ 77 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, từng bước nâng cao năng lực đào tạo và chất lượng dạy nghề. Qua 3 năm, toàn tỉnh đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 18.919 lao động, với tổng kinh phí 38,57 tỷ đồng. Trong đó, 15.213 lao động học nghề phi nông nghiệp, 3.706 lao động học nghề nông. Đa số các lao động sau đào tạo đều nắm được kiến thức cơ bản, có khả năng thực hành nghề đào tạo, có thể làm việc trong các doanh nghiệp hoặc tự tạo việc làm. Theo thống kê của Sở LĐ-TB và XH, tỷ lệ người lao động có việc làm sau học nghề theo Đề án 1956 đạt trên 85%, với mức thu nhập 1,8-4 triệu đồng/người/tháng. Tiêu biểu như ông Nguyễn Văn Chiến ở huyện Trực Ninh, năm 2012 được học nghề nuôi cá nước ngọt, ba ba, ếch theo Đề án 1956, sau khi học nghề ông đã áp dụng các kiến thức đã học vào thực tế sản xuất, nhờ đó mức thu nhập của gia đình ngày càng được nâng cao, bình quân khoảng 8 triệu đồng/tháng. Ông Nguyễn Văn Sơn ở huyện Giao Thủy trước khi học nghề chỉ làm ruộng, thu nhập không đủ chi tiêu gia đình, đời sống khó khăn. Sau khi học nghề cơ khí hàn điện tại Trung tâm Dạy nghề Hồng Hà (Giao Thủy) theo Đề án 1956, ông có việc làm và thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/tháng và đã dần ổn định cuộc sống. Các địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ lao động nông thôn sau học nghề từ quy hoạch sản xuất, thu hút các doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, hỗ trợ vốn sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng NTM. Ngoài các chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 của Trung ương và của tỉnh, một số huyện đã trích ngân sách để tổ chức các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn. Huyện Trực Ninh mỗi năm đầu tư 300-500 triệu đồng, các huyện Nam Trực, Vụ Bản mỗi năm đầu tư khoảng 300 triệu đồng để tổ chức dạy nghề, truyền nghề, khôi phục, phát triển nghề trong các làng nghề truyền thống trên địa bàn. Sở Nội vụ phối hợp với các cơ quan chức năng và các địa phương đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã theo Đề án 1956 cho 2.965 người, trong đó đào tạo tập trung 326 người, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho 2.639 người. Sau 3 năm triển khai Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở tỉnh ta đã tạo được chuyển biến cơ bản, quan trọng trong nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội và người lao động về vai trò quan trọng của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đối với phát triển nguồn nhân lực nông thôn, góp phần giảm nghèo, nâng cao mức sống, phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn và xây dựng NTM. Tăng cường các điều kiện để nâng cao năng lực đào tạo nghề cho lao động nông thôn của các cơ sở dạy nghề. Thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác dạy nghề cho lao động nông thôn; tăng cường gắn kết giữa địa phương, cơ sở đào tạo nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho lao động ở nông thôn…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở tỉnh ta còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được các cấp, các ngành chung tay tháo gỡ, khắc phục: Một số ít lãnh đạo cấp ủy, chính quyền cấp xã chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm trong việc tổ chức dạy nghề cho người lao động. Việc tổ chức triển khai Đề án 1956 chưa đồng bộ, còn chậm và chồng chéo với các chương trình khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư. Một bộ phận lao động lựa chọn ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với năng lực và nhu cầu thị trường. Chất lượng đào tạo nghề ở một số cơ sở dạy nghề chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, sự gắn kết giữa doanh nghiệp với cơ sở dạy nghề còn thiếu chặt chẽ.

Mục tiêu của Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Nam Định đến năm 2020” là đào tạo nghề cho 271 nghìn lao động ở cả 3 cấp trình độ với 135 nghìn người được hưởng thụ chính sách theo Đề án. Trong đó, giai đoạn 2011-2015 đào tạo nghề ở cả 3 cấp trình độ cho 120 nghìn lao động ở khu vực nông thôn và lao động nữ trong tỉnh, bình quân mỗi năm đào tạo khoảng 24 nghìn lao động. Riêng năm 2013, tỉnh ta có kế hoạch hỗ trợ học nghề cho 5.705 lao động, trong đó Sở LĐ-TB và XH thực hiện đào tạo nghề cho 900 lao động; các huyện, thành phố thực hiện đào tạo nghề cho 4.805 người. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã theo Đề án 1956 cho 2.860 người. Để thực hiện mục tiêu, thời gian tới, các cấp, các ngành trong tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác đào tạo nghề; tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho các cơ sở dạy nghề đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy nghề; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí và tổ chức thực hiện kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn và đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức xã. Gắn đào tạo nghề cho lao động nông thôn với phát triển sản xuất, tạo việc làm sau đào tạo./.

Bài và ảnh: Minh Tân
 



Cách viết cv

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com