Nghề chế biến nông sản, thực phẩm ở tỉnh ta có từ lâu đời với các sản phẩm truyền thống nổi tiếng như: bánh cuốn làng Kênh, phường Cửa Bắc, bún làng Phong Lộc, phường Cửa Nam (TP Nam Định); bánh phở, bánh đa làng Giao Cù, xã Đồng Sơn; làng Phượng, xã Nam Dương (Nam Trực); nghề sản xuất miến dong ở xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng). Nhóm nghề chế biến thủy, hải sản với các sản phẩm nước mắm Sa Châu (Giao Thủy); mắm tôm, nước mắm Ngọc Lâm, xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng); các loại rượu nếp Kiên Lao (Xuân Trường), Yên Phú (Ý Yên)… Với kỹ thuật chế biến theo phương thức cổ truyền, các sản phẩm chế biến từ nông, thủy sản của tỉnh ta được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm từ các làng nghề có thời gian tiêu dùng ngắn, phát triển tự phát, chưa chú trọng các khâu đăng ký nhãn hiệu, sở hữu công nghiệp… nên khả năng cạnh tranh yếu khi tham gia vào chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm trong giai đoạn hiện nay, thậm chí dễ bị hàng giả, hàng nhái trà trộn ảnh hưởng đến uy tín của sản phẩm đích thực. Để nâng cao năng lực cạnh tranh và giúp các sản phẩm nông, thủy sản phát triển bền vững, thời gian qua, các ngành chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ các cơ sở chế biến nông, thủy sản tại các làng nghề nâng cao chất lượng và tăng sức cạnh tranh trên thị trường cho các sản phẩm.
Cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN và PTNT) tuyên truyền Luật An toàn thực phẩm cho các ngư dân huyện Nghĩa Hưng. |
Với vai trò nòng cốt trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nông dân áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong quá trình sơ chế, bảo quản và chế biến nông, lâm, thủy sản, hằng năm, Sở NN và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát, đánh giá hiện trạng các cơ sở chế biến nông, thủy sản, từ đó xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho các doanh nghiệp, cơ sở chế biến trong các làng nghề thực hiện các quy định của Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm chế biến, đồng thời hỗ trợ các hộ chế biến nông, thủy sản xây dựng tiêu chuẩn; công bố tiêu chuẩn chất lượng, nhãn hiệu, mẫu mã sản phẩm hàng hóa và chứng nhận chất lượng ATVSTP đối với sản phẩm nông, lâm, thủy sản trước khi đưa ra thị trường. Trong 6 tháng đầu năm 2013, Sở NN và PTNT phối hợp với các ngành liên quan và các đơn vị thành viên tổ chức hàng chục lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đảm bảo ATVSTP nông, lâm, thủy hải sản cho các chủ cơ sở chế biến; phát gần 50 nghìn tờ rơi về đảm bảo ATVSTP cho các hộ trực tiếp chế biến nông, thủy sản. Trong đó, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN và PTNT) đã tổ chức tập huấn Luật An toàn thực phẩm, kiến thức chung về quản lý chất lượng và ATTP trong quá trình sản xuất. Các chủ cơ sở cũng được hướng dẫn trình tự đăng ký kiểm tra cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo ATTP và xây dựng hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm cho các cơ sở sản xuất trong làng nghề sản xuất nước mắm, các sản phẩm dạng mắm và sản xuất, chế biến muối của các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Chi cục cũng đã thẩm định và cấp 79 giấy chứng nhận đủ điều kiện về ATVSTP cho các cơ sở sản xuất chế biến nông sản, thực phẩm; hướng dẫn 43 doanh nghiệp, cơ sở chế biến nông, thủy sản trong các làng nghề truyền thống công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; 12 cơ sở sản xuất, nuôi trồng, chế biến nông, thủy sản áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến về thực hành sản xuất tốt (GMP), vệ sinh tốt (SSOP), hệ thống quản lý chất lượng phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), đồng thời xây dựng thương hiệu sản phẩm để tiêu thụ trong nước và tiếp cận với thị trường xuất khẩu nông, thủy sản đã qua chế biến. Cùng với Sở NN và PTNT, các Sở Y tế, KH và CN cũng nỗ lực trong việc hỗ trợ các làng nghề truyền thống xây dựng mô hình "Vệ sinh an toàn thực phẩm làng nghề"; tạo lập và xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm chế biến nông, thủy sản, góp phần nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh cũng như bảo vệ uy tín của sản phẩm… Trên cơ sở đó, mô hình "Vệ sinh an toàn thực phẩm làng nghề" do Chi cục ATVSTP (Sở Y tế) sẽ được triển khai tại làng nghề sản xuất bánh cuốn làng Kênh, phường Cửa Bắc (TP Nam Định) và làng nghề miến dong thôn Phượng, xã Nam Dương (Nam Trực). Tham gia mô hình, những người quản lý, người trực tiếp sản xuất, chế biến, phục vụ ăn uống trong làng nghề được tập huấn kiến thức về VSATTP, mối nguy ATVSTP thức ăn, ngộ độc thực phẩm và nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm, theo dõi nguồn gốc thực phẩm, cách lựa chọn thực phẩm và những quy định liên quan đến sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm...; cấp phát tờ rơi tuyên truyền và ký cam kết trách nhiệm đảm bảo VSATTP với các chủ cơ sở... Đồng thời kiểm tra sức khỏe cho các đối tượng trên và kiểm tra, thẩm định để cấp giấy phép đảm bảo VSATTP cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Mô hình "Vệ sinh an toàn thực phẩm làng nghề" được triển khai sẽ từng bước giúp các sản phẩm của làng nghề truyền thống đáp ứng các tiêu chí về VSATTP.
Cùng với sự hỗ trợ của các ngành chức năng, bản thân các làng nghề chế biến nông, thủy sản cũng chủ động đổi mới công nghệ, cơ giới hóa một số khâu sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tích cực áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm. Làng nghề sản xuất bún Phong Lộc, xã Nam Phong (TP Nam Định), làng nghề sản xuất miến dong thôn Phượng (Nam Trực) đã đầu tư cơ giới hóa hầu hết các khâu sản xuất từ xay bột, vắt, nén và tráng đến cắt thái sản phẩm…; làng nghề chế biến mắm và các sản phẩm dạng mắm đã thay thế công đoạn nghiền cá thủ công bằng máy nén để tiết kiệm công lao động và tránh lãng phí nguyên liệu. Một số cơ sở sản xuất còn đa dạng hóa sản phẩm từ nguồn nguyên liệu cổ truyền như: sứa ăn liền, cá mai, chả cá…; áp dụng HACCP cho sản phẩm. Làng nghề Sa Châu, xã Giao Châu (Giao Thủy) có nghề làm nước mắm truyền thống từ hàng trăm năm nay. Với sản phẩm có độ đạm cao, thơm đượm, màu nâu vàng đặc trưng thể hiện chất lượng nước mắm Sa Châu đã trở thành sản phẩm mang đậm văn hóa vùng miền của người dân ven biển. Được sự hỗ trợ kịp thời của các cơ quan chức năng và sự nhạy bén của người làng nghề, làng nghề nước mắm Sa Châu đã tham gia thực hiện việc đăng ký và xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm làng nghề. Nhờ đó đến nay giá trị của sản phẩm nước mắm Sa Châu trên thị trường đã được khẳng định, củng cố lòng tin của người tiêu dùng và ngăn chặn được các hành vi gian lận thương mại làm ảnh hưởng đến uy tín làng nghề.
Nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm của các làng nghề chế biến nông, thủy sản truyền thống trong điều kiện hội nhập kinh tế hiện nay là giải pháp quan trọng giúp các sản phẩm có cơ hội tìm kiếm, thâm nhập vào thị trường mới và chủ động hơn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, từng bước xây dựng và quảng bá thương hiệu cho sản phẩm của mình, tránh những thiệt hại không đáng có do bị ép giá hoặc lợi dụng uy tín trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương