Chúng tôi có một đêm không ngủ cùng các thương lái ở chợ đêm Phạm Ngũ Lão (TP Nam Định). Trên mỗi sạp hàng, những bóng đèn “tiết kiệm điện” được treo lúc lắc sang sáng trong đêm, nhìn xa xa có cảm giác như những ngôi sao nhỏ nhấp nháy. Dưới “rừng sao”, nhịp mua bán diễn ra tấp nập, để khi kết thúc một đêm bán buôn, hàng hóa từ đây đổ về các chợ ngày, bắt đầu cho một phiên chợ mới.
“Kiếm cơm” vào đêm
23h30, theo lời một người quen giới thiệu, tôi cũng vội vã giúp vợ chồng chị Lê Thị Đào chằng buộc nốt chỗ rau lên chiếc xe máy giờ đã thành “xe thồ” từ Thị trấn Mỹ Lộc “thẳng tiến” vào chợ đêm, bắt đầu một chuyến hàng như thường lệ của người buôn bán ở chợ Phạm Ngũ Lão, chợ đầu mối nông sản, hoa quả lớn nhất của Thành phố Nam Định. Hằng ngày hai vợ chồng chị Đào “lượn lờ” xuống các chợ quê trong huyện để gom hàng. Với lợi thế từ lượng phù sa màu mỡ do 2 con sông lớn là sông Hồng và Châu Giang bồi đắp, nông dân nhiều nơi vùng đất bãi của Mỹ Lộc có điều kiện đa dạng hoá cây trồng, hình thành nên những cánh đồng rau màu tươi tốt. Chị Đào cho biết: “Đó là nguồn hàng phong phú của chúng tôi, là công việc nuôi sống cả nhà tôi hằng ngày”... Đúng 24h chúng tôi có mặt tại chợ đêm khi trong chợ đã “ngồn ngộn” các mặt hàng nông sản, thực phẩm… Trong ánh đèn đường xen lẫn làn sương đêm hè giăng mỏng manh, “màu sắc” của chợ đêm hiện ra rất sinh động. Có màu đỏ, màu vàng của những “núi” cà chua, cà rốt; màu xanh thắm của những đống rau muống, rau cải, rau ngót xếp ngay ngắn, màu tím của những sọt cà, bắp cải Đà Lạt, rồi màu nâu đất của thúng khoai, rổ sắn… cứ y như có thể lạc ngay vào cánh đồng nào đó ở một vùng quê. Chủ nhân của những “núi”, những đống, những thúng, những sọt rau quả ấy vừa trò chuyện vừa nhanh tay nhanh chân xếp hàng, đếm tiền và… lau mồ hôi. Ngoài cổng chợ chốc chốc lại nghe thấy tiếng xe máy vào “cua” và dừng phắt trước gian hàng nào đấy đã được ngồi quen từ nhiều năm. Rất nhanh chóng, người bán dỡ hàng trên xe, bày biện ra chờ khách tới mua. Phía bên trái cổng chợ các loại xe tải nhỏ xếp hàng đều nhau, bên trong chất đầy hoa quả. Mùa nào thức ấy, hầu như chợ không thiếu mặt hàng nông sản nào. Người mua dễ dàng chọn được từ trái ớt đến mớ hành, quả chanh… từ nhiều nguồn đổ về đây bán “người mua, kẻ bán” không chỉ của riêng Nam Định mà còn ở nhiều tỉnh, thành phố lân cận khác. Không khó để bắt gặp những giọng nói lạ của các vùng miền ở chợ đêm này. Những thương lái từ Hải Dương, Hà Nội, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, thậm chí từ Vinh… ngồi lẫn lộn tại nhiều khu vực trong chợ giới thiệu say sưa các sản phẩm độc đáo của địa phương mình cho người mua. Vừa trò chuyện với chúng tôi vừa tranh thủ bày hàng, “tỉa tót” lại sạp rau muống, anh Lê Hà quê ở huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) cho biết: “Chỗ chúng tôi chuyên trồng rau, mùa nào thức ấy rau ăn không hết. 6 năm nay, tôi theo một người hàng xóm vào chợ đêm này cất hàng, từ nhà tôi vào chợ khoảng trên dưới 30 cây số. Để kịp chợ, tôi phải chuẩn bị hàng từ lúc 10h đêm. Buôn bán cũng đã lâu, tôi có một số khách quen hay lấy hàng vào lúc gần 1h sáng. Nếu vào chợ muộn, sợ họ không đợi kịp, lấy hàng của người khác nên hôm nào tôi cũng phải tranh thủ đi sớm hơn”. Những người buôn bán ngoại tỉnh khác ở xa hơn anh Hà thì đã có mặt ở chợ đêm từ cuối chiều hoặc đầu tối. Từ 2-4h30 sáng, ấy là khi chợ nhộn nhịp nhất. Người mua, kẻ bán ai cũng rất nhanh tay nhanh mắt chọn hàng, bán hàng. Buôn bán nhanh để còn tranh thủ về nhà nghỉ ngơi, kịp cho phiên chợ ngày, buôn bán nhanh để còn kịp lấy lại sức lực cho một ngày mới. Chị Cao Thị Vân (37 tuổi) ở Nam Phong (TP Nam Định) chở một xe máy chất đầy rau ngót, bí đao dừng ngay cổng chợ, loay hoay gọi người đến giữ dùm xe khỏi đổ vì hàng hóa nặng, cồng kềnh. Hôm nay, chị đi một mình vì chồng bận việc không đi cùng được. Vừa tháo dây chun dỡ rau xuống chị vừa nói: “Thế này chưa thấm gì đâu, mọi hôm còn chở những 4, 5 tạ. Rau cắt hái, thu mua thêm của bà con hàng xóm từ chiều chứ nhà mình làm gì có, tối đem bó lại cho gọn đều rồi xếp lên xe máy. Đêm nào cũng lọ mọ làm để sáng sớm kịp ra chợ bán. Đêm nay thời tiết thuận lợi, không mưa không bão gì nên đi lại còn dễ dàng. Gặp hôm mưa to, đèo rau phải đèo thêm cả nước, nặng nhọc vô cùng”.
Mua bán nhộn nhịp các mặt hàng nông sản, thực phẩm trong chợ đêm. |
Tại chợ đêm, ngoài những người buôn bán thì còn có những “phu” chuyên đi bốc vác thuê và sắp xếp hàng cho các chủ đến mua hàng. Đội phu này tập hợp không chỉ có cánh đàn ông "sức dài, vai rộng" mà có cả chị em "chân yếu, tay mềm". Làm việc quần quật như cánh đàn ông, không hiếm những phụ nữ cũng đang oằn mình, đổ mồ hôi mỗi đêm để bốc xếp hàng hóa. Trung bình một phu hàng tại chợ có thể bốc xếp hàng tấn rau quả, để sau mỗi đêm họ nhận lại khoảng 150-250 nghìn đồng tùy lượng công việc được thuê. 5h, khi ánh sáng của mùa hè đã “chạm” vào mọi con ngõ, chợ đêm bắt đầu vãn khách cũng là lúc các lái buôn bắt đầu dọn dẹp hàng để ra về. Người người bắt đầu một ngày làm việc mới. Tuy nhiên đối với thương lái chợ đêm, những người làm nghề cửu vạn, đó là thời gian để họ tranh thủ chợp mắt. Đối với họ, tất cả đều phải tranh thủ vì nếu có hàng, có chỗ buôn bán, làm thêm lại bật dậy ngay. Vì nếu không như thế, cả “đoàn tàu gia đình” sau họ biết trông vào đâu…
Gật gù… giấc ngủ chợ đêm
Hòa vào dòng người buôn bán xuôi ngược, chúng tôi tìm đến mọi sạp hàng trong chợ đêm để ngắm nghía. Đi khắp lượt chợ, thấy “hay” nhất là kiểu ngủ gật của những người buôn bán. Ghé lại khu vực bán rau quả trong chợ, nhặt chanh lên bỏ chanh xuống vẫn không thấy chị bán hàng chào mời. Dưới cái mũ sùm sụp, nhìn kỹ mới biết, hóa ra chị tranh thủ lúc ít khách chợp mắt cho đỡ mệt. Một lát sau có thêm hai người nữa đến mua hàng, chừng là khách quen, đập hẳn vào người chị, chị mới tỉnh ngủ. Vừa cân chanh cho khách, chị vừa tiếp chuyện tôi bằng chất giọng Hải Dương: “Tên tôi là Thanh, quê ở Hải Dương, tôi vào chợ này bán buôn cũng được 4 năm rồi. Vợ chồng tôi không có nghề nghiệp gì ổn định. Tích cóp, vay mượn thêm họ hàng, anh em chúng tôi dồn dập mãi mới mua được 1 chiếc xe tải nhỏ để chạy hàng. Chồng tôi có một người bạn ở Nam Định bày cho việc buôn bán ở chợ đêm. Chúng tôi đi vài chuyến, thấy làm ăn cũng được nên “bén duyên” chợ đêm này luôn. Chồng tôi nghiên cứu thị trường lấy các mặt hàng khác nhau ở Hải Dương, Hà Nội… mang vào đây bán. Xa xôi quá nhưng cũng phải chịu thôi. Vì miếng cơm manh áo, vì con cái học hành cả mà. Chúng tôi thức đêm quanh năm nên phải tranh thủ ngủ bù mọi lúc, mọi nơi”. Hỏi lại chị, ngủ gật thế, không sợ khách lấy trộm mất hàng sao, chị Thanh cười. "Bán hàng ở chợ đêm cũng có những đặc điểm riêng, chỉ có khách mua hàng chứ không có trộm cắp. Chỉ bán buôn, ít bán lẻ, không mặc cả nhiều, cũng chẳng có gian lận hay trộm cắp. Chẳng trộm nào dám xuất hiện ở đây, vì cả chợ nhẵn mặt nhau, khách mua cũng quen mặt, có việc gì chỉ cần hô một tiếng là xúm xít lại cùng nhau. Thế nên, cứ ngơi tay cân hàng là người bán tranh thủ chợp mắt cho đỡ thèm cơn buồn ngủ. Chồng tôi, chắc giờ này cũng đang tranh thủ ngủ một giấc trên xe tải rồi chốc nữa “thay ca” bán cho tôi”, chị Thanh cười xòa. Đi một vòng quanh chợ đêm, có thể đếm được đến hàng chục kiểu ngủ gật của anh, chị em bán hàng. Người có chỗ rộng rãi kê ghế xếp, giường gấp, mắc võng, còn chật chội thì ngủ nghiêng, ngủ ngồi, có khi ngửa cổ dựa vào cột lán, thành xe cũng ngủ được.
Nhưng hễ có khách quen là ai đấy đều tỉnh như sáo, hàng chục loại rau củ, hoa quả giá cả khác nhau, nhưng chẳng ai nhầm, ai lẫn một đồng bao giờ. Đêm tháng 7 mát lồng lộng, 3, 4h sáng khi mọi người trong thành phố đang ngon giấc thì những người buôn bán tại chợ đêm lại cần mẫn bốc dỡ hàng từ trên xe xuống, chất thành từng đống, từng thùng về chỗ của mình. Đêm vào thời khắc yên tĩnh nhất, người mua, kẻ bán hình như cũng trở nên lặng lẽ. Hình như vẫn có một chút gì đó người mua, kẻ bán “giữ” cho cái không khí ban đêm yên ả của thành phố. Bày hàng, dùng thêm cả điện thoại, các loại đèn chiếu sáng di động cho gian hàng của mình thêm sáng sủa để dễ thu hút khách, ai cũng “kiệm to tiếng” đến mức tối đa. Chỉ thỉnh thoảng trao đổi ngắn gọn “hôm nay bắp cải tăng giá nhé, dưa hấu cũng vậy”, “hôm qua giá bao nhiêu thì hôm nay cứ vậy”… Chị Nguyên nhà ở Lộc Vượng (TP Nam Định) đang tỉ mẩn bên một gian hàng hoa quả lúc khoảng 5h sáng chia sẻ: sáng nào tôi cũng chịu khó dậy sớm đi chợ đêm mua thực phẩm cho cả nhà. Chịu khó dậy sớm một chút vào chợ này vừa mua được đồ ăn tươi ngon giá lại rẻ. Khi mọi người đang ngủ vẫn có một khu chợ buôn bán tấp nập, mỗi điều đó thôi đã thấy cái “thú vị” riêng của chợ đêm này rồi./.
Bài và ảnh: Hoa Quyên