Biện pháp xử lý chất thải từ các trang trại, gia trại

08:08, 06/08/2013

Trên địa bàn tỉnh hiện có 168 trang trại chăn nuôi cơ bản đạt tiêu chí theo quy định của Bộ NN và PTNT và hàng chục trang trại tổng hợp nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn. Lượng chất thải chăn nuôi từ các trang trại, gia trại rất lớn, nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống xung quanh. Vì vậy các ngành chức năng của tỉnh đã khuyến khích các hộ nông dân xây dựng các trang trại, gia trại xa khu dân cư và xử lý chất thải bằng bể biogas. Theo đó, tại các địa phương đều tập trung khuyến khích xây dựng trang trại ở những vùng đất kém hiệu quả, vùng đất trũng, đất bãi ven sông…

Nhờ chủ động áp dụng các biện pháp BVMT, hai trang trại nuôi lợn thịt của ông Nguyễn Văn Toán, xã Xuân Thượng (Xuân Trường) và trang trại chăn nuôi gà đẻ của ông Trần Hồng Kỳ, xã Minh Tân (Vụ Bản) đã được cấp giấy chứng nhận VietGAHP với 13 tiêu chí về địa điểm xây dựng trang trại; thiết kế chuồng trại, kho và thiết bị chăn nuôi; quản lý con giống, thức ăn, nước uống và nước vệ sinh; quản lý đàn gia súc, gia cầm; quản lý dịch bệnh; bảo quản và sử dụng thuốc thú y; quản lý chất thải và BVMT; kiểm soát côn trùng, loài gặm nhấm và động vật khác; quản lý nhân sự; ghi chép lưu trữ hồ sơ, truy nguyên nguồn gốc và thu hồi sản phẩm; kiểm tra đánh giá nội bộ; khiếu nại và giải quyết khiếu nại. Với sự hỗ trợ của Cục Chăn nuôi (Bộ NN và PTNT) và Sở NN và PTNT, hai trang trại này đã xây dựng bể biogas theo công nghệ của Thái Lan, xử lý nước dùng cho sinh hoạt và chăn nuôi qua bể lắng, sử dụng clorin lọc sau đó được chuyển sang bể chứa riêng. Khu nuôi được trang bị đèn sưởi hồng ngoại, quạt làm mát công suất lớn bảo đảm nhiệt độ ổn định… Tháng 6-2012 anh Vũ Trọng Nghĩa, xã Hải Lộc (Hải Hậu) đã đầu tư hơn 15 tỷ đồng xây dựng trang trại nuôi lợn thịt theo phương pháp công nghiệp. Ngoài xử lý chất thải bằng bể biogas, nhiều chủ trang trại, gia trại còn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để xử lý chất thải chăn nuôi, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường như hộ anh Nguyễn Hồng Kỳ ở xóm 2, xã Hải Hà; Nguyễn Văn Khơi xóm Tây Cát, xã Hải Đông (Hải Hậu) và một số hộ ở các huyện Ý Yên, Nghĩa Hưng… đã áp dụng phương pháp dùng chất độn chuồng, sử dụng đệm lót sinh thái làm bằng mùn cưa, trấu, kết hợp với chế phẩm sinh học có tác dụng xử lý chất thải, thức ăn thừa của lợn hằng ngày, vừa tiết kiệm nước do không phải tắm cho lợn và rửa chuồng, vừa giảm chất thải xả ra môi trường, giảm mùi hôi, hạn chế các bệnh liên quan đến hô hấp, tiêu hóa ở lợn… Để nhân rộng mô hình này năm 2012, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Nam Trực xây dựng mô hình dùng chất độn chuồng sinh thái ở chuồng nuôi 40 con lợn lai F2 làm đối chứng với 10 con lợn nuôi trên nền bê tông. Qua thực tế mô hình tại huyện Nam Trực đã cho thấy tính ưu việt của phương pháp chăn nuôi dùng chất độn chuồng và khẳng định đây là hướng chăn nuôi thích hợp trong giai đoạn hiện nay vì hạn chế được dịch bệnh, không gây ô nhiễm môi trường và tận dụng được lượng lớn phân chuồng để cải tạo đất, từng bước xây dựng nền nông nghiệp sinh thái bền vững với sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chăm sóc con nuôi tại Trung tâm Giống gia súc, gia cầm (Sở NN và PTNT).
Chăm sóc con nuôi tại Trung tâm Giống gia súc, gia cầm (Sở NN và PTNT).

Tuy nhiên, theo đồng chí Lê Thị Thảo, Phó Phòng Chăn nuôi (Sở NN và PTNT) thì hiệu quả kinh tế - xã hội trong phương pháp chăn nuôi dùng chất độn chuồng đã được khẳng định, song đến nay vẫn chưa được nhân rộng do khi áp dụng biện pháp chăn nuôi dùng chất độn chuồng, nhiệt độ trong chuồng luôn cao hơn bên ngoài do vi sinh vật hoạt động, nên chỉ phù hợp với mùa đông, còn mùa hè lại có nguy cơ làm vật nuôi nóng bức, mệt mỏi, biếng ăn. Hiện tại, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đang nghiên cứu áp dụng biện pháp phun tưới nước mát lên mái chuồng, trồng dây leo lên mái, tạo sân chơi… để cải tiến chuồng nuôi có nền độn trong những tháng mùa hè. Ngoài ra, theo đánh giá của ngành chức năng, việc sử dụng bể biogas để xử lý chất thải chăn nuôi chưa triệt để. Trên thực tế, khi đầu tư xây dựng hệ thống bể biogas, các chủ trang trại, gia trại mới chỉ tính toán công suất vận hành ở thời điểm hiện tại. Khi quy mô trang trại được mở rộng, lượng chất thải phát sinh tăng dần khiến hệ thống bể biogas đang vận hành không đủ khả năng xử lý hết lượng chất thải. Đặc biệt, việc xử lý chất thải chăn nuôi bằng hệ thống bể biogas mới dừng ở mức độ thu gom chất thải để tạo khí sinh học làm nhiên liệu, còn khả năng xử lý ô nhiễm nguồn nước và mùi hôi thối không đáng kể. Để xử lý triệt để nguồn gây ô nhiễm từ chất thải chăn nuôi bằng công nghệ bể biogas cần có các biện pháp hỗ trợ, xử lý như: phải có diện tích đất để xây dựng các ao, hồ sinh học lắng, lọc nước thải và tận dụng chất thải tồn dư làm dưỡng chất cho con nuôi trong nước thải, xây dựng hệ thống vườn cây sử dụng nước tưới là nước thải sau chăn nuôi… Tuy nhiên, chi phí để đầu tư và vận hành cho hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi theo quy trình công nghệ hoàn hảo, khép kín là khá cao. Vì vậy, hầu hết các chủ trang trại đều né tránh việc đầu tư các công trình BVMT cần thiết. Bên cạnh sự hạn chế về nhận thức, ý thức, trách nhiệm BVMT của các chủ trang trại, gia trại thì từ lâu nay, trong các quy hoạch phát triển chăn nuôi của các địa phương hầu như mới quan tâm đến các chỉ tiêu, giải pháp kinh tế mà chưa có các quy định, giải pháp BVMT cụ thể, chưa có quy hoạch và tiêu chí quy hoạch vùng chăn nuôi đảm bảo yêu cầu BVMT.

Theo dự báo của ngành TN và MT, với tốc độ phát triển mạnh của ngành chăn nuôi như hiện nay thì từ nay đến năm 2020, khối lượng chất thải chăn nuôi tăng nhanh, nhất là chất thải chăn nuôi lợn. Dự tính đến năm 2020, lượng chất thải rắn trong chăn nuôi phát sinh khoảng gần 1 triệu 212 nghìn tấn/năm, tăng 14,05% so với năm 2010; lượng nước thải từ chăn nuôi trên toàn tỉnh phát sinh khoảng hơn 10 triệu 953 nghìn m3/năm, tăng 14,42% so với năm 2010. Để phát triển bền vững và đảm bảo môi trường tại các trang trại, gia trại, các địa phương cần quan tâm hơn nữa đến việc tạo điều kiện, hỗ trợ các hộ chăn nuôi quy mô lớn đầu tư xây dựng mô hình xử lý chất thải theo công nghệ hiện đại. Ngành TN và MT chủ động phối hợp với ngành NN và PTNT tăng cường kiểm tra, xử lý, đình chỉ sản xuất đối với các trang trại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; đôn đốc các trang trại, gia trại gây ô nhiễm môi trường thực hiện các biện pháp xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm; yêu cầu các trang trại phải có đầy đủ công trình, biện pháp BVMT đáp ứng yêu cầu về xử lý ô nhiễm; khẩn trương quy hoạch vùng chăn nuôi cho từng loại vật nuôi, từng bước hạn chế, không cho phép chăn nuôi gia trại, chăn nuôi quy mô nhỏ trong khu dân cư; triển khai ứng dụng mô hình xử lý nước thải sau bể biogas, làm cơ sở hướng dẫn, nhân rộng áp dụng cho các trang trại chăn nuôi./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com