"Ai đồng nát, sắt vụn bán đi"…

08:08, 30/08/2013

Trời nắng chang chang, cơ sở thu mua đồng nát, sắt vụn của vợ chồng anh chị Định - Hạnh, làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) khoảng 10h trở đi càng đông các thợ đồng nát đến nhập hàng. Khác với những mặt hàng bán buôn khác, sạch sẽ, chỉnh tề, hàng của người buôn đồng nát là phế phẩm người ta không dùng nữa như chai, lọ nhựa, sắt vụn, vỏ đồ uống… “Gi gỉ gì gi” tìm cái gì ở chỗ đồng nát cũng thấy. Có lẽ vì buôn phế phẩm nên những thợ đồng nát tự nhận mình là làm nghề “bần cùng” trong xã hội. Thế nhưng, đằng sau mỗi sọt đồng nát ấy, nhiều ngôi nhà khang trang được xây mới, con cái được học hành đến nơi đến chốn. Tất cả là từ những nhọc nhằn của đời "đồng nát"…

Nghề "lang thang"

Đi dọc các xã Xuân Kiên, Xuân Ninh, Xuân Ngọc… và có thể khắp cả “hang cùng, ngõ hẻm” từ đô thị cho đến nông thôn ở cái dải đất hình chữ S nói chung, ở đâu cũng dễ bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ, có thêm số ít đàn ông, đầu tóc, tay chân bịt kín mít, phía sau nặng trĩu, lỉnh kỉnh những chai lọ, giấy vụn, đồ điện hỏng, bìa cát tông… với tiếng rao nghe quen đến thuộc lòng: "ai nhôm đồng, sắt vụn, dép nhựa bán đi…ii...". Không phân biệt giới tính, người cần bán ngó đầu khỏi cổng gọi với theo, đồng nát ơi. Những thợ đồng nát quay phắt lại đon đả, nhà có gì bán đấy ạ. Hành trình một ngày của những người buôn đồng nát sắt vụn bắt đầu. Dụng cụ hành nghề đơn giản, một chiếc xe đạp cũ, 2 cái sọt treo hai bên gác-ba-ga, thợ buôn đồng nát mải miết đi khắp mọi nơi kiếm sống. Ngày nắng, ngày mưa, bước chân của họ hầu như không ngừng nghỉ. Bởi nghỉ một ngày là ảnh hưởng đến “nồi cơm” của gia đình. “Sở thích” chung của những thợ đồng nát là: Thích ngày nắng, sợ ngày mưa, thích nhất là những dịp sau Tết hoặc sau… mỗi cơn bão, khi đó nguồn hàng nhiều hơn, dễ kiếm được các “món hời”. Chị Lê Thị Duyên làng Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng, năm nay ngót 40 tuổi nhưng có kinh nghiệm làm thợ đồng nát 20 năm. 20 năm trước, khi hãy còn là một cô gái đang ở tuổi xuân thì, nhà nghèo lại đông anh em, không có điều kiện học tiếp, chị Duyên theo chúng bạn đi buôn đồng nát. “Ban đầu cũng ngại vì mình là thanh niên, thế nên những ngày đầu hành nghề tôi chọn Hà Nội để kiếm sống. Lang thang ở thủ đô 5 năm thì tôi về quê lấy chồng. Lấy chồng sinh con, muốn được gần chồng, gần con tôi chuyển địa bàn, chỉ đi buôn ở các xã, huyện lân cận. Làm nghề đồng nát vất vả lắm, ngày nắng, ngày mưa lúc nào cũng lang thang ngoài đường, cơm nước vì vậy cũng thất thường. Gặp ngày nắng còn đỡ, những ngày mưa gió chúng tôi đèo hàng đã nặng còn phải đèo cả… mưa. Tiếng là chỉ đi quanh các xã trong huyện nhưng một ngày tính ra thợ đồng nát chúng tôi cũng phải đạp xe ngót năm, sáu chục cây số chứ không ít”. Vì vậy, nói thợ đồng nát là những người lang thang cũng đúng. Đó là với những thợ đồng nát “huyện”. Những thợ đồng nát “tỉnh” còn vất vả hơn. Theo chân thợ đồng nát Lê Văn Thương, quê ở Đông Hưng (Thái Bình) chúng tôi có một buổi sáng cùng anh dạo qua hầu hết các con phố của Thành phố Nam Định mua đồng nát. “Sang” hơn những chị bán đồng nát khác, anh chằng buộc phía sau xe một chiếc ắc quy nhỏ, đầu xe là một cái loa. Anh đi đến đâu tiếng loa phát ra rè rè, âm âm đến đó: “tủ lạnh, ắc quy hỏng, quạt bán đi”. Chúng tôi nói đùa với anh, vậy là đồng nát cao cấp. Anh cười, nam "đồng nát" hầu như chỉ buôn đồ điện thôi, không đi những đồ “nhẹ” như chị em. Vậy thì vốn chắc phải to lắm? Anh giải thích, có to hơn một chút nhưng chung quy lại thì đồ đồng nát mua, bán cũng không được bao nhiêu. Vả lại buôn đồ điện rủi ro hơn. Có hôm đi cả ngày mà phải về không. Quê Thái Bình nhưng lý do anh Thương sang Nam Định làm nghề đồng nát là vì: “chả cứ ở đâu hết, chỗ nào dễ làm ăn thì “dân” đồng nát chúng tôi đến. Cũng có thể do cái duyên, lần đầu tiên sang Nam Định buôn đồng nát tôi đã mua được một cái tủ lạnh cũ với giá… như cho của một gia đình ở phố Hàn Thuyên, vậy là tôi bén đất Nam Định từ đó. Buôn đồng nát ở đây đã được 2 năm, mọi con phố đất Thành Nam tôi thuộc hết, thỉnh thoảng tôi còn đến các huyện lân cận như Nam Trực, Mỹ Lộc, Ý Yên, Vụ Bản… tìm mối hàng. Một ngày với chiếc xe đạp cà tàng tôi đi ngót nghét trăm cây số là bình thường”.

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

"Sáng cấy, chiều gặt"

Làm thợ đồng nát được cái “sướng” hơn nhiều nghề khác, “sáng cấy, chiều gặt" luôn, có tiền dắt túi sau một ngày mua bán vất vả, bận rộn. Mỗi ngày, thợ đồng nát huyện “dắt lưng” khoảng 1 triệu đồng lộ phí hành nghề, đối với thợ đồng nát tỉnh hoặc buôn đồ điện hỏng thì vốn cần nhiều hơn một chút. Với 1 triệu đồng tiền vốn, nếu ngày nào may mắn, sau khi nhập hàng chúng tôi có thể lãi khoảng 100-120 nghìn đồng/ngày. Bình thường thì chỉ được khoảng năm, bẩy chục nghìn đồng/ngày. Tính trung bình 1 tháng chúng tôi thu nhập từ 1,5-2 triệu đồng/tháng. Nếu chịu khó đi xa hoặc đến các thành phố lớn như Hà Nội thì thu nhập cao hơn. Đối với người dân nông thôn như chúng tôi, số tiền này giải quyết được rất nhiều việc. Chúng tôi có thể lo cho con cái học hành, dành dụm, thu vén cho cuộc sống gia đình”, chị Duyên vừa lau mồ hôi vừa nói. “Phụ họa” với chị Duyên, vợ chồng anh chị Định - Hạnh tay vẫn thoăn thoắt phân kim (phân loại đồng nát) cho biết thêm: “1kg nhựa hiện được thu mua với giá 8.500-9.000 đồng, sắt vụn có giá 6.000-6.500 đồng, giấy bìa có giá 3.000 đồng. “Cao giá” nhất trong các loại đồng nát là đồng được các cơ sở thu mua với giá 120-130 nghìn đồng/kg, vỏ các loại đồ uống có giá 380-400 đồng/cái”… Vợ chồng thu mua đồng nát này còn cho biết thêm, giá thu mua đồng nát thay đổi theo thị trường nhưng hầu như dao động không đáng kể. Mặc dù mới mở cơ sở thu mua đồng nát 4 năm nay nhưng anh chị đã xây được ngôi nhà 2 tầng chắc chắn, khang trang. Nếu gom được hàng nhiều, 1 tuần/lần khách hàng từ Cổ Lễ (Trực Ninh) đánh ô tô sang cân hàng. Riêng xã Xuân Hồng, có tới 2 cơ sở thu mua đồng nát. Tùy theo từng thời điểm trong năm, tuy nhiên “mục sở thị” buổi sáng nhập hàng của anh chị Định - Hạnh, chúng tôi ước tính 1 ngày tại các cơ sở này ít nhất cũng thu mua được trên dưới 1 tạ đồng nát các loại. Thợ đồng nát nào may mắn 1 ngày có thể “đánh” 6 đến 7 chuyến hàng về các cơ sở này "đổ" hàng. Cũng theo vợ chồng anh chị Định - Hạnh, làng Hành Thiện có tới 90% số hộ gia đình có ít nhất 1 người làm nghề đồng nát. Xã Xuân Hồng, tỷ lệ người làm nghề cũng tương đối cao. Nhiều người trong xã, trong huyện còn rủ nhau ra Hà Nội thuê nhà trọ ở tập trung thành khu để làm nghề. Tuy vất vả nhưng được cái nghề đồng nát cho thu nhập tương đối ổn định, giải quyết được việc làm những ngày nông nhàn, việc cấy hái đồng ruộng xong xuôi.

“Nhất nghệ tinh” như những nghề khác, nghề đồng nát cũng đòi hỏi kỹ năng nghề nghiệp khá cao. Nếu thợ đồng nát không tinh mắt phân loại đồ thì sẽ mua phải những loại đồ không bán được, hay chỉ bán được với giá rẻ, thậm chí thấp hơn mua vào. Nghề đồng nát cũng đứng trước những nguy hiểm, độc hại môi trường nhất định. Chưa kể đến có chị em đi buôn đồng nát xa còn có thể bị cướp. Thậm chí có chị còn bị chủ nhà trêu ghẹo, quấy rối. Tuy vậy nhiều chị em không vì thế mà bớt… yêu nghề. Cụ bà Lê Thị Phước, làng Hành Thiện năm nay đã ở vào cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, thỉnh thoảng nhớ nghề cụ lại nhặt nhạnh những đồ cũ trong nhà ra cân đồng nát bán. Nhà cụ, đến nay có 3 đời làm nghề đồng nát. Riêng cụ đã có trên 30 năm lăn lộn với nghề. Kẽo kẹt đôi quang gánh đi thu mua phế liệu, sau khá giả hơn cụ sắm chiếc xe đạp. Tuổi cao, chân tay chậm chạp cụ cho tất cả những gì nhặt nhạnh được vào rổ mang ra bán. “Nhờ nghề đồng nát mà nhiều nhà như chúng tôi có thể vượt qua khó khăn, tu sửa nhà cửa, cho con cái học hành”, cụ cười cho biết. Nếu thợ đồng nát nào mát tay, nhất là các nam đồng nát khi đi thu mua đồ điện cũ biết sửa chữa còn có thể dùng lại làm đồ phục vụ sinh hoạt hằng ngày.

Theo mỗi vòng bánh xe, trong cuộc mưu sinh khắc nghiệt ngày hôm nay, tiếng rao “ai nhôm đồng, sắt vụn bán đi” của những thợ đồng nát nhọc nhằn; bỏ đằng sau những vất vả, bẩn thỉu của phế liệu, mỗi thợ đồng nát vẫn tìm thấy niềm vui. “Hạnh phúc là được nhìn thấy con cái trưởng thành, dù có phải làm bất cứ công việc gì, miễn là chính đáng bằng mô hôi, công sức, khó khăn gian khổ đến mấy rồi cũng sẽ vượt qua”, các chị, các bà đồng nát chúng tôi gặp đều có chung tâm sự. Vậy nên, thơm thảo của cuộc đời, đâu phải chỉ làm nên từ địa vị xã hội, từ số tiền kiếm được mà quan trọng hơn, từ tấm lòng, sự hy sinh của mỗi người với nhau. Nghề đồng nát, chất chứa mồ hôi, nước mắt, cực nhọc, vì vậy ngẫm ra thấy sạch sẽ và đáng quý lắm lắm./.

Nguyễn Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com