Để đánh giá hiệu quả của quản trị và hành chính công cấp tỉnh với mục tiêu thúc đẩy năng lực cạnh tranh có hai chỉ số: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Nếu như PCI được xây dựng trên thông tin khảo sát qua thư đối với các doanh nghiệp thì PAPI được xây dựng dựa trên thông tin khảo sát tại địa bàn, phỏng vấn trực tiếp người dân. PAPI là công cụ giám sát thực thi chính sách được xây dựng với sự phối hợp chặt chẽ giữa tạp chí Mặt trận thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ cộng đồng, chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam. Chỉ số PAPI là bộ chỉ số tổng hợp dựa trên thực chứng khách quan và khoa học nhằm đo lường trải nghiệm của người dân về hiệu quả và chất lượng của công tác quản trị, điều hành, hành chính Nhà nước và cung ứng dịch vụ công, về những việc các cấp chính quyền đã làm được và chưa làm được ở một số lĩnh vực theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Năm 2012 là năm thứ 2 PAPI được triển khai trên toàn quốc, thông tin được thu thập qua phỏng vấn 13.747 người dân. Theo báo cáo tháng 5-2013 của nhóm nghiên cứu, PAPI năm 2012 tỉnh ta đạt 40,92 điểm (tăng 1,43 điểm so với năm 2011) nằm trong nhóm những tỉnh có chỉ số PAPI dẫn đầu, xếp thứ 1/10 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố cả nước.
Hoạt động tại Trung tâm giao dịch hành chính một cửa (UBND Thành phố Nam Định). |
Với cách tiếp cận đánh giá đa chiều, bộ chỉ số PAPI gồm sáu nội dung lớn: Sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình của chính quyền đối với người dân; kiểm soát tham nhũng; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công. Trục nội dung sự tham gia của người dân cấp cơ sở, tỉnh ta đạt 5,40 điểm xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố. Đây là trục nội dung có điểm số thấp nhất trong các trục nội dung của PAPI tỉnh ta, tuy đã có sự cải thiện so với năm 2011, nhưng là không đáng kể (tăng 0,37% điểm số và tăng 1 bậc trên bảng xếp hạng). Để nâng cao điểm số của trục nội dung này các cấp uỷ, chính quyền cơ sở cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền; nâng cao hiểu biết của người dân về các vị trí dân cử, về cơ hội tham gia của người dân vào các cuộc bầu cử (bầu cử đại biểu HĐND, đại biểu Quốc hội và trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố), nâng cao chất lượng bầu cử, vận động nhân dân tham gia đóng góp tự nguyện cho các dự án công trình công cộng tại địa bàn xã, phường, thị trấn. Trục nội dung công khai, minh bạch, tỉnh ta đạt 6,68 điểm (tăng 0,03 điểm so với năm 2011) cùng với Quảng Bình, Quảng Trị, Thái Bình, Hà Nam là 5 tỉnh có điểm số cao nhất cả nước. Đây là trục nội dung đánh giá mức độ công khai, minh bạch trong cung cấp thông tin kịp thời và tin cậy của chính quyền địa phương tới người dân. Trục nội dung này tập trung vào vấn đề nhận thức của người dân từ kết quả cung cấp thông tin của chính quyền cũng như mức độ công khai thông tin về các chính sách xã hội cho người nghèo, về các quy định pháp luật ảnh hưởng đến đời sống hằng ngày của người dân, về thu, chi ngân sách cấp xã, phường và về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và khung giá đền bù đất bị thu hồi. Để giữ vững và nâng cao điểm số thành phần này cần công khai minh bạch trong việc lập và thông tin về danh sách hộ nghèo, giúp các hộ nghèo được tiếp cận với những ưu đãi về an sinh xã hội; công khai đầy đủ về nội dung của bảng kê thu, chi ngân sách cấp xã, phường để tránh sai phạm trong quản lý công quỹ theo quy định của Pháp lệnh Thực hiện dân chủ cơ sở; công khai, minh bạch trong quản lý đất đai, đặc biệt là trong quá trình quy hoạch, lập kế hoạch sử dụng đất, đền bù thu hồi đất, đặc biệt với dân cư nông thôn. Trục nội dung trách nhiệm giải trình với người dân, tỉnh ta đạt 6,56 điểm (tăng 4,27% so với năm 2011) đứng thứ 3/10 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 4/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Trục nội dung về trách nhiệm giải trình với người dân tập trung đánh giá hiệu quả giải trình của cán bộ chính quyền về các hoạt động tại địa phương với cấp cơ sở. Trục nội dung này xem xét mức độ và hiệu quả tiếp xúc của người dân với các cá nhân và cơ quan có thẩm quyền để giải quyết các vấn đề cá nhân, gia đình, hàng xóm, hoặc liên quan tới chính quyền địa phương; về khiếu nại, tố cáo của người dân; về mức độ phổ biến và hiệu quả của các cơ chế dân cử để yêu cầu chính quyền địa phương chịu trách nhiệm trước các chương trình và dự án triển khai ở cấp xã, phường (như Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng). Là một thành phần có điểm số nằm trong những tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước, để giữ vững và nâng cao hơn nữa điểm số của trục nội dung này cần nâng cao hiệu quả trong tiếp xúc của người dân với chính quyền khi người dân có nhu cầu giải quyết khúc mắc của cá nhân, gia đình, hàng xóm hoặc liên quan tới chính quyền địa phương. Nâng cao hiểu biết của người dân đối với Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng. Trục nội dung kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, tỉnh ta nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố đạt điểm trung bình cao, đạt 6,05 điểm, xếp thứ 29/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, so với năm 2011 đây là trục nội dung tỉnh ta có sự thay đổi giảm, giảm 0,1 điểm. Trục nội dung này đánh giá mức độ tham nhũng và động cơ của người dân trong việc tố cáo các hành vi tham nhũng về vấn đề lạm dụng ngân sách Nhà nước vì mục đích tư lợi, hối lộ, tầm quan trọng của việc thân quen (vị thân) khi xin hoặc thi vào làm việc trong khu vực Nhà nước, lạm dụng chức quyền trong xử lý các thủ tục hành chính và cung ứng dịch vụ y tế và giáo dục, nhận thức của người dân về quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng và cảm nhận về hiệu quả của những nỗ lực chống tham nhũng của các cơ quan Nhà nước. Để cải thiện điểm số ở trục nội dung này, cần nâng cao vai trò của người dân trong kiểm soát tham nhũng ở chính quyền địa phương, trong cung ứng dịch vụ công. Trục nội dung thủ tục hành chính công, tỉnh ta nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất, đạt 7,21 điểm đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố toàn quốc, so với năm 2011 chỉ số này giảm 0,16 điểm, tương ứng giảm 2,2%. Trục nội dung này xem xét việc thực hiện và hiệu quả của việc cung ứng dịch vụ và xử lý thủ tục hành chính của các cơ quan hành chính địa phương dựa trên trải nghiệm thực tế của người dân khi đi làm các thủ tục hành chính như: xin cấp giấy phép xây dựng, cấp mới, cấp đổi hoặc sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cấp huyện, thành phố và xã, phường, và mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ chứng thực, xác nhận của các cấp chính quyền địa phương. Để giữ vững và nâng cao chỉ số này cần phải nâng cao chất lượng của dịch vụ chứng thực, xác nhận. Tạo điều kiện để người dân có cơ hội được phản ánh về chất lượng cung ứng dịch vụ của UBND xã, phường, phòng tư pháp thành phố, huyện hoặc ở các cơ quan hành chính địa phương. Nâng cao chất lượng dịch vụ và thủ tục cấp phép xây dựng, dịch vụ và thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dịch vụ và thủ tục hành chính cấp xã, phường. Trục nội dung cung ứng dịch vụ công, đây là trục nội dung đánh giá hiệu quả trong cung ứng dịch vụ công thông qua bốn loại hình dịch vụ công, bao gồm: y tế công lập, giáo dục tiểu học công lập, cơ sở hạ tầng căn bản, và an ninh, trật tự ở khu dân cư. Tỉnh ta với điểm số 7,33, xếp thứ 2/10 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng, xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. So với năm 2011 điểm số trục nội dung này có sự cải thiện đáng kể, tăng 0,56 điểm, tương ứng tăng 8,28% và cùng với tỉnh Hà Giang, Thừa Thiên Huế là 1 trong 3 tỉnh có phần trăm thay đổi tăng lớn nhất. Trục nội dung này đề cập tới các dịch vụ công được coi là đóng vai trò then chốt trong việc cải thiện điều kiện sống của người dân như y tế, giáo dục, nước sạch, và tình hình an ninh, trật tự ở địa bàn khu dân cư. Để giữ vững và gia tăng chỉ số này, tỉnh ta cần nâng cao chất lượng chung của bệnh viện công lập các tuyến, đẩy mạnh cải cách trong giáo dục tiểu học công lập, hoàn thành xây dựng các công trình hạ tầng căn bản, giữ vững an ninh trật tự khu dân cư.
Những số liệu trong báo cáo PAPI 2012 đã cho thấy những điểm mạnh, điểm yếu trong hoạt động dịch vụ công trên địa bàn tỉnh ta, từ đó cung cấp cho các ĐBQH và HĐND những thông tin, dữ liệu khách quan về hiệu quả quản trị và hành chính công, giúp đưa ra những chính sách công kịp thời, hợp lý. Qua 2 năm triển khai trên phạm vi toàn quốc, chỉ số PAPI tỉnh ta đều nằm trong nhóm dẫn đầu, năm 2011 xếp thứ 6, năm 2012 cải thiện được 5/6 chỉ số thành phần, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố. Điều đó cho thấy sự ổn định trong hoạt động của hệ thống chính trị, của các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước, niềm tin vững chắc của nhân dân đối với chính quyền từ cấp tỉnh đến cơ sở. Để giữ vững và nâng cao chỉ số PAPI cần có sự cố gắng tích cực của cấp uỷ, chính quyền các cấp, các cơ quan hành chính Nhà nước và của nhân dân trong toàn tỉnh./.
Bài và ảnh: Quang Lộc