Thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, những năm qua tỉnh ta đã triển khai nhiều giải pháp đồng hành với nhà đầu tư giải quyết khó khăn, vướng mắc khi triển khai dự án tại các KCN. UBND tỉnh đã ban hành 3 quyết định về một số cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, xây dựng, kinh doanh hạ tầng KCN và đầu tư sản xuất, kinh doanh trong các KCN với các chính sách như miễn giảm tiền thuê đất, tiền thuế, phí sử dụng hạ tầng, chi phí quảng cáo, hỗ trợ kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng, đào tạo lao động, xây dựng trạm xử lý nước thải. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện tốt cơ chế, chính sách liên quan, đồng thời kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương kịp thời sửa đổi, bổ sung những nội dung không còn phù hợp, hoặc còn thiếu nhằm mục tiêu điều chỉnh thu hút đầu tư theo hướng tăng dần về chất lượng.
KCN Mỹ Trung nằm liền kề Quốc lộ 10 là địa điểm hấp dẫn thu hút nhà đầu tư. |
Tỉnh ta có 9 KCN được Chính phủ phê duyệt nằm trong quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2020, trong đó 3 KCN đã đi vào hoạt động gồm: Hòa Xá, Mỹ Trung, Bảo Minh. KCN Hòa Xá, được thành lập năm 2001 với diện tích 285,27ha do Cty Phát triển và khai thác hạ tầng KCN làm chủ đầu tư. Hiện tại KCN Hòa Xá đã lấp đầy 100% diện tích với 114 doanh nghiệp, 137 dự án đầu tư, tạo việc làm cho hơn 20.000 lao động. KCN Mỹ Trung có diện tích 150,68ha nằm trên địa bàn các xã Mỹ Trung, Mỹ Phúc, Mỹ Tân (Mỹ Lộc) và phường Lộc Hạ (TP Nam Định). Nhằm góp phần tháo gỡ những vướng mắc dẫn đến đầu tư hạ tầng KCN Mỹ Trung diễn ra chậm, nhiều hạng mục hạ tầng quan trọng như đường giao thông, điện chiếu sáng, hệ thống cấp nước, thoát nước đều thi công dở dang gây khó khăn cho thu hút đầu tư vào KCN, đồng thời cũng là giải pháp tích cực cải tạo môi trường thu hút đầu tư, ngày 8-7-2013 UBND tỉnh đã chủ trì lễ ký kết chuyển nhượng dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Mỹ Trung từ Cty CP CNTT Hoàng Anh sang Cty CP Quản lý IP Nhật Việt, là doanh nghiệp của Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam. Nhà đầu tư mới sẽ trực tiếp quản lý và cam kết hoàn thiện cơ sở hạ tầng KCN Mỹ Trung hiện đại theo tiêu chuẩn Nhật Bản nhằm thu hút các doanh nghiệp có vốn lớn, công nghệ cao vào hoạt động. Trong định hướng, KCN Mỹ Trung sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cùng một số nhà đầu tư ở các nước và vùng lãnh thổ có nền công nghiệp phát triển đầu tư, xây dựng nhà máy mới thu hút lao động có tay nghề không chỉ của tỉnh mà của cả các tỉnh bạn như Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình vào làm việc. Trong buổi tiếp ông Hironori Tsuchiya, Tổng giám đốc Cty CP Quản lý IP Nhật Việt dịp đầu xuân mới Quý Tỵ, đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, đối với KCN Mỹ Trung tỉnh ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp của Nhật Bản tham gia sản xuất các mặt hàng điện, điện tử, điện lạnh, công nghiệp phụ trợ, sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy với công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sử dụng ít lao động. Mục tiêu của tỉnh là sớm xây dựng KCN Mỹ Trung trở thành KCN kiểu mẫu trong toàn quốc, tạo sức bật mới cho tỉnh Nam Định ở hiện tại và tương lai, đồng thời là biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt - Nhật 40 năm qua.
Cùng với 2 KCN Hòa Xá, Mỹ Trung nằm liền kề với Thành phố Nam Định, KCN Bảo Minh được xây dựng tại huyện Vụ Bản bám sát Quốc lộ 10 nối liền tỉnh ta với cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh. KCN Bảo Minh do Cty CP Đầu tư Vinatex làm chủ đầu tư với tổng kinh phí xây dựng hạ tầng 513,696 tỷ đồng. Từ cuối năm 2010, Cty CP Đầu tư Vinatex bắt đầu đồng loạt xây dựng các hạng mục hạ tầng KCN theo tiêu chí đồng bộ và hiện đại. Năm 2011, KCN Bảo Minh chính thức cung cấp hạ tầng đủ điều kiện để nhà đầu tư thứ cấp triển khai dự án đầu tư sản xuất, đồng thời cũng sẵn sàng xây dựng, cung cấp nhà xưởng cho nhà đầu tư thuê, sử dụng theo nhu cầu.
Với những nỗ lực cao trong việc chỉ đạo, điều hành của tỉnh nên việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KCN ở tỉnh ta được thực hiện khá đồng bộ, chất lượng, kết hợp với hạ tầng giao thông đường bộ cả quốc lộ, tỉnh lộ và giao thông nông thôn như Quốc lộ 10, Quốc lộ 21, tuyến đường bộ mới Nam Định - Phủ Lý… đều không ngừng được phát triển, nâng cấp, mở rộng đưa Nam Định trở thành điểm đến thuận lợi của các nhà đầu tư. Trong năm 2012, tỉnh ta đã tổ chức nhiều đoàn xúc tiến đầu tư, quảng bá, giới thiệu hình ảnh về Nam Định tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan thu hút hơn 400 doanh nghiệp đến tìm hiểu cơ hội đầu tư. Trong tháng 7-2013, UBND tỉnh phối hợp với một số cơ quan Trung ương tổ chức hai hội nghị xúc tiến đầu tư lớn tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, hứa hẹn nhiều cơ hội thu hút đầu tư về tỉnh. Như vậy, tính đến nay, trong 3 KCN của tỉnh đã có 160 dự án đầu tư, trong đó có 140 dự án trong nước với số vốn đầu tư đăng ký là 8.168 tỷ đồng, sử dụng diện tích đất 191,7ha và 20 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 224 triệu USD, diện tích đất thuê 98,2ha. Trong nửa đầu năm nay, các doanh nghiệp KCN đã đạt giá trị sản xuất công nghiệp 1.490 tỷ đồng, doanh thu 3.200 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu 93,2 triệu USD, giá trị nhập khẩu 152,8 triệu USD, nộp ngân sách 40 tỷ đồng.
Sau mười năm xây dựng và phát triển, các KCN của tỉnh đã có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại, có giá trị lâu dài trong phát triển kinh tế không chỉ đối với Nam Định mà còn góp phần kết nối với các vùng miền, các trọng điểm kinh tế trong khu vực và cả nước. Các KCN đã huy động được lượng vốn đầu tư đáng kể của các thành phần kinh tế ở trong và ngoài nước phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH của tỉnh, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế ở địa phương./.
Bài và ảnh: Xuân Thu