Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của kinh tế - xã hội, hệ thống điện trên địa bàn tỉnh đang không ngừng được đầu tư, mở rộng và nâng cao khả năng truyền tải từ lưới điện quốc gia đến các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đến nay toàn tỉnh đã có 1.854km đường dây trung áp trên không, 64,24km cáp ngầm, 12.076km lưới điện hạ thế, 14 trạm biến áp (TBA) trung gian, 2.529 TBA phân phối, tổng công suất 806.721KVA đảm bảo cung ứng điện đến 100% số hộ gia đình ở 229 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Mục tiêu bảo đảm an toàn điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt, đặc biệt là trong mùa mưa bão được Cty Điện lực Nam Định đặc biệt chú trọng.
Công nhân Phân xưởng xây lắp và sửa chữa thiết bị điện (Cty Điện lực Nam Định) đại tu máy biến thế kịp thời phục vụ công tác PCLB. |
Với khối lượng tài sản lớn, chủ yếu nằm ngoài trời và phân bổ rộng trên phạm vi toàn tỉnh nên phương án phòng, chống lụt bão (PCLB) của ngành Điện luôn được xây dựng chi tiết, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân đảm bảo kết hợp nhịp nhàng trong vận hành, xử lý sự cố lưới điện trong mùa mưa bão. Ban chỉ huy PCLB của Cty được kiện toàn ngay từ đầu năm bao gồm 34 thành viên trực tiếp do giám đốc Cty làm trưởng ban. Đội xung kích PCLB của Cty có 40 thành viên, mà lực lượng nòng cốt là cán bộ, nhân viên Phân xưởng xây lắp và sửa chữa thiết bị điện, được trang bị đầy đủ máy móc, phương tiện chuyên dụng như cần cẩu, tời, pa-lăng, xe chở cột điện cùng các thiết bị đo lường điện trở, điện áp, dòng điện hiện đại. Ở 10 Điện lực huyện và Thành phố Nam Định cũng bố trí lực lượng xung kích PCLB có từ 15 đến 20 người bao gồm các đoàn viên, thanh niên có đủ sức khỏe sẵn sàng đảm nhận các công việc nặng nhọc như kéo dây, dựng cột, khuân vác xà, sứ gãy vỡ khi mưa bão xảy ra. Cùng với công tác kiện toàn nhân sự, Cty Điện lực Nam Định đã chủ động PCLB bằng cách không ngừng đầu tư, kiện toàn, củng cố hệ thống điện bằng các nguồn vốn sửa chữa thường xuyên, cải tạo tối thiểu lưới điện nông thôn giai đoạn I, dự án RD, dự án DEP với tổng kinh phí gần 1.000 tỷ đồng. Chính vì vậy mà hầu hết các tuyến đường dây trục chính dẫn điện đến các hộ gia đình ở khu vực nông thôn đều được thay thế đạt tiêu chuẩn. Toàn bộ hơn 400 nghìn công tơ một pha tại 196 xã, thị trấn mới bàn giao lưới điện hạ thế về ngành Điện quản lý đều được thay thế mới, đặt trong hộp Composite bảo đảm đo đếm chính xác, an toàn, vững chắc, không bị rung lắc do gió bão như trước đây. Phần lớn hệ thống đường điện kéo đến vùng nuôi tôm của các xã Bạch Long, Giao Phong (Giao Thủy), Hải Chính, Hải Triều (Hải Hậu), Nghĩa Phúc, Nam Điền (Nghĩa Hưng) đều đã được thay thế cột tre, cột gỗ, cột sắt bằng cột bê tông có độ an toàn cao không chỉ cho người sử dụng, mà còn sẵn sàng chống chịu tốt trong điều kiện mưa, bão. Hệ thống đường dây tải điện kéo đến các CCN Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng), Xuân Tiến, Xuân Kiên (Xuân Trường), Cổ Lễ, Trực Hùng, Cát Thành (Trực Ninh) mới được kiểm tra, tu sửa, thay thế sứ nứt vỡ, bổ sung tiếp địa chống sét bảo đảm an toàn cao nhất. Tại các huyện Vụ Bản, Ý Yên, nơi tập trung nhiều trạm bơm lớn làm nhiệm vụ chống úng như: Đập Môi, Cốc Thành, Cổ Đam, Sông Chanh, Vĩnh Trị, Quỹ Độ... ngành Điện đã phối hợp chặt chẽ với Cty TNHH MTV KTCTTL Bắc Nam Hà tiến hành đại tu lớn các TBA cấp điện cho các trạm bơm, đồng thời tiến hành chạy thử hệ thống bơm tiêu trong điều kiện tiêu thụ công suất điện lớn nhất để kiểm tra mức độ an toàn của thiết bị điện...
Ở khu vực Thành phố Nam Định, nơi tập trung nhiều đầu mối phụ tải quan trọng của các cơ quan như Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, địa điểm làm việc của Ban chỉ huy PCLB tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh và các cơ quan truyền thông nên phương án bảo đảm an toàn lưới điện cho các vị trí này được bố trí riêng biệt, gồm nhiều phương án dự phòng, kết nối theo nhiều mạch vòng khác nhau. Cty Điện lực Nam Định cũng sẵn sàng điều động máy phát điện công suất lớn 250MW sẵn sàng phục vụ cơ quan chỉ huy PCLB của tỉnh trong điều kiện nguồn điện quốc gia gặp sự cố mất điện hoàn toàn. Các lộ đường dây 475E3.9 cấp điện cho trạm bơm Kênh Gia và 471E3.7 cấp điện cho trạm bơm Quán Chuột phục vụ bơm tiêu thoát nước cho Thành phố Nam Định khi mưa bão lớn đổ bộ đã được kiểm tra, khắc phục các ẩn họa trong mối nối, xà sứ nhằm sẵn sàng vận hành an toàn...
Tháng 7 là thời gian cao điểm mùa mưa, bão nên Cty Điện lực Nam Định tiếp tục kết hợp cùng với các cấp chính quyền cơ sở tổ chức xử lý các bảng hiệu quảng cáo lớn trong phạm vi hành lang an toàn điện, tiến hành phát quang hành lang lưới điện, không để cây cối va quệt, tiếp xúc vào dây dẫn điện, đồng thời tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức ngăn chặn người chăn nuôi không buộc, thả trâu, bò vào cột điện cũng như hàng rào các trạm biến áp điện công cộng phòng ngừa va chạm, gây chập, cháy nổ, không chỉ ảnh hưởng đến tính mạng con người mà còn có thể phá hủy công trình điện. Ngành Điện đã chuẩn bị đủ 41 loại vật tư dự phòng, bao gồm các loại máy biến thế, máy cắt dầu, chống sét van, cầu chì tự rơi, cột điện ly tâm, sứ chuỗi silicone, aptomat, sắt hình các loại... kịp thời đáp ứng nhu cầu sử dụng trong mùa mưa, bão. Lực lượng xung kích PCLB được trang bị đủ 13 loại phương tiện, dụng cụ làm việc từ dây lưng an toàn, mũ nhựa, găng tay cách điện hạ thế đến guốc trèo cột ly tâm, tiếp địa di động, đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Cty Điện lực Nam Định đã tiến hành diễn tập nội dung vận hành cơ chế khắc phục hậu quả thiệt hại do bão gây ra với hơn 100 thành viên tham gia. Qua diễn tập đã giúp lãnh đạo Cty Điện lực Nam Định và các đơn vị thành viên thuần thục các phương án vận hành xử lý sự cố lưới điện trong mưa, bão.
Tập thể cán bộ, CNV Cty Điện lực Nam Định quyết tâm bảo đảm cho hệ thống điện vận hành an toàn, hiệu quả, đáp ứng tốt nhất nhu cầu cung ứng điện cho sinh hoạt và sản xuất của các thành phần kinh tế, phục vụ tốt nhất công tác PCLB của tỉnh và các địa phương./.
Bài và ảnh: Xuân Thu