Để đảm bảo an toàn cho người và tàu cá trong mùa mưa bão, hằng năm, trong kế hoạch PCLB-TKCN của ngành, Sở NN và PTNT luôn xây dựng kế hoạch cụ thể cho chuyên ngành thuỷ sản. Trước mùa mưa bão, Ban chỉ huy PCLB - TKCN Sở NN và PTNT tiến hành tổng kiểm tra công tác PCLB-TKCN ở 3 huyện ven biển và các đơn vị trong ngành để bổ sung, khắc phục kịp thời các tồn tại, kiểm tra đôn đốc việc hoàn thiện hệ thống thông tin liên lạc; chỉ đạo Phòng NN và PTNT các huyện ven biển phối hợp với các cơ quan chức năng nắm chắc số lượng tàu cá, số lao động trên tàu, chủ động triển khai các phương án để đảm bảo an toàn về người và tàu cá hoạt động trên biển, gọi tàu thuyền, ngư dân tránh trú bão khi có tình huống xảy ra. Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến cộng đồng ngư dân thực hiện đúng các quy định bắt buộc của Nhà nước về công tác an toàn cho người và tàu cá; phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, chính quyền các địa phương thường xuyên trao đổi thông tin trong các trường hợp có bão, áp thấp nhiệt đới nhằm nắm được số lượng và vùng hoạt động của tàu cá; tổ chức thông báo các địa điểm neo đậu, tránh trú bão an toàn cho các tàu, thuyền khai thác thủy sản, địa điểm treo tín hiệu và bắn pháo hiệu báo bão tới các chủ tàu cá và ngư dân; giúp ngư dân chủ động phòng tránh thiên tai trên biển... Cùng với tổ chức tập huấn cho ngư dân về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, công tác đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên biển khi có áp thấp nhiệt đới, bão và lốc, Sở NN và PTNT phát sổ nhật ký khai thác thủy sản, bản đồ một số ranh giới biển, sổ tay về Hiệp định phân định và hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam - Trung Quốc, sổ tay hướng dẫn thành lập tổ hợp tác, tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển và bản đồ dự báo ngư trường khai thác thủy sản…
CBCS Đồn Biên phòng Ba Lạt giúp ngư dân neo đậu tàu thuyền phòng, chống cơn bão số 2. |
Nhằm khai thác thủy sản có hiệu quả, đi đôi với bảo vệ bền vững nguồn lợi thủy sản, đồng thời đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển, Sở NN và PTNT đã đề nghị Bộ NN và PTNT và các bộ, ngành Trung ương tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn về Luật Thuỷ sản và các văn bản dưới luật cho ngư dân các địa phương ven biển nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân. Mở rộng đối tượng hỗ trợ hệ thống thông tin liên lạc chuyên dùng cho tàu cá, nhất là các tàu đánh cá xa bờ nhằm đảm bảo an toàn cho người và tàu cá sản xuất trên biển. Cấp kinh phí đầy đủ và đúng lộ trình cho Dự án Khu neo đậu tàu, thuyền tránh trú bão tại xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng) và cửa Hà Lạn (Giao Thủy). Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT đã đề xuất UBND tỉnh quan tâm cấp kinh phí thường xuyên về hoạt động PCLB-TKCN, quan tâm giải quyết chi phí cho chủ tàu cá và các đơn vị tham gia TKCN trên sông, trên biển; ban hành cơ chế, chính sách cho thuê mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng…, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất và dịch vụ hậu cần tại Cảng cá Ninh Cơ. Để chủ động đối phó kịp thời với diễn biến bất thường của thiên tai và tai nạn trên sông, trên biển, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá, ngoài việc thành lập Ban chỉ huy PCLB - TKCN, rà soát, thống kê hệ thống trang thiết bị phục vụ công tác PCLB, phân loại chi tiết số lượng tàu thuyền và lao động nghề cá, Sở NN và PTNT đã chỉ đạo các Trạm Kiểm ngư cập nhật tần số liên lạc (máy đàm thoại), số điện thoại của các tàu cá, nhất là tàu có công suất máy lớn hơn 90CV phục vụ công tác thông tin, gọi tàu, thuyền khi có thiên tai xảy ra. Trong 6 tháng đầu năm 2013, Sở NN và PTNT đã phối hợp với Phòng NN và PTNT các huyện ven biển chọn 6 tàu cá tham gia công tác PCLB - TKCN năm 2013; tổ chức phát 600 tờ rơi tuyên truyền chống sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc trong khai thác thủy sản, phương pháp sơ cứu người bị nạn trên biển, số điện thoại, tần số liên lạc của các Đài thông tin duyên hải, Trung tâm phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam để thuyền trưởng, chủ tàu liên lạc khi tàu cá gặp tai nạn trên biển và 120 tờ sơ đồ ranh giới biển…
Để chủ trương “vươn khơi bám biển làm giàu, góp phần đảm bảo chủ quyền biển, đảo quê hương” ngày càng được phát huy, việc bảo toàn về người và phương tiện sản xuất của ngư dân cần được chú trọng. Chủ tàu cá, thuyền trưởng và các thuyền viên cần chấp hành tốt các quy định mua bảo hiểm cho người và phương tiện. Các tàu cá cần trang bị đầy đủ trang thiết bị an toàn, cứu nạn, thông tin, phương tiện bảo vệ cho người và tàu cá như: phao cứu sinh, thiết bị thông tin liên lạc, đèn, còi, trang thiết bị chống cháy, chống chìm... theo tiêu chuẩn; thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết trong quá trình hoạt động trên biển. Thuyền trưởng phải có đủ bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp, đảm bảo phương tiện luôn ở trạng thái an toàn. Thực hiện tốt việc đăng ký, đăng kiểm đối với phương tiện khai thác theo quy định. Khi xuất bến, cần khai báo đầy đủ tần số liên lạc của tàu, số lượng thuyền viên, ngư trường hoạt động với trạm kiểm soát biên phòng nơi phương tiện cư trú. Chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng, thông báo về vị trí tàu và chấp hành sự điều động, chỉ dẫn của các cơ quan chức năng khi gặp bão. BĐBP và chính quyền các địa phương ven biển cần phối hợp chặt chẽ với ngành NN và PTNT kiểm tra, kiểm soát, thực hiện tốt quy chế phối hợp thông tin báo bão, gọi tàu, thuyền và ngư dân tránh trú bão, nhất là các tàu cá hoạt động trong vùng nguy hiểm, kiên quyết không cho tàu cá đi biển khi đang có tin bão và áp thấp nhiệt đới; xây dựng phương án phối hợp TKCN, huy động tối đa lực lượng, phương tiện của các ngành, các địa phương ứng phó kịp thời với các tình huống TKCN khẩn cấp và các sự cố, tai nạn trên biển. Tỉnh cần tạo điều kiện về cơ chế chính sách hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu cá; tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình các tổ hợp tác sản xuất trên biển, tuyên truyền vận động ngư dân và các tàu thuyền đánh bắt tham gia vào các tổ hợp tác sản xuất trên biển để bảo vệ an toàn cho ngư dân trong khi đánh bắt khai thác hải sản trên biển, khi có sự cố, bất trắc xảy ra sẽ dễ dàng ứng phó kịp thời./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh