Bão số 2 tuy chưa phải là cơn bão mạnh, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 9, cấp 10, nhưng bão tiến sát bờ biển tỉnh ta vào tối ngày 23-6-2013, đúng đỉnh triều cường làm nước biển dâng cao 1,5-2,5m, gây ngập sâu 1-1,5m ở cả 2 bãi tắm Thịnh Long (Hải Hậu) và Quất Lâm (Giao Thủy). Bão gây mưa lớn trên toàn tỉnh, lượng mưa bình quân 98,7mm. Vùng có lượng mưa cao là Văn Lý (Hải Hậu) gần 147mm, Mỹ Lộc 139mm, Ý Yên 134mm… Bão đã gây hư hại lớn về đê, kè, như: làm sập dốc bê tông và mái đá xây trên đê biển Hải Hậu với diện tích 330m2; kè Táo Khoai (Hải Hậu) sạt 25m2, kè đông Cai Đề (Giao Thủy) 5m2, kè đông cống số 9 (Giao Thủy); kè đê tả sông Đáy (Nghĩa Hưng) bị sói lở 2 đoạn với chiều dài 380m, nhiều đoạn sạt sâu vào đê 1-1,4m; kè Cồn Nhì trên đê hữu sông Hồng (Giao Thủy) sạt lở mái với chiều dài gần 400m và sạt mái kè Cồn Ba chiều dài 300m, toàn bộ mái kè Cồn Ba bị cuốn trôi; kè và đường ven kè bãi tắm Quất Lâm bị sạt, sập 3 đoạn, tổng chiều dài 100m. Toàn bộ hệ thống giao thông, công trình công cộng, hệ thống tiêu thoát nước của 2 khu du lịch tắm biển ngập sâu, gây hư hỏng, sụt lún cục bộ… Cùng với đê, kè, sản xuất thủy sản thiệt hại nhiều nhất với giá trị ước tính 100 tỷ đồng. Trên 100 chòi coi ngao, nhà coi đầm nuôi tôm, cá, cua của ngư dân bị tốc mái hư hỏng, 3 tỷ con ngao cám mới sản xuất còn trong bể bị chết do thay đổi thời tiết, mưa làm thay đổi độ mặn đột ngột và gần 500ha ngao giống ương ngoài bãi bị sóng cuốn trôi do bung vây. Có những vùng nuôi hải sản tập trung, mưa lớn làm giảm độ mặn 2-4%o gây sốc cho các đối tượng nuôi thả cỡ lớn, các đối tượng nuôi thả như cua, cá bống bớp, tôm chân trắng (lứa 2) bị chết. Hơn 1.500ha nuôi thủy sản ngoài đê biển vùng bãi bồi bị ngập, sạt lở bờ… Toàn bộ diện tích sản xuất muối bị ngập, ô, nề bị hư hỏng, 2 kho muối bị sét đánh hỏng. Đối với lúa, màu, gần 4.000ha mạ mới gieo và hàng nghìn ha cây màu hè thu mới trồng bị úng, phải bơm tát chống ngập… Tổng thiệt hại do bão số 2 gây ra ở tỉnh ta ước khoảng 150 tỷ đồng.
Thi công kè cắt sóng tạo bãi trên tuyến đê biển Giao Thuỷ. |
Mặc dù thiệt hại về vật chất khá lớn nhưng bão số 2 không gây thiệt hại về người, kể cả số người đang sống ở hơn 1.000 chòi canh, coi ngao và vùng nuôi thủy sản tập trung của các huyện ven biển, ngoài đê… Hơn 2.500 khách du lịch, người dân tại 2 khu du lịch được sơ tán an toàn trước khi bão đổ bộ. Trên 1.000 tàu thuyền với cả chục nghìn lao động đang khai thác hải sản trên biển cũng được kêu gọi về nơi tránh, trú an toàn trước chiều ngày 23-6 tại các khu neo đậu tàu, thuyền tránh, trú bão của tỉnh như cống số 8, số 9, cửa Hà Lạn (Giao Thủy), cửa sông Ninh Cơ, cống Quần Vinh… Đồng chí Trần Công Khôi, Trưởng Phòng Nuôi trồng thủy sản (Sở NN và PTNT) cho biết: "Ngay chiều ngày 22-6-2013, khi các đồng chí lãnh đạo tỉnh, BCH PCLB tỉnh, huyện đi kiểm tra công tác phòng, chống bão số 2 tại đê biển Giao Thủy, cán bộ lãnh đạo và các phòng chức năng liên quan của sở đã có mặt, được chứng kiến các đồng chí Bộ đội Biên phòng liên tục dùng bộ đàm, dùng điện thoại di động gọi từng chủ tàu thuyền đang đánh bắt hải sản trên biển và ngư dân đang ở các chòi canh, coi đầm về nơi tránh, trú. Thậm chí các đồng chí ở Đồn Biên phòng Quất Lâm đã dùng xuồng ra tận các chòi canh ngao ngoài bãi để đốc thúc người dân về; mở cửa cống số 8, số 9 hướng dẫn cho từng tàu, thuyền qua cống trật tự an toàn. Đến 23 giờ ngày 22-6 khi chiếc tàu cuối cùng vào trong cống, các anh còn đi kiểm tra lại từng chòi canh, từng lán coi đầm…". Không chỉ có lực lượng Bộ đội Biên phòng mà tất cả BCH PCLB-TKCN của tỉnh, huyện, ngành… đều có mặt tại khu vực đê biển, các đoạn đê xung yếu, các cống dưới đê có nhiều ẩn họa… để vừa kiểm tra, phát hiện, vừa chỉ đạo tổ chức xử lý những sự cố phát sinh xong trước khi bão số 2 đổ bộ vào. Đây là bài học không mới nhưng thực sự phát huy hiệu quả trong phòng, chống bão số 2. Do kiểm tra sát sao, trực tiếp nên đã phát hiện, chỉ đạo xử lý hố sạt dài gần 35m, sâu 4m ở đầu kè đê biển xã Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng). Ngay sáng ngày 22-6 địa phương đã huy động 50 lao động, 5 ô tô, 20 máy xúc cùng nhiều phương tiện, dụng cụ chuyên dùng; sử dụng hàng trăm rọ thép đựng đá, hàng trăm m2 vải lọc, hàng chục m3 đá hộc, đá 1x2… xử lý an toàn trước 12 giờ trưa ngày 23-6 nên đê, kè này đã được an toàn trong bão số 2. Ngay sau bão, BCH PCLB-TKCN tỉnh chỉ đạo Sở NN và PTNT cùng các huyện kiểm tra thiệt hại thực tế để báo cáo, đề xuất biện pháp xử lý.
Tuy nhiên, theo đồng chí Bùi Sỹ Sơn, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT, trong phòng, chống cơn bão số 2 vừa qua, bên cạnh sự chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo của UBND tỉnh, BCH PCLB-TKCN tỉnh, các ngành, vẫn còn có địa phương chủ quan, trông chờ, ỷ lại như: đê, kè Nghĩa Thắng đã được phát hiện sạt lở trước ngày 22-6 nhưng địa phương đã không chủ động xử lý, chỉ đến khi lãnh đạo UBND tỉnh, BCH PCLB-TKCN tỉnh chỉ đạo mới huy động lực lượng, máy móc, phương tiện để xử lý. Hoặc việc sơ tán du khách, người dân đang sống ở 2 khu du lịch Thịnh Long, Quất Lâm các địa phương cũng chưa triển khai sớm và kiên quyết, phải nhờ sự "vào cuộc" quyết liệt của Bộ đội Biên phòng. Rõ ràng, các địa phương cần quán triệt sâu sắc hơn nữa phương châm "phòng là chính" trong công tác PCLB.
Đối với hệ thống đê biển hầu hết các tuyến đê, kè biển đều được kè kiên cố phía biển, nhưng phía trong đồng nhiều đoạn vẫn còn lát sơ sài. Thực tế qua nhiều trận bão gần đây cho thấy, hầu hết đê, kè bị vỡ, sập đều do nước tràn qua mái "rút ruột" đê do thân đê đắp chủ yếu bằng cát, nhưng sự gia cố mái đê phía đồng vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Hai đoạn phía đông đê, kè bãi tắm Quất Lâm bị sạt, sập trong bão số 2 đến sáng ngày 24-6-2013 vẫn tiếp tục bị "rút ruột" do không mở cống tiêu. Nguyên nhân do người giữ dụng cụ nâng cống thoát nước là chủ đầm ngao nằm ở phía triều sợ mở cống, nước thoát ra sẽ "thổi" mất ngao(?!). Tình trạng này cần được các địa phương nghiêm túc chấn chỉnh, không để lặp lại. Một vấn đề nữa do biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, mặc dù nhiều đoạn đê biển tỉnh ta đã được củng cố theo hướng kiên cố hóa, có thể chống được bão cấp 10, tần suất trên dưới 5%, bão số 2 tuy chỉ mạnh cấp 8, nhưng vào đúng thời điểm triều cường, nên đổi gió từ biển thổi vào làm nước biển tràn qua đê. Diễn biến này cho thấy nên chăng cần có tuyến đê biển phía trong để tránh mặn tràn vào đồng gây hại cho sản xuất sau bão. Hiện tại bão số 2 đã qua trên 10 ngày nhưng các công trình sạt, lở, trượt trên đê biển, đê sông sau khi được xử lý giờ đầu vẫn chưa được tổ chức thi công khắc phục, sửa chữa. Trong khi các cống dưới đê yếu, hiện tượng thẩm lậu, tường cống, mặt cống nứt như cống 1-5 (Hải Hậu), cống Keo (Xuân Trường)… chưa được gia cố và nhiều dòng kênh bị ách tắc dòng chảy mà các địa phương chưa giải toả được.
Qua công tác phòng, chống cơn bão số 2 cho thấy công tác phòng, chống lụt bão ở các địa phương vẫn còn nhiều khiếm khuyết, nhất là công tác "4 tại chỗ" cũng như việc kiểm tra, phát hiện, xử lý sự cố trên hệ thống công trình đê, kè, cống… Các địa phương cần rà soát, củng cố lại BCH PCLB-TKCN, chủ động kiểm tra, phát hiện, xử lý các sự cố về đê điều, thuỷ lợi sớm; giải toả ách tắc, khơi thông dòng chảy các công trình thuỷ lợi. Đặc biệt khắc phục tư tưởng chủ quan, phát huy cao độ phương châm "4 tại chỗ", phòng là chính luôn là nhiệm vụ hàng đầu của UBND, BCH PCLB-TKCN các cấp, các ngành và toàn dân./.
Bài và ảnh: Tất Thắc