Kỷ niệm 123 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", một ngày của tháng 5 lịch sử Đảng uỷ Khối Các cơ quan tỉnh tổ chức lễ báo công dâng Bác, biểu dương điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại Khu Di tích lịch sử K9 - Đá Chông (Ba Vì - Hà Nội). Trong tâm thức và tình cảm của mỗi người dân đất Việt, hành trình về Đá Chông - nơi đất thiêng mang nhiều kỷ niệm sâu đậm trong những năm cuối đời của Hồ Chủ tịch, nhất là những người làm báo chúng tôi có thêm nhiều bài học quý về tấm gương đạo đức của Người.
Dãy Ba Vì nằm bên dòng sông Đà với truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh. Theo truyền thuyết, từ thuở hồng hoang, tại mảnh đất, dòng sông mà nay là Khu Di tích lịch sử K9 là bãi chông chà, là nơi diễn ra những trận giao chiến dữ dội giữa Sơn Tinh và Thuỷ Tinh. Địa danh này có một đặc điểm kỳ lạ là sông Đà qua Lai Châu về Hòa Bình chảy xuôi qua Đằng Khê Thượng đến đây, đột ngột chuyển dòng ngược về hướng Bắc, tạo thành một khúc gẫy, đến ngã ba Bạch Hạc gặp sông Hồng để cùng “sơn chầu thuỷ tụ” về Đền Hùng. Chính tại dải đất linh thiêng này, năm 1957 trong một lần Bác Hồ cùng các đồng chí Quân uỷ Trung ương đi kiểm tra cuộc diễn tập của Sư đoàn 308, thấy phong cảnh “sơn, thủy hữu tình”, khí hậu ôn hòa mát mẻ, phong thuỷ đẹp lại lợi nhiều về mặt quân sự, Bác đã quyết định chọn nơi này làm “Khu căn cứ địa" để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước lâu dài. Khu Di tích lịch sử K9, rộng 234ha, gồm 3 khu: Khu A dành cho Bộ Chính trị họp và tiếp khách; khu B dành cho các đồng chí lãnh đạo nghỉ; khu C dành cho các đồng chí bảo vệ và phục vụ. Trong những năm 1960-1969, tại nơi này, Bác Hồ và các đồng chí trong Bộ Chính trị đã nhiều lần họp bàn, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Tại căn cứ Đá Chông, Bác đã tiếp đón hai người khách nước ngoài: Anh hùng phi công vũ trụ Giéc-man Ti-tốp (Liên Xô cũ) và phu nhân của Thủ tướng Chính phủ Trung Quốc Chu Ân Lai, bà Đặng Dĩnh Siêu. Đây cũng là nơi gìn giữ thi hài của Bác từ năm 1969 đến 1975.
Lãnh đạo, phóng viên Báo Nam Định và Đài PT-TH tỉnh trong chuyến công tác tại Khu di tích Đá Chông. |
Thắp nén hương thơm, các đồng chí trong BCH Đảng bộ và các tập thể, cá nhân tiêu biểu của Đảng bộ Khối đã kính cẩn báo công dâng Bác. Qua 2 năm triển khai Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong Đảng bộ Khối đã có chuyển biến tích cực trong việc rèn luyện đạo đức, giữ gìn lối sống và có thái độ ứng xử đúng mực đối với nhân dân. Các tổ chức cơ sở Đảng đã tập trung giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn tại, khuyết điểm của cơ quan, đơn vị. Năm 2012, Đảng bộ Khối Các cơ quan tỉnh có 66 tổ chức cơ sở đạt trong sạch vững mạnh; có 3.846/3.959 đồng chí đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ. Có 9 tập thể và 16 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị được Đảng ủy Khối khen thưởng.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, Đảng uỷ Khối Các cơ quan tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo việc tổ chức học tập chuyên đề năm 2013 có hiệu quả tại các tổ chức cơ sở Đảng, đưa vào nội dung sinh hoạt thường kỳ hằng tháng gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Cấp ủy các tổ chức Đảng tích cực triển khai, chấp hành tốt chủ trương phát hành "Sổ tay làm theo gương Bác". Thực hiện tốt chương trình kiểm tra, giám sát của cấp ủy các cấp về việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị. Đẩy mạnh tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, biểu dương, động viên các tập thể, cá nhân tiêu biểu, tạo không khí thi đua sôi nổi, phấn khởi trong học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…
Sau lễ dâng hương, báo công dâng Bác, các tập thể, cá nhân tiêu biểu của Đảng bộ Khối đã tham quan Khu Di tích lịch sử K9. Tháng 5, có nhiều đoàn từ các tỉnh, thành phố, các cơ quan, đơn vị và rất đông học sinh khắp các vùng, miền về với Đá Chông. Thật khó để nói hết tâm trạng xúc động khi được về thăm nơi ở, làm việc và từng lưu giữ thi hài của Người năm xưa. Tự tâm thức và tình cảm của mỗi người con đất Việt khi đặt chân đến Đá Chông, nghe chuyện về Bác, ai ai cũng xúc động, không cất thành lời, nhưng những đôi mắt thì ngập tràn tình cảm tiếc thương, kính trọng. Ông Vũ Trọng Hiếu, 72 tuổi, ở Quảng Ninh là cựu chiến binh từng có mặt ở những nơi “túi bom, vựa đạn” trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước xúc động nói: “Ngồi ở Đá Chông, nhìn dòng sông Đà, lòng nhớ Bác da diết”. Đến với Đá Chông để tự soi mình, lòng thành kính hướng về vị Cha già dân tộc. Đó chính là thông điệp thiêng liêng, sâu sắc từ Khu di tích Đá Chông hôm nay sẽ tiếp thêm sức mạnh, là niềm tin, tạo động lực mạnh mẽ để mỗi người sống xứng đáng với công lao, tình cảm của Bác và những thế hệ đi trước.
Thăm Di tích Đá Chông hôm nay, nghe lại chuyện Bác chỉnh sửa thiết kế ngôi nhà làm việc của Bộ Chính trị càng thêm khâm phục bậc lãnh tụ thiên tài mà gần gũi, quan tâm cả đến những chi tiết nhỏ. Theo ý Bác, ngôi nhà nằm theo hướng chính Nam, "cửa đóng, then cài" được thay bằng cửa lùa để tiết kiệm diện tích, bệ tường dọc hai bên phòng họp lớn được làm rộng để có thể dùng làm ghế ngồi khi đông người. Người yêu cầu trải sỏi lối đi để vừa sạch, vừa đảm bảo an ninh, ngồi trong nhà vẫn có thể phát hiện có người đi đến và có tác dụng tốt cho sức khỏe khi đi dạo chân trần. Khi dựng nhà, thấy trước sân có tảng đá lớn, cây cối um tùm, anh em xây dựng đã định phá đi nhưng Bác ngăn lại nói: Đây là hòn non bộ “thiên tạo” không nên phá mà giữ lại xây bồn xung quanh, chứa nước, thả cá tạo cảnh quan. Khi lên thăm, thấy bồn xây quá nhỏ, Bác nhắc nhở: Các chú mặc áo chật thấy có khó chịu không? Bác giản dị trong cuộc sống, luôn muốn gần gũi với thiên nhiên mà sâu sắc, uyên thâm đến nhường nào! Đã hai lần vào dịp 19-5, Bác lại lên Đá Chông để tránh việc tổ chức sinh nhật rình rang.
Thời gian qua, Khu Di tích Đá Chông đã đón nhiều đoàn cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan, đoàn thể của Trung ương, đơn vị quân đội và nhân dân các địa phương đến thăm, tổ chức các hoạt động: báo công dâng Bác, trao Huy hiệu Đảng, kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn, trồng cây lưu niệm... để giáo dục truyền thống; giáo dục đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh. Khu Di tích Đá Chông đã trở thành một di tích có giá trị to lớn về lịch sử - văn hoá; nơi giáo dục truyền thống "Uống nước, nhớ nguồn" của các thế hệ người dân Việt Nam hôm nay và mai sau./.
Bài và ảnh: Việt Thắng