Bệnh nghề nghiệp (BNN) thường phát sinh do làm việc trong môi trường lao động, sản xuất có hại, tác động tới sức khỏe, tinh thần người lao động (NLĐ). BNN tạo ra gánh nặng tài chính cho NLĐ và gia đình, thậm chí đe dọa đến tính mạng NLĐ. Tuy nhiên, hiện nay người sử dụng lao động và NLĐ chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức về BNN.
Công nhân Cty CP Dược phẩm Minh Dân (KCN Hòa Xá) đóng gói, hoàn thiện sản phẩm. |
Hiện toàn tỉnh có trên 3.000 cơ sở lao động, trong đó có 2.600 cơ sở sản xuất với 156 nghìn lao động. Theo quy định của Nhà nước, NLĐ được khám sức khỏe định kỳ mỗi năm một lần, riêng NLĐ nặng nhọc, môi trường làm việc có nhiều yếu tố độc hại được khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần. Trong năm 2012, toàn tỉnh có 28.700 NLĐ được khám sức khỏe định kỳ, chiếm 18%. 4 tháng đầu năm 2013 có 2.260 NLĐ được khám sức khỏe định kỳ. Kết quả cho thấy, số NLĐ có sức khỏe loại 1 chiếm 25,7%; số NLĐ có sức khỏe loại 2 chiếm 52,7%; số người sức khỏe loại 4 và 5 là 3,9%. Các bệnh NLĐ bị mắc tập trung chủ yếu về mắt, đường hô hấp, đau nhức các khớp, cảm cúm, đau đầu và tỷ lệ NLĐ mắc BNN gia tăng theo từng năm. Về khám, phát hiện BNN, năm 2012 có 391 người khám, đã phát hiện 26 người mắc BNN, 51 người nghi mắc BNN. Tích lũy đến nay, toàn tỉnh có 235 người mắc BNN, trong đó có 136 người bị viêm gan B, 65 người bị điếc, 13 người bị bụi phổi; 9 người bị nhiễm xạ… Số trường hợp bị BNN ở tỉnh ta không nhiều, song vấn đề phòng, chống BNN cho NLĐ vẫn cần quan tâm, bởi hiện nay người sử dụng lao động và cả NLĐ chưa nhận thức đầy đủ, đúng đắn về BNN. Những năm qua, các cấp và các ngành chức năng trong tỉnh thường xuyên tuyên truyền về công tác an toàn, VSLĐ-PCCN, đặc biệt là trong Tuần lễ Quốc gia an toàn, VSLĐ-PCCN, nhiều đơn vị, trong đó hầu hết các doanh nghiệp lớn và vừa đều thực hiện khá tốt các quy định của pháp luật về an toàn, VSLĐ-PCCN, đã quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe NLĐ. Tuy nhiên một số ngành nghề như: công nghiệp dệt may, cơ khí; doanh nghiệp nhỏ và làng nghề chưa chú trọng đến công tác an toàn, VSLĐ-PCCN, nhiều cơ sở sản xuất né tránh việc đo kiểm môi trường lao động (MTLĐ). Theo thống kê, năm 2012, toàn tỉnh có 87 đơn vị tiến hành đo kiểm MTLĐ, từ đầu năm 2013 đến nay có 37 đơn vị tiến hành đo kiểm MTLĐ. Kết quả cho thấy, tại các doanh nghiệp đều có yếu tố không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép. Trong đó, số doanh nghiệp không đạt tiêu chuẩn về ánh sáng chiếm 66%, không đạt tiêu chuẩn về tiếng ồn chiếm 57%, không đạt tiêu chuẩn về bụi 37%, vi khí hậu 20%, vi khuẩn vi sinh vật 15%... NLĐ hằng ngày tiếp xúc với MTLĐ độc hại sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe song hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và làng nghề không thực hiện đo kiểm MTLĐ cũng như kiểm soát các yếu tố độc hại, bảo vệ sức khỏe NLĐ. Bên cạnh đó, bản thân NLĐ trong quá trình sản xuất còn chủ quan, chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh lao động, bảo vệ sức khỏe của mình. Nhiều lao động làm việc trong môi trường có nhiều bụi như ở các cơ sở may, xưởng sản xuất đồ mộc nhưng không sử dụng đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động…
Để phòng BNN cho NLĐ, các cấp, các ngành chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người sử dụng lao động và NLĐ nâng cao nhận thức, tự giác thực hiện các quy định về an toàn, VSLĐ-PCCN. Các cơ sở lao động, nhất là các đơn vị có nguy cơ gây BNN hằng năm cần tổ chức tập huấn về an toàn, VSLĐ; cách chăm sóc sức khỏe, sử dụng bảo hộ lao động phòng BNN cho NLĐ, đồng thời thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường lao động, ứng dụng các giải pháp an toàn nhằm cải thiện điều kiện làm việc, hạn chế tai nạn lao động, BNN. Tổ chức khám sức khỏe khi tuyển dụng lao động để bố trí công việc phù hợp, khám sức khỏe định kỳ và khám phát hiện BNN để có chế độ điều trị kịp thời cho NLĐ. Quan trọng hơn, NLĐ cần có ý thức phòng bệnh, không chủ quan, sử dụng đầy đủ các trang thiết bị bảo hộ lao động, thực hiện nghiêm túc các quy tắc, quy định về an toàn, VSLĐ./.
Bài và ảnh: Minh Tân