Để tăng cường công tác quản lý khai thác cát sông theo quy định của pháp luật, những năm qua, UBND tỉnh đã ban hành văn bản quy định về công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản; chỉ đạo đánh giá tiềm năng nguồn tài nguyên cát trên các sông lớn để có hướng khai thác hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm; khoanh định những khu vực được phép khai thác cát sông nhằm bảo vệ đê điều; xây dựng quy hoạch khai thác cát sông phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020… Ngoài ra, hằng năm các ngành chức năng, các huyện, thành phố thường xuyên phối hợp đẩy mạnh công tác quản lý, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện các quy định của Luật Khoáng sản. Đặc biệt, Sở TN và MT phối hợp với Công an tỉnh Ninh Bình tổ chức kiểm tra, ngăn chặn và xử lý việc khai thác cát trên sông Đáy, đoạn tiếp giáp giữa hai tỉnh Nam Định và Ninh Bình. Sở TN và MT ban hành văn bản yêu cầu các tổ chức, các chủ dự án có liên quan đến xây dựng, san lấp không thu mua cát đen của các tổ chức, cá nhân không có giấy phép khai thác nhằm ngăn chặn việc khai thác cát trái phép trên các sông, đồng thời tham mưu với UBND tỉnh phân cấp một số nhiệm vụ cho UBND các huyện, thành phố nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động khai thác cát sông như: cấp và gia hạn giấy phép, thu phí, lệ phí cấp phép khai thác cát sông của các tổ chức, cá nhân theo quy định.
Khai thác cát tại Cty TNHH Tuấn Sinh (TP Nam Định). |
Tuy nhiên, tình trạng khai thác cát, sỏi trên sông vẫn tồn tại nhiều bất cập. Trong số hàng trăm tổ chức, cá nhân tiến hành khai thác cát, sỏi trên sông, chỉ có 41 tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác cát sỏi bãi bồi và lòng sông. Các cơ sở, tổ chức, cá nhân khai thác cát sỏi trái phép do không đúng vị trí đã gây sạt lở đê, kè, ảnh hưởng đến các công trình giao thông, vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường. Nguyên nhân của tình trạng khai thác cát trái phép là do nhu cầu sử dụng cát, sỏi để san lấp mặt bằng xây dựng hạ tầng giao thông và các khu, CCN trên địa bàn tỉnh rất lớn, trong khi quy định về điều kiện được cấp phép khai thác nghiêm ngặt, hoạt động quản lý còn hạn chế... Các đối tượng khai thác cát trái phép hầu hết là tư nhân quy mô nhỏ lẻ, hạn chế về phương tiện, thiết bị chuyên dụng, phạm vi hoạt động trải rộng lại di động nên gây khó khăn cho công tác kiểm soát, xử phạt của các ngành chức năng. Bên cạnh đó, chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn; hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương trong việc quản lý, xử lý vi phạm chưa cao…
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát sông, trước mắt tỉnh đã chỉ đạo tập trung thanh, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm ở mức cao nhất theo quy định của pháp luật nhằm cảnh cáo, răn đe trực tiếp các đối tượng vi phạm. Trong đó, đề cao trách nhiệm của chính quyền cấp huyện, cấp xã trong việc quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Chỉ trong 17 tháng (từ năm 2011 đến cuối năm 2012), các ngành chức năng đã tổ chức kiểm tra 312 lượt phương tiện khai thác, vận chuyển cát, sỏi; xử lý 296 phương tiện vi phạm, phạt gần 390 triệu đồng. Trong đó, các lực lượng công an đã kiểm tra, xử lý 209 trường hợp vi phạm, phạt 268 triệu đồng; các ngành chức năng đã kiểm tra 136 bãi kinh doanh cát, sỏi, xử lý 85 bến bãi vi phạm, phạt 63 triệu đồng. Thời gian tới, các ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin về các khu vực cấm khai thác và 9 mỏ dừng cấp phép khai thác đến các tổ chức, cá nhân đang thực hiện khai thác cát sông trong và ngoài tỉnh. Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tăng cường quản lý hoạt động khai thác cát theo quy hoạch. Đẩy mạnh việc cấp phép khai thác cát sông cho các tổ chức, cá nhân đủ năng lực, có hợp đồng san lấp, có giấy phép kinh doanh VLXD và giấy phép mở bến thủy nội địa; ưu tiên cấp phép khai thác cát cho các công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm hoặc vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng. Huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong bảo vệ và quản lý tài nguyên cát sông; huy động các tổ chức quần chúng phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vi phạm về khai thác cát sông, vi phạm quy hoạch. Tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác thăm dò, khai thác, kinh doanh cát; xây dựng các phương án, kế hoạch đấu thầu các khu vực thăm dò, khai thác các mỏ cát thuộc thẩm quyền quyết định của tỉnh; có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư thiết bị, công nghệ khai thác, chế biến nhằm khai thác hợp lý nguồn tài nguyên cát./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý