Khác với quy luật tăng giá đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau quả vào dịp sau Tết hằng năm, năm nay, thị trường sau Tết được chính các doanh nghiệp, các tiểu thương phân phối, cung ứng sản phẩm khẳng định: dồi dào về số lượng hàng hoá, ổn định về giá.
Mua bán rau quả tại chợ Hoàng Ngân (TP Nam Định). |
Theo chị Nguyễn Thị Nhẫn, chủ đại lý bán buôn và bán lẻ rau xanh tại chợ Hoàng Ngân (TP Nam Định) cho biết: Rau xanh là mặt hàng luôn có sức mua lớn nhất trong các chủng loại thực phẩm và hằng năm, thường xảy ra tình trạng khan hiếm rau hoặc tăng giá đột biến vào dịp sau Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, năm nay, trong điều kiện thời tiết ấm áp, các loại rau, củ quả đều sinh trưởng, phát triển tốt và cho thu hoạch đồng loạt vì vậy, lượng rau, củ quả tương đối dồi dào, đáp ứng sức mua và không xảy ra sự biến động về giá... Tất cả các loại rau đều ở mức ổn định, thậm chí nhiều loại rau còn có mức giá thấp hơn tới 50% so với dịp Tết và thấp hơn tới 70% so với dịp giá rau tăng đột biến khi thời tiết rét đậm kéo dài cuối năm 2012. Đặc biệt, ngay những loại rau phục vụ nhu cầu ăn lẩu như: cải thìa, cải xoong, cải cúc, ngải, cần, mồng tơi, rau muống… cũng được bán với mức giá khá thấp, từ 500 đến 1.000 đồng/mớ. Đối với các mặt hàng thực phẩm như: thịt bò, gà, thịt lợn, mức giá không những không tăng mà còn giảm so với ngày thường và giảm từ 10 đến 15% so với dịp Tết. Gà ta được bán đến tay người tiêu dùng với giá 170.000 đồng/kg; gà tam hoàng, gà K9 giá 110.000 đồng/kg; thịt lợn mông sấn giá 85.000 đồng/kg, thịt nạc vai giá 90.000 đồng/kg, chân giò giá 60.000 đồng/kg, sườn non dao động từ 90 đến 100.000 đồng/kg; thịt bò thăn giá 250 đến 260.000 đồng/kg. Tại nhóm thực phẩm này, còn bị giảm sút nghiêm trọng về sức mua so với dịp trước Tết vì đây là các mặt hàng có khả năng chế biến thành nhiều món ăn sẵn như: giò, chả, thịt đông, lạp xườn, thịt hun khói, bò khô, ruốc… giúp khách hàng có thể dùng làm quà tặng, biếu và tích trữ dài ngày trong dịp Tết vì vậy lượng đồ ăn đã chế biến từ các mặt hàng này còn tồn đọng khá nhiều, kéo theo tình trạng giảm bớt sức mua. Bên cạnh đó, năm nay do điều kiện khó khăn của nền kinh tế đã tác động rất lớn đến sức mua của người tiêu dùng. Theo chị Vũ Thị Thanh, chủ sạp thịt lợn, bò, gà tại chợ Diên Hồng (TP Nam Định) cho biết: Những năm trước, chỉ đến mùng 5, mùng 6 Tết là sức mua đã hoàn toàn phục hồi so với ngày thường. Tuy nhiên năm nay, đến ngày mùng 9 Tết, sức mua vẫn không chỉ giảm mạnh so với những ngày trước Tết mà còn giảm khoảng 40 đến 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng chung tình cảnh thưa thớt người mua, các mặt hàng thuỷ, hải sản tươi sống cũng rơi vào tình trạng ế ẩm kéo dài trong những ngày sau Tết. Theo các chủ đại lý và các tiểu thương buôn bán tại các chợ đầu mối như: Phạm Ngũ Lão, Mỹ Tho… cho biết: do căn cứ vào quy luật tăng đột biến về sức mua sau Tết đã tồn tại từ nhiều năm nên năm nay việc chuẩn bị khối lượng hàng hoá được chủ động từ rất sớm. Trữ lượng hàng hoá của các đại lý đều rất dồi dào nhưng lượng người mua rất thấp. Giá cả các mặt hàng vì thế cũng không cao và không thể xảy ra tình trạng tự ý đẩy giá tăng cao. Hiện tại, tôm sú 50g/con, giá 300.000 đồng/kg; tôm sú 100g/con, giá 370.000 đồng/kg; cá diêu hồng 65.000 đồng/kg; cá trắm trắng 55.000 đồng/kg; ba ba 230 đến 240.000 đồng/kg… Để thu hút, kích thích sức mua của người tiêu dùng, không ít hộ kinh doanh hàng thuỷ, hải sản tươi sống còn chủ động giúp khách hàng sơ chế thực phẩm, giảm bớt công sức trong chế biến, nấu nướng thức ăn nhưng cũng không thể tăng thêm sức mua. Nhóm các mặt hàng lương thực và đồ uống, nước giải khát không thu hút nhiều người tiêu dùng và các mặt hàng lương thực vẫn cơ bản giữ nguyên giá như: gạo tẻ thường có giá 11.500 đồng/kg; gạo Bắc thơm có giá 14.000 đồng/kg; gạo nếp mùa có giá 23.000 đồng/kg; giá các loại nước giải khát Cocacola lon, Seven up, bia Heniken, bia Halida, bia Hà Nội đã bắt đầu có mức giảm giá từ 3.000 đến 5.000 đồng/thùng so với những ngày trước Tết…
Tình trạng ổn định về giá của hầu hết các mặt hàng vào dịp sau Tết được ngành Tài chính khẳng định, sẽ không chỉ diễn ra trong năm nay mà về cơ bản sẽ tái lập trong những năm tiếp theo. Vì trên thực tế, việc sản xuất hàng hoá, cung ứng sản phẩm ngày càng được các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tập trung đầu tư, nâng cấp theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá với lượng hàng hoá ngày càng phong phú, dồi dào; đa dạng về chủng loại, cạnh tranh về giá cả. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh ta, đến thời điểm hiện nay đã và đang có một số doanh nghiệp tập trung đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống cung cấp hàng hoá theo tiêu chuẩn siêu thị, trung tâm thương mại tập trung như: Big C Nam Định, Micom Plaza…
Chính các đơn vị cung ứng sản phẩm ở quy mô lớn này đã khẳng định thực tế hoạt động của mình phần nào tạo động lực, thúc đẩy tính cạnh tranh để mọi đơn vị, doanh nghiệp khác tự giác, chủ động nâng cao chất lượng phục vụ, hạ giá thành sản phẩm ở tất cả các sản phẩm. Cụ thể như: tại siêu thị Big C Nam Định, ngay từ mùng 3 Tết đã chính thức mở cửa trở lại, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của khách hàng và áp dụng 2 chương trình khuyến mãi kéo dài 17 ngày (từ ngày 12-2 đến ngày 28-2-2013) đối với hơn 700 mặt hàng. Về sức mua của người tiêu dùng, ngành chức năng nhận định: ngoài sự tác động tiêu cực của nền kinh tế khó khăn, còn do thời gian nghỉ Tết của người lao động năm nay kéo dài hơn so với những năm trước đã tạo nên một trong những nguyên nhân chính gây giảm sút, trì hoãn sức mua sắm, tiêu dùng hàng hoá. Tuy nhiên, tình trạng giảm sút sức mua này được dự báo là sẽ nhanh chóng cải thiện, phục hồi sau một thời gian ngắn./.
Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Thuý