Ghi nhận từ hai trang trại chăn nuôi đầu tiên đạt tiêu chuẩn VietGAHP

07:02, 22/02/2013

Cuối năm 2012, tỉnh ta có hai trang trại chăn nuôi đầu tiên được cấp giấy chứng nhận VietGAHP là trang trại nuôi lợn thịt của ông Nguyễn Văn Toán, xã Xuân Thượng (Xuân Trường) với quy mô 2.000 con lợn thịt/năm và trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng thương phẩm của ông Trần Hồng Kỳ, xã Minh Tân (Vụ Bản) với quy mô 25.000 con. Với sự hỗ trợ của Cục Chăn nuôi (Bộ NN và PTNT) và Sở NN và PTNT, sau một thời gian triển khai thực hiện mô hình đã cho kết quả tốt, được người chăn nuôi tích cực áp dụng. Cả hai trang trại đã đạt 13 nội dung chính theo các tiêu chí của quy trình VietGAHP như: địa điểm xây dựng trang trại; thiết kế chuồng trại, kho và thiết bị chăn nuôi; quản lý con giống; quản lý thức ăn, nước uống và nước vệ sinh; quản lý đàn gia súc, gia cầm; quản lý dịch bệnh; bảo quản và sử dụng thuốc thú y; quản lý chất thải và bảo vệ môi trường; kiểm soát côn trùng, loài gặm nhấm và động vật khác; quản lý nhân sự; ghi chép lưu trữ hồ sơ, truy nguyên nguồn gốc và thu hồi sản phẩm; kiểm tra đánh giá nội bộ; khiếu nại và giải quyết khiếu nại.

Chăn nuôi gà Isa Brown theo tiêu chuẩn VietGAHP tại trang trại của ông Trần Hồng Kỳ, thôn Thượng, xã Minh Tân (Vụ Bản).
Chăn nuôi gà Isa Brown theo tiêu chuẩn VietGAHP tại trang trại của ông Trần Hồng Kỳ, thôn Thượng, xã Minh Tân (Vụ Bản).

Ông Trần Hồng Kỳ ở thôn Thượng, xã Minh Tân cho biết: "Đầu năm 2007, gia đình tôi đầu tư hơn 6 tỷ đồng xây dựng 2 khu chuồng nuôi gà theo quy trình VietGAHP trên diện tích 4.000m2. Đến nay, trung bình mỗi ngày gia đình xuất bán được hơn 10 nghìn quả trứng gà sạch, tạo việc làm cho hơn 10 lao động với thu nhập bình quân hơn 4 triệu đồng/người/tháng". Theo ông Kỳ, trong số 13 tiêu chí để được cấp giấy chứng nhận VietGAHP thì tiêu chí về quản lý con giống và môi trường chăn nuôi là 2 tiêu chí quan trọng. Hiện tại, toàn bộ đàn gà của trang trại đều là giống gà ngoại Isa Brown chuyên trứng được ông Kỳ nhập từ Cty CP Thức ăn chăn nuôi C.P Việt Nam với khả năng đẻ bình quân từ 280-300 trứng/con/năm, trọng lượng trứng từ 50-60g/quả. Đàn gà giống được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin và xét nghiệm máu trước khi nhập chuồng. Ngoài ra, gà còn được bổ sung các loại vitamin C, glueco vào thức ăn, theo định kỳ từ 1-2 tháng/lần để tăng cường sức đề kháng, khả năng sinh trưởng cũng như năng suất đẻ trứng đảm bảo đúng quy trình và hàm lượng cho phép theo tiêu chuẩn. Để đảm bảo môi trường chăn nuôi an toàn, việc xây dựng và thiết kế chuồng trại phải đảm bảo nghiêm ngặt theo đúng quy trình. Mỗi chuồng đều được lắp đặt giàn mát, quạt hút gió ở đầu và cuối mỗi ô chuồng, nhiệt độ trong chuồng phải luôn giữ ở mức từ 23-250C. Công tác tiêu độc, khử trùng bên ngoài chuồng trại luôn được thực hiện định kỳ từ 3-4 ngày/lần. Lồng được thiết kế nuôi 4 con/ô chuồng. Phân gà được thu dọn tự động bằng hệ thống cần gạt phía dưới nền chuồng, đóng bao và xử lý trước khi đem ra ngoài trang trại. Toàn bộ hệ thống quạt, cần gạt phân, đèn chiếu sáng được điều khiển bán tự động. Theo ông Kỳ, thực hành chăn nuôi gà theo quy trình VietGAHP không những đảm bảo chăn nuôi an toàn bền vững mà còn giúp cho người tiêu dùng an tâm hơn với sản phẩm trứng "sạch" bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, thị trường tiêu thụ ổn định.

Đến thăm trang trại nuôi lợn của ông Nguyễn Văn Toán tại xóm 10, xã Xuân Thượng, ông cho biết: "Mô hình chăn nuôi theo quy trình VietGAHP là một phương pháp chăn nuôi rất tốt, giải quyết được vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà người tiêu dùng đang quan tâm hiện nay". Trên diện tích hơn 1ha, ông đã xây dựng thành 5 dãy chuồng hoàn chỉnh. Lợn giống từ lúc nhập được nuôi lần lượt trong từng khu chuồng chuyên biệt đảm bảo đến lúc xuất bán theo chu trình khép kín. Trung bình mỗi năm gia đình ông xuất bán hơn 240 tấn lợn thịt, thu lãi hơn 1 tỷ đồng. Hiện tại, hơn 310 con lợn nái ngoại vẫn được duy trì. Để đảm bảo môi trường chăn nuôi an toàn, ông xây dựng hầm biogas theo công nghệ của Thái Lan với dung tích 1.500m3. Khí gas được dùng để chạy máy phát điện công suất 50kW góp phần chủ động nguồn điện năng phục vụ nhu cầu của trang trại. Nước dùng cho sinh hoạt và chăn nuôi đều được xử lý qua bể lắng, sử dụng clorin lọc sau đó được chuyển sang bể chứa riêng. Khu nuôi lợn đẻ được trang bị đèn sưởi hồng ngoại, công suất 250W. Các khu nuôi lợn nái chửa, nái đẻ, lợn thịt đều được trang bị quạt làm mát, công suất lớn. Đàn lợn nái được tập trung kích đẻ sớm 1-2 ngày, chủ động đẻ 1 lượt vào ban ngày đảm bảo đồng lứa giúp dễ dàng thay đàn và tái đàn trong chăn nuôi. Toàn bộ 10 công nhân phục vụ chăm sóc đàn lợn đều có trình độ Trung cấp thú y trở lên và thường xuyên được tập huấn các kỹ thuật chuyên môn cần thiết.

Chăn nuôi theo quy trình VietGAHP đã và đang chứng minh đạt hiệu quả cao cả về năng suất và chất lượng, thực sự là một hướng đi mới có triển vọng cần được nhân rộng. Tuy nhiên, khó khăn của các hộ chăn nuôi thực hiện theo quy trình VietGAHP là thủ tục ghi chép quy trình chăn nuôi nhằm phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm còn rườm rà. Bên cạnh đó, không phải hộ chăn nuôi nào cũng có điều kiện để đầu tư chăn nuôi theo quy trình VietGAHP do thiếu vốn, thiếu quỹ đất và khó khăn về đầu ra cho sản phẩm... Để mô hình tiếp tục được nhân rộng, các cấp, các ngành chức năng cần tạo điều kiện hơn nữa cho các trang trại, nhất là về nguồn thức ăn chăn nuôi, thời gian thuê đất, đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên thị trường về chất lượng sản phẩm chăn nuôi theo quy trình VietGAHP, tạo thế đứng vững chắc cho sản phẩm trên thị trường, tạo niềm tin với người tiêu dùng./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com